Phát triển kinh tế tư nhân: Chìa khóa vào không gian phát triển mới
Một giấc mơ táo bạo đang hình thành
Bà Phạm Chi Lan - nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam |
Một giấc mơ lớn, táo bạo về một Việt Nam thịnh vượng đang hình thành với hai mục tiêu tham vọng được đưa ra: đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành nước thu nhập trung bình cao và năm 2045 sẽ trở thành nước thu nhập cao.
Giấc mơ táo bạo này hình thành đúng vào lúc cả thế giới đang rung chuyển bởi những biến động lớn lao, tạo nên một môi trường khác xa so với trước và mang lại cả những thách thức lẫn thời cơ mới hiếm có.
Hiện thực hóa khát vọng hay giấc mơ đó đòi hỏi những nỗ lực phi thường và chuyển biến vượt bậc, đột phá, vượt lên chính mình của mọi người Việt Nam và khu vực kinh tế tư nhân (KVKTTN) cần phải thực sự đóng vai trò động lực quan trọng của nền kinh tế.
Để khu vực kinh tế tư nhân có thể trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế trong giai đoạn phát triển tới, có rất nhiều việc phải làm từ cả phía Nhà nước và phía DN.
Việc quan trọng nhất của phía Nhà nước là tạo lập một môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, lành mạnh. Đây là tiền đề số một và cần được coi là trọng tâm của cải cách thể chế kinh tế trong những năm tới.
Tạo lập một môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, lành mạnh đòi hỏi nhà nước tập trung thực hiện bằng được hai việc lớn: tăng cường các thể chế thị trường, tạo môi trường bình đẳng và tự do hóa các thị trường nhân tố.
Về tăng cường các thể chế thị trường, các “luật chơi” phải được xác định rõ ràng, minh bạch, tiên liệu được và được thi hành nghiêm túc. Đối với KVKTTN, chính sách cạnh tranh và đảm bảo quyền tài sản của DN là những luật chơi quan trọng nhất. Còn về môi trường bình đẳng thì tiếp cận các nguồn lực là yêu cầu số 1.
Tự do hóa thị trường các nhân tố sản xuất vô cùng quan trọng, bởi nó tác động rất lớn đến khả năng của DN tham gia các mảng thị trường, đến tái cấu trúc nền kinh tế và đổi mới việc phân bổ và sử dụng các nguồn lực, đến sự công bằng và bền vững trong phát triển của quốc gia.
Về phía KVKTTN, việc quan trọng nhất là nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh thông qua không ngừng học hỏi và sáng tạo, ứng dụng công nghệ, cải thiện quản trị và tăng cường liên kết để phát triển mạnh và bền vững trong mấy thập niên tới.
Trong những năm qua, hầu hết DN đều có nhiều cố gắng bằng các cách khác nhau để nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh. Nhưng bối cảnh cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới đã thay đổi quá nhiều, khiến ngay cả những thành công trước đây cũng không thể đảm bảo cho sự phát triển, thậm chí là tồn tại, trong tương lai nữa.
Dịch Covid-19 cũng tạo một làn sóng các DN tư nhân thực hiện chuyển đổi số, kể cả các DN nhỏ. Theo Báo cáo tình trạng của DN nhỏ toàn cầu công bố tháng 8/2020 của nhóm Facebook, OECD và WB, trong đợt đầu của dịch Covid ở Việt Nam, 41% DN cho biết đã chuyển sang bán hàng online ít nhất 25% doanh số. Trong đợt 2, số DN này tăng lên 50%. Điều này cho thấy đa số DN đã nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc học hỏi, sáng tạo, đổi mới công nghệ và quản trị.
Nhưng thách thức lớn nhất đối với đông đảo DN, nhất là DNNVV, là khó khăn trong việc lựa chọn hướng đi mới trong bối cảnh thị trường đang thay đổi quá nhiều và tương lai rất bất định. Họ sẽ phải chọn sản phẩm, công nghệ, mô hình kinh doanh, hệ thống quản trị phù hợp với hướng đi và năng lực của mình. Tìm kiếm các nguồn lực cần thiết như tài chính, nhân lực… cũng không hề dễ.
Các DN rất cần cùng nhau nghiên cứu thị trường, chia sẻ thông tin, giúp nhau định hướng lại và điều chỉnh chiến lược kinh doanh, trước khi bắt tay thực hiện sự đổi mới. DN nên vận động nhà nước tập trung hỗ trợ DN đổi mới công nghệ và quản trị để phát triển.
