Phát triển nhà ở xã hội
Thống đốc NHNN: Gói 120.000 tỷ đồng đã bắt đầu được giải ngân Ngân hàng tích cực tiếp cận các dự án nhà ở Làm gì với tình trạng tranh mua nhà ở xã hội? |
Ngay từ đầu năm 2023, nhiều công trình nhà ở xã hội trên cả nước đã khởi công xây dựng. Báo cáo thị trường bất động sản quý II/2023 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, tính đến ngày 18/5/2023, cả nước đã hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 19.516 căn, đạt 4,6% so với mục tiêu đề ra; đang tiếp tục triển khai 294 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn.
Về phía ngành Ngân hàng, ngoài các khoản cho vay mua, sửa chữa nhà ở thông thường, các TCTD đã triển khai gói tín dụng quy mô 120.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn 1,5 - 2%/năm dành cho người mua nhà và chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây lại chung cư cũ. Thị trường kỳ vọng gói tín dụng với lãi suất ưu đãi này của ngân hàng sẽ tạo động lực thúc đẩy nhà ở xã hội phát triển.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ liên quan tới gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, đến nay có 9 UBND tỉnh gửi văn bản công bố danh mục dự án tham gia chương trình tới NHNN với 23 dự án và 1 UBND tỉnh công bố trên Cổng thông tin điện tử (Phú Thọ) với 3 dự án. Tổng nhu cầu vay vốn của 26 dự án này là khoảng 12,8 nghìn tỷ đồng. Ngày 16/6/2023, BIDV đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ 1 dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Phú Thọ với số tiền cấp tín dụng khoảng 95 tỷ đồng và đã giải ngân 20,5 tỷ đồng. Agribank cũng đã cấp tín dụng đối với 1 dự án với số tiền cam kết cấp tín dụng là 950 tỷ đồng, dự kiến giải ngân trong quý III/2023. Đồng thời hiện nay, các NHTM đang chủ động tiếp cận với khoảng 16 dự án thuộc danh mục được công bố.
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng sẽ tạo động lực thúc đẩy nhà ở xã hội phát triển trong thời gian tới |
Đại diện BIDV cũng cho biết, ngay từ khi bắt đầu triển khai chương trình, ngân hàng đã tích cực tiếp cận các dự án đủ điều kiện nhằm cung ứng kịp thời nguồn vốn hợp lý cho người thu nhập thấp, người lao động khó khăn sớm có nhà ở. Ngân hàng sẽ phối hợp giải ngân nguồn vốn tài trợ một cách hiệu quả, góp phần từng bước đáp ứng nhu cầu thiết yếu về nhà ở xã hội cho người dân.
Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thị trường nhà ở xã hội phát triển trong những năm tới. Tuy nhiên thời điểm hiện tại thì gói tín dụng này vẫn chưa phát huy tác dụng mạnh, do phần lớn các dự án thuộc đối tượng được vay vẫn đang trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư.
Trong khi theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nguyên nhân khiến việc giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng chậm một phần cũng bởi Bộ Xây dựng giao cho UBND các tỉnh phê duyệt các danh mục dự án đủ điều kiện để ngân hàng cho vay. Hiện một số địa phương cũng đã phê duyệt danh sách và gửi cho NHNN. Tuy nhiên, qua rà soát nhiều dự án trong danh sách này chưa đạt yêu cầu về pháp lý để có thể giải ngân.
Có thể nói, việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhất là thị trường nhà ở xã hội đang được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của Tổ công tác theo Quyết định số 1435/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật; Phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương doanh nghiệp triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021- 2030"; Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện rà soát, lập và công bố danh mục các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư...
Hoan nghênh NHNN đã chỉ đạo các TCTD hạ lãi suất cho vay thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ người dân doanh nghiệp thông qua việc ban hành nhiều chủ trương chính sách mới như Thông tư 02/2023/TT-NHNN, Thông tư 03/2023/TT-NHNN... Thủ tướng yêu cầu NHNN tiếp tục rà soát việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản; có giải pháp phù hợp, hiệu quả để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn, vừa tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp, vừa kiểm soát được rủi ro, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, hiệu quả. Thủ tướng giao NHNN chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng; Các NHTM tiếp tục chia sẻ với doanh nghiệp, người dân, tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay, đơn giản hoá các thủ tục hành chính cho vay; phát huy cơ sở dữ liệu dân cư trong quản lý, cho vay tín dụng. Doanh nghiệp phải hỗ trợ người mua nhà về thủ tục. Ngân hàng, doanh nghiệp và người mua nhà cần phát huy tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Về phía ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo TCTD ưu tiên cấp tín dụng cho các dự án có hiệu quả, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; hướng tín dụng vào đáp ứng các nhu cầu thiết thực về nhà ở của người dân...