Phát triển nhà ở xã hội: Chỉ mới tiếp cận được những vấn đề lớn
Mở rộng tiếp cận tín dụng nhà ở xã hội Đề xuất tăng ưu đãi thuế với dự án nhà ở xã hội cho thuê Thách thức trong quá trình triển khai 3 luật mới liên quan đến bất động sản |
Tạo sức bật phát triển nhà ở xã hội
Đặc biệt, có nhiều chính sách ưu đãi hơn cho doanh nghiệp phát triển dự án nhà ở xã hội, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các chủ thể liên quan, gồm cả chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người thụ hưởng. Theo ông Hà Quang Hưng - Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), Nghị định 100 dành riêng một chương quy định về trình tự, thủ tục để thực hiện một dự án nhà ở xã hội, bảo đảm thực hiện thống nhất, đồng bộ trong cả nước, tạo sự yên tâm cho các bên liên quan trong triển khai thực hiện.
Bộ Xây dựng đã tổ chức hội nghị quán triệt quy định mới của Nghị định 100 bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp cho tất cả địa phương. Tuy nhiên, quy định của pháp luật có giao nhiệm vụ cho địa phương ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, nhưng đến nay, một số địa phương chưa hoàn thiện. Vì vậy, Bộ đã có công văn đôn đốc địa phương khẩn trương hoàn thiện, làm cơ sở để địa phương, chủ đầu tư, người dân đưa chính sách vào cuộc sống.
Là doanh nghiệp đang triển khai 20 dự án nhà ở xã hội và dự kiến năm 2024 sẽ hoàn thành 5 dự án, Chủ tịch HĐQT Địa ốc Hoàng Quân chia sẻ, việc Quốc hội cho phép triển khai đồng bộ 3 luật gồm Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 sớm 5 tháng và Chính phủ ban hành Nghị định 100 với nhiều điểm mới đã tạo thêm niềm tin, động lực cho các doanh nghiệp. Luật Nhà ở năm 2023 và Nghị định 100 đã tháo gỡ các rào cản về thủ tục pháp lý, cơ chế chính sách đất đai, thủ tục hành chính, nguồn vốn, đối tượng khách hàng... Hành lang pháp lý mới tạo sức bật lớn - đây là điều kiện đủ để thực hiện Chương trình 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.
Luật Nhà ở năm 2023 với nhiều điểm mới, tạo động lực cho các doanh nghiệp |
Cần có chính sách đột phá hơn nữa
Luật sư Trương Anh Tuấn - Phó tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế (Hiệp hội Bất động sản Việt Nam) cho biết, 3 luật mới về bất động sản và Nghị định 100 vừa được ban hành có tác động lớn, tích cực đối với nhà ở xã hội. Nhìn chung, các luật này đã tháo gỡ khá nhiều bất cập trong thực tiễn trước đây. Tuy nhiên, chưa giải quyết được hết các mong muốn, yêu cầu của doanh nghiệp bất động sản. "Để đạt hiệu quả đối với chính sách phát triển nhà ở xã hội, cần nhìn nhận tổng thể, giải quyết vấn đề thấu đáo triệt để và toàn diện hơn. Như vậy mới đạt được kỳ vọng phát triển kinh tế nhưng không để ai bị bỏ lại phía sau", luật sư Trương Anh Tuấn chia sẻ.
Theo Chủ tịch HĐQT Địa ốc Hoàng Quân, hiện nay các tỉnh đã cơ bản hoàn thiện quy hoạch quỹ đất cho nhà ở xã hội. Song, có tình trạng quy hoạch quỹ đất nhà ở xã hội ở vị trí không thuận lợi, quá xa trung tâm khiến doanh nghiệp không dám làm còn người dân không muốn ở. Để cho phép doanh nghiệp sử dụng đất được quy hoạch làm đất ở để làm nhà ở xã hội, cần có cơ chế cho phép doanh nghiệp hạch toán chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng vào giá bán thì mới giúp tăng nguồn cung nhà ở xã hội, Chủ tịch HĐQT Địa ốc Hoàng Quân đề nghị.
Còn theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, mặc dù các Nghị định, Thông tư hướng dẫn đã được ban hành, sau hơn một tháng triển khai, nhưng do chỉ một số văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền của trung ương, còn hầu hết văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền của địa phương chưa được ban hành, ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai các luật khi nhiều nội dung quan trọng đã được phân cấp cho chính quyền địa phương. Nhiều cán bộ chuyên trách chưa nắm luật, chưa được tham gia các chương trình phổ biến, tập huấn về các quy định mới.
Đơn cử, Nghị định 100 đã có quy định, trong thời hạn 7 ngày, văn phòng hoặc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai sẽ phải xác nhận thông tin của người đăng ký không sở hữu nhà và không có tên trong sổ đỏ tại địa phương, nơi có dự án nhà ở xã hội. Và cũng trong thời hạn 7 ngày, UBND cấp xã sẽ xác nhận điều kiện về thu nhập cho chủ đầu tư để đăng ký mua, thuê mua nhà ở xã hội. Nhưng sau hơn một tháng triển khai, nhiều địa phương vẫn gặp vướng mắc trong việc xác nhận thực trạng nhà ở và điều kiện về thu nhập. Do các cơ quan trực tiếp thực thi pháp lý với người dân chưa có căn cứ hướng dẫn thực hiện.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, được ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội phân tích, khi phát triển nhà ở xã hội cho thuê, mức tiền cho thuê không bù đắp được nguồn vốn ban đầu, khó thu hút doanh nghiệp. Vì làm nhà ở xã hội cho thuê tức là đầu tư tiền chẵn để thu về tiền lẻ. Theo ông Cường, muốn phát triển nhà ở xã hội cho thuê, cần có chính sách tài trợ vốn cho doanh nghiệp, cần có đột phá hơn nữa về vấn đề này.