Phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Xây dựng thứ tự ưu tiên thực hiện các dự án
Cần đặt trong tổng thể chính sách để cân đối
“Đây là một chương trình có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của cả nước, tập trung nguồn lực ưu tiên cho vùng nghèo nhất, vùng khó khăn nhất, hướng tới thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển”, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) đánh giá. Nhất trí với đối tượng thụ hưởng như phương án Chính phủ trình và tập trung vào vùng dân tộc miền núi có tỷ lệ ủng hộ dân tộc thiểu số từ 15% trở lên tại địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn khu vực 1, 2 và 3, tuy nhiên, ông cho rằng tờ trình của chính phủ chưa cho thấy sự đồng bộ, thống nhất trong việc triển khai chính sách. 10 dự án thành phần theo tờ trình của Chính phủ được thiết kế khá độc lập, chưa làm rõ mối tương quan với các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia đã và đang thực hiện.
Tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để thực hiện các mục tiêu đã đặt ra |
Nhìn lại 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và về giảm nghèo bền vững thực hiện trong 5 năm qua đã đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo bền vững, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các huyện, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Trong 5 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ mức 9,2% năm 2016 xuống khoảng 3% năm 2020. Về các xã nông thôn mới đến nay đã có trên 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Có thể nói, đây là những chủ trương đúng đắn, đáp ứng nguyện vọng của người dân, được đồng tình hưởng ứng, mang lại hiệu quả hết sức tích cực.
Với những kết quả đạt được, chắc chắn đông đảo cử tri, đặc biệt là những người nông dân, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khó khăn mong muốn tiếp tục triển khai thực hiện chương trình này trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, rà soát 2 chương trình mục tiêu quốc gia đang thực hiện và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Chính phủ đề xuất cho giai đoạn 2021-2030 có sự trùng lắp về mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung hoạt động và địa bàn thực hiện. 6/10 dự án thành phần có nội dung tương tự đã và đang được thực hiện ở 2 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, chỉ có 4 dự án thành phần có nội dung mới, không trùng lắp.
Vì vậy, để đảm bảo tính khả thi của chương trình, ông đề xuất Chính phủ cần xem xét Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong mối tương quan với các chương trình đã và đang triển khai thực hiện trong giai đoạn tới. Trong đó, rà soát các mục tiêu, phạm vi, nhiệm vụ của 6 dự án thành phần có nội dung trùng lắp. Đồng thời phân định rõ, cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm trong quản lý, phân bổ nguồn lực để bảo đảm không chồng chéo, trùng lắp giữa chương trình mục tiêu quốc gia này với 2 chương trình mục tiêu quốc gia đang thực hiện. Trên cơ sở đó xác định rõ đối tượng, cơ chế phối hợp, tiêu chí phân bổ nguồn lực tập trung hơn, hạn chế, loại bỏ những dự án không phù hợp hoặc có điều chỉnh cần thiết nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và khả thi. Tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để thực hiện các mục tiêu đã đặt ra trong Nghị quyết số 88 của Quốc hội.
Giảm chi phát triển, tập trung nguồn lực đầu tư
Về thứ tự ưu tiên các dự án thành phần, các đại biểu cho rằng, trong điều kiện cân đối nguồn lực ngân sách còn nhiều khó khăn, Chính phủ cần xây dựng thứ tự ưu tiên thực hiện các dự án để đảm bảo thực hiện mục tiêu dự án. Trong đó, giai đoạn đầu nên tập trung vào những dự án nhằm giải quyết được 5 vấn đề cơ bản mang tính chất nền tảng như đầu tư mạnh hơn cho giáo dục, đào tạo để tạo gốc phát triển con người. Thứ hai, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất. Thứ ba, đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn. Thứ tư, sắp xếp ổn định dân cư. Thứ năm, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và tạo sinh kế cho đồng bào.
Về nguồn lực thực hiện chương trình. Theo Tờ trình của Chính phủ, tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2021-2025 tối thiểu là 137.600 tỷ đồng. Nguồn lực thực hiện chương trình chủ yếu là ngân sách trung ương khoảng 105.000 tỷ, chiếm 76,24% mức vốn. Mức vốn này tương đương với mức vốn ngân sách trung ương đã bố trí cho cả 2 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020. Trong khi đó, sự tham gia của các nguồn vốn huy động khác tương đối nhỏ, khoảng 3.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 2,16%. Ông Toàn đề nghị cần bổ sung chính sách thu hút sự tham gia của cộng đồng xã hội, của doanh nghiệp trong chương trình. Đồng thời có sự cam kết của địa phương, đảm bảo bố trí đủ nguồn vốn thực hiện dự án.
Về cơ cấu vốn ngân sách trung ương thực hiện chương trình. Theo dự kiến giai đoạn 2021-2025 vốn đầu tư phát triển là 50.629 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 54.324 tỷ đồng. Như vậy, tỷ trọng vốn sự nghiệp chiếm hơn 50% trong tổng mức đầu tư của dự án. Một số dự án thành phần như dự án phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp gắn với bảo vệ, phát triển rừng và nâng cao thu nhập cho người dân sử dụng toàn bộ vốn sự nghiệp 16.376 tỷ đồng. Dự án về đầu tư phát triển nhóm dân tộc ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn là 7.191 tỷ đồng, trong đó vốn sự nghiệp chiếm trên 70%. Như vậy, tỷ trọng kinh phí hỗ trợ hoạt động chi thường xuyên là khá lớn so với các chương trình đã và đang thực hiện sẽ dẫn đến khó khăn trong việc duy trì hiệu quả của chương trình trong dài hạn.
Mặt khác, định mức một số khoản chi được nâng lên gấp từ 1,5 đến 2 lần định mức hiện hành. Do vậy, đề nghị Chính phủ cần rà soát lại, bố trí theo hướng giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển, giảm các khoản chi trực tiếp để thực hiện tốt chủ trương của nhà nước là nhà nước và nhân dân cùng làm, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong dài hạn.