Vượt qua thách thức nắm bắt cơ hội
Cũng cần nhớ rằng, đổi mới, sáng tạo là việc DN cần nghĩ liên tục, làm liên tục, nâng cấp liên tục, không thể dừng nếu không muốn bị loại ra khỏi cuộc chơi. Đây là yêu cầu sống còn đối với DN trong thời đại hiện nay và cũng là cách đóng góp thiết thực của DN cho việc hiện đại hóa nền kinh tế.
Còn liên kết và hội nhập chính là chiếc chìa khóa mở cánh cửa cho KVKTTN bước vào không gian phát triển mới.
Trong hơn ba thập niên vừa qua, nhiều DN tư nhân đã thành công khi tham gia các hoạt động kinh doanh trong nước và toàn cầu. Điều đáng tiếc là chúng ta đã an phận quá lâu với việc làm gia công ở khâu thấp nhất, giá trị gia tăng ít nhất, mà chưa vươn lên vị trí cao hơn. Chúng ta sẵn sàng để cho các nhà cung ứng bên ngoài hưởng lợi nhiều lần cao hơn mình từ những sản phẩm mang danh “made in Vietnam”. Chúng ta mở cửa cho các sản phẩm của các đối tác và đối thủ cạnh tranh vào thị trường mình, tự do cạnh tranh với DN Việt và hàng Việt, trong khi vẫn áp dụng đủ thứ công cụ kiểm soát để hạn chế tự do của các DN Việt, đặc biệt là KVKTTN. Còn chính các DN Việt và KVKTTN thì ít liên kết với nhau hoặc chỉ liên kết ở mức độ thấp, không đủ tạo nên sức mạnh để chống chọi với những bất cập và tạo vị trí tốt hơn trong hội nhập.
Giờ đây chúng ta đang liên kết và hội nhập trong một bối cảnh hoàn toàn khác trước. Tự do hóa thương mại và đầu tư đang lùi bước trước xu hướng bảo hộ tăng lên. Toàn cầu hóa đang lung lay, trong khi xu hướng khu vực hóa hay song phương đang lên mạnh. Tài nguyên, lao động giá rẻ không còn là lợi thế, trong khi ai nắm công nghệ thì có quyền chi phối thị trường.
Những thay đổi như trên và hơn thế nữa đặt DN Việt nói chung và KVKTTN vào thách thức lớn phải làm sao để tồn tại và tạo lập được chỗ đứng mới trên thị trường. Đồng thời, những cơ hội mới cũng mở ra khi các chuỗi cung ứng đang chuyển dịch, thay đổi cấu trúc và có thể dịch chuyển một phần sang Việt Nam. Các FTA mới như CPTPP, EVFTA càng tăng thêm cơ hội cho Việt Nam.
Vượt qua thách thức và nắm bắt cơ hội đều đòi hỏi chúng ta phải tự thay đổi, và để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, phải lấy kỹ năng chuyên môn, công nghệ tiên tiến và hệ thống quản trị hiện đại làm nền tảng cho sức mạnh của bản thân DN, đồng thời biết tạo những liên kết cần thiết để bù đắp những thiếu hụt và nhân lên sức mạnh của các bên tham gia, cùng nhau ứng phó với thách thức và khai thác những cơ hội mới. Các DN KVKTTN rất cần tăng cường kết nối, hợp tác với nhau và với các DN khác ở nước ta, “hội nhập từ bên trong” trước khi hoặc ít nhất là cùng lúc với “hội nhập với bên ngoài”.
Trong khi tạo lập những liên kết cho cuộc chơi mới, KVKTTN rất nên mở rộng sự tìm kiếm trong chính những đồng bào của mình, cả ở trong nước và ở các nước khác. Chúng ta đang có hàng trăm ngàn người Việt với trình độ và kỹ năng chuyên môn cao trong nhiều lĩnh vực sáng tạo, công nghệ và quản trị thuộc các ngành đang được thế giới đánh giá cao và quan tâm tìm kiếm. Dù sinh sống ở Nhật, Mỹ, châu Âu, Úc, Hàn Quốc…hay Việt Nam, họ đều chung giấc mơ Việt Nam thịnh vượng và mong muốn góp phần biến giấc mơ đó thành hiện thực. Mở lòng với nhau, tin tưởng-tôn trọng nhau, thành tâm hợp tác, liên kết những bàn tay, khối óc Việt với nhau và với thế giới bên ngoài, chắc chắn khu vực kinh tế tư nhân sẽ thực hiện được vai trò động lực quan trọng của nền kinh tế, góp phần biến giấc mơ Việt Nam thịnh vượng thành hiện thực trong tương lai không xa.
