Phát triển nhà ở xã hội, phải đa dạng nguồn cung
Phát triển nhà ở xã hội: Nên phân cấp, phân quyền cho địa phương Đề xuất thí điểm một số chính sách đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội |
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, tính đến cuối quý I năm 2023, cả nước có khoảng 100 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân ở 36 tỉnh, thành phố đã được cấp phép với trên 85.660 căn hộ. Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc công ty TNHH xây dựng thương mại Lê Thành cho biết, thời gian qua nhiều doanh nghiệp khởi công các dự án xây dựng nhà ở xã hội “lấy ngày” sau đó không thi công tiếp nên thực chất thị trường không có thêm nguồn cung căn hộ.
Các doanh nghiệp bất động sản cho rằng, các quy định đầu tư nhà ở xã hội rất phức tạp từ xác định người mua, thuê mua; đến xác định mức lợi nhuận của doanh nghiệp xây dựng. Chẳng hạn, quy định tại khoản 1, điều 21, Nghị định 100/2015/NĐ-CP, giá bán nhà ở xã hội do chủ đầu tư dự án xác định trên cơ sở tính đủ các chi phí để thu hồi vốn đầu tư xây dựng nhà ở, lãi vay (nếu có). Lợi nhuận định mức của toàn bộ dự án không vượt quá 10% tổng chi phí đầu tư, không tính các khoản ưu đãi của nhà nước quy định tại điều 58 của Luật Nhà ở vào giá bán nhà ở xã hội.
Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Địa ốc Hoàng Quân cho rằng, cần “nới” định mức lợi nhuận cho doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội lên 15%, không nên quá lo lắng doanh nghiệp hưởng lợi cao, do tính cạnh tranh trên thị trường sẽ bù trừ cho nhau. Thực tế ở các địa phương có mật độ đô thị hóa cao như Hà Nội và TP.HCM, doanh nghiệp còn gặp khó khăn về quỹ đất dành cho xây dựng phát triển nhà ở xã hội.
Một chuyên gia kinh tế ở TP.HCM cho rằng, hoạt động thu hút đầu tư nói chung không thể chỉ một đám đất trống mời gọi nhà đầu tư. Trong lĩnh vực nhà ở xã hội, cần phải có kết nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, doanh nghiệp xây dựng dự án… mới kết nối thành một vùng đô thị cho người mua, thuê mua làm việc, sinh sống. Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank cho rằng, để xây dựng 1 triệu căn nhà ở phù hợp với giá mua của người thu nhập thấp, nhà nước cần tạo lập chính sách cho toàn thể xã hội tham gia tạo lập nguồn cung. Bởi khó có một doanh nghiệp nào có thể xây dựng khối lượng căn hộ xã hội lớn để đáp ứng cho thị trường mua và cho thuê.
DN kiến nghị “nới” định mức lợi nhuận đầu tư nhà ở xã hội lên 15% |
Kinh nghiệm ở TP.HCM từ nhiều năm nay là thành phố dành một nguồn ngân sách địa phương cho vay tạo lập nhà ở. Theo đó, Quỹ phát triển Nhà TP.HCM (HOF) là đơn vị triển khai cho vay mức cho vay tối đa là 900 triệu đồng/1 hồ sơ và không quá 70% giá trị căn nhà/căn hộ, thời gian cho vay tối đa 20 năm, lãi suất cho vay 4,7%/năm tính theo dư nợ giảm dần.
Điều kiện người được vay vốn mua nhà ở theo chương trình này được áp dụng một lần cho công chức, viên chức làm việc hưởng lương ngân sách TP.HCM. Người vay vốn có thời gian công tác liên tục từ 3 năm trở lên, tại thời điểm vay tiền người vay (kể cả vợ hoặc chồng) không đứng tên sở hữu nhà ở, đất ở và phải có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM, có nguồn thu nhập ổn định kể cả vợ và chồng để trả nợ vay. Đặc biệt, loại nhà ở HOF rất mở, người vay vốn có thể mua nhà phố, căn hộ, miễn là căn nhà mua có giấy phép của các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước cấp giấy chứng nhận, như sổ hồng, sổ đỏ, hợp đồng xanh (đối với chung cư).
Theo số liệu thống kê Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, tính đến đầu năm 2023, sau 17 năm, HOF đã hỗ trợ khoảng 5.500 cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, cán bộ công đoàn vay vốn ưu đãi để mua nhà ở. Ban đầu khoản vay tối đa 300 triệu đồng/1 hồ sơ, đến nay nâng lên 900 triệu đồng/1 hồ sơ, thời hạn cho vay từ mức 15 năm nay nâng lên 20 năm, lãi suất điều chỉnh theo từng thời kỳ có căn cứ vào lãi suất cho vay nhà ở xã hội Chính phủ công bố hàng năm làm tham chiếu.