Sức mạnh quốc gia
PGS.TS. Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng |
Chúng ta bước vào năm mới 2021 với hành trang là "những kết quả đáng khâm phục thực sự” đạt được trong năm 2020 trong đó có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng DN, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân.
Một lần nữa niềm tin, “DN tư nhân Việt Nam sẽ làm được những điều lớn lao nhất chưa bao giờ suy giảm. Chỉ cần giải phóng mọi rào cản cho họ” trong tôi được khẳng định. Tôi chưa bao giờ suy giảm niềm tin này. Tôi đang nhìn thấy những tập đoàn tư nhân Việt Nam với ý chí “tiến ra toàn cầu - go Global” và họ đã làm tiến lên và tiến ra chứ không chỉ loanh quanh trong nước.
Nhìn lại lịch sử đất nước, những năm trong thập kỷ 1980 nền kinh tế rơi vào khủng hoảng nặng nề. Nhưng ngay khi có “tuyên ngôn” về kinh tế nhiều thành phần (năm 1986), kinh tế tư nhân được thừa nhận là ngay lập tức khu vực này bật dậy, cứu cả nền kinh tế. Chỉ 6 tháng sau nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng. Tiếp đó kinh tế tư nhân được khẳng định, được coi là động lực và lực lượng này đã cùng đưa nền kinh tế tăng trưởng cao, có năm lên tới 9,5%.
Rồi những năm 2011-2016, nền kinh tế lại một lần nữa rơi vào khủng hoảng, nhưng trong lúc đó, kinh tế tư nhân được nâng thêm một nấc nữa khi được xác định “là động lực quan trọng” và thực sự đã tạo ra tác động rất lớn, tạo ra sự phát triển mạnh mẽ và nền kinh tế một lần nữa nổi lên. Trước đây kinh tế tư nhân bị thiên kiến che mờ, giờ đây kinh tế tư nhân đã lớn mạnh rất nhiều nhưng môi trường vẫn chưa thực sự dành cho họ, cơ chế vẫn bó trói, vẫn nhiều rủi ro khiến kinh tế tư nhân không lớn được và không muốn lớn.
Dù kinh tế tư nhân đã được coi là động lực quan trọng, nhưng cơ chế, thể chế và hành xử hiện nay vẫn chưa hết thiên kiến, sự ưu ái vẫn dành cho khối DN khác. Vì thế ngay cả những cơ hội rất lớn mà các hiệp định thương mại mới mở ra thì vẫn chỉ là khối FDI hưởng được, tận dụng được.
Để kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng thì cách tiếp cận về phát triển DN Việt Nam phải sửa lại, phải khác đi để có tập đoàn tư nhân làm trụ cột và cần phải chuẩn bị tổ cho những con đại bàng quốc tịch Việt Nam chứ không phải chỉ dành tổ cho đại bàng ngoại, bởi không có con đại bàng ngoại nào có thể đưa Việt Nam thành cường quốc.
Để đất nước hùng cường, dân giàu, nước mạnh thì kinh tế tư nhân phải thực sự là động lực quan trọng và cần có những tập đoàn, những DN tư nhân mạnh. Không thể có một nền kinh tế thịnh vượng nếu không có lực lượng DN mạnh.
Và để kinh tế tư nhân là động lực quan trọng không chỉ là xác định bằng lời nói, là chủ trương mà phải là hành động thật. Đảng coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng, Chính phủ cũng đã khẳng định Chính phủ "kiến tạo phát triển" phục vụ người dân và DN, tháo gỡ khó khăn cho DN. Phải đặt niềm tin vào tập đoàn kinh tế tư nhân để có những tập đoàn tư nhân trụ cột kéo theo sự phát triển của các DN khác trong đó có cả DNNN. Chỉ cần giải phóng mọi rào cản cho họ. Hãy để cho DN tư nhân sống bình thường. Để được như thế thì tư duy và thể chế phải đổi mới, phải có thị trường các nhân tố sản xuất.
Kinh tế tư nhân lớn đòi hỏi có không gian thể chế và chính sách tương thích, bình đẳng. Giữa một nền kinh tế đang chuyển đổi mà môi trường thể chế có thể chưa hoàn toàn thuận lợi thì phải dành cho các tập đoàn một khoảng không gian "sạch sẽ", minh bạch hơn về chính sách, để họ vượt lên. Nếu chỉ nhìn như thế là tầm nhìn phát triển còn hẹp hòi. Cần chính sách hỗ trợ cho những tập đoàn kinh tế tư nhân, phải coi các tập đoàn tư nhân như là sức mạnh quốc gia, chứ không đơn thuần là tài sản của ông nọ ông kia, phải tạo điều kiện cho lực lượng quốc gia này phát triển mạnh hơn, dĩ nhiên không được phép biến nó thành sự hỗ trợ riêng tư, sân sau.
Thể hiện rõ “động lực quan trọng”
TS. Vũ Đình Ánh |
Những kỳ tích trong kiểm soát dịch bệnh và duy trì tăng trưởng kinh tế một lần nữa thể hiện sự đóng góp quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân và cũng một lần nữa khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng.
Vai trò của kinh tế tư nhân thể hiện rõ ở tỷ trọng đóng góp trong tăng trưởng kinh tế ngày càng tăng lên. Năm 2015, tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân vào tăng trưởng là 7,88% GDP năm 2015 , tỷ trọng này ở năm 2016 đã tăng lên 9,68% GDP. Và liên tục những năm qua tỷ trọng này luôn ở hai con số. Đóng góp của kinh tế tư nhân trong GDP năm 2019 đạt tới 14,12% vào năm 2019 (cao hơn 60 - 75% so với tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế nhà nước và khu vực FDI).
Vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân còn thể hiện rõ ở số lượng công ăn việc làm mà khu vực này tạo ra. Khu vực này tạo việc làm cho khoảng 10 triệu lao động - gấp khoảng 8 lần so với số lao động trong DNNN và cũng gần gấp đôi số lao động trong các DN FDI.
Quy mô của DN tư nhân cũng ngày càng tăng, đến nay đã có quy mô vốn sản xuất kinh doanh hơn 20 triệu tỷ đồng - gấp đôi so với các DNNN và gấp 3 quy mô vốn của các DN FDI, theo đó, doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của các DN ngoài nhà nước đạt trên 15 triệu tỷ đồng - gấp khoảng 4 lần so với các DNNN và khoảng gấp đôi so với các DN FDI.
Mặc dù phần lớn các DN ngoài nhà nước vẫn là DNNVV, song dù số DN ngoài nhà nước sử dụng trên 5.000 lao động chỉ gần bằng một nửa so với số DN FDI, nhưng vẫn gấp đôi so với số DNNN có quy mô lao động tương ứng. Đặc biệt xuất hiện ngày càng nhiều DN ngoài nhà nước có quy mô vốn lớn trên 500 tỷ đồng với số lượng gấp gần 8 lần so với số DNNN có quy mô vốn tương ứng và ngay cả so với số DN FDI thuộc loại này cũng gấp gần 3 lần.
Với bản lĩnh, quyết tâm và sức sáng tạo, sự bền bỉ và linh hoạt của mình, khu vực kinh tế tư nhân nước ta không những đã giữ vững vai trò động lực tăng trưởng kinh tế mà còn khẳng định vai trò động lực đặc biệt quan trọng để duy trì tăng trưởng ngay trong hoàn cảnh khó khăn. Trong một năm quá khó khăn như năm 2020, nhưng vẫn có 134.940 DN mới thành lập.
Sức sống bền bỉ, dẻo dai của các DN ngoài nhà nước không chỉ tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế mà còn là nguồn động viên khích lệ các khu vực kinh tế khác vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh và đóng góp tích cực vào thành tích tăng trưởng chung của cả nền kinh tế.
Vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân đã được ghi nhận và được tin tưởng. Cả nước đang kỳ vọng vào khu vực này. Điều này thể hiện rõ tại dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030: “Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân của người Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu DN với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60 - 65%”.
Những định hướng lớn phát triển kinh tế tư nhân trong những năm tới là kim chỉ nam để khẳng định, duy trì, củng cố và không ngừng nâng cao vai trò động lực quan trọng của kinh tế tư nhân trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nhưng để khu vực này thực sự là động lực quan trọng thì đồng thời với việc xác lập vị thế, ghi nhận vai trò thì cần những chính sách và cơ chế hợp lý. Cần tháo bỏ mọi rào cản, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, tạo lập một môi trường kinh doanh bình đẳng. Đặc biệt là đưa Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02 của Chính phủ vào cuộc sống và các giải pháp đặt ra trong các nghị quyết này cần được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ.