Phát triển nhân lực nông nghiệp trong CMCN 4.0
Thực tế cho thấy, khi chưa có một thế hệ nông dân có tri thức cao thì sẽ không thể có những trang trại quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Và cũng bởi vậy, hướng đến mục tiêu năm 2030, Việt Nam trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp phát triển nhất thế giới theo định hướng của Chính phủ thì ngay từ bây giờ, các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân phải cùng tham gia thúc đẩy, phát triển giải pháp công nghệ, nâng cao hiệu suất lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, và quan trọng nhất là tạo dựng một đội ngũ nhân lực nông nghiệp chất lượng cao.
Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp mong được hỗ trợ nhiều hơn |
Hiện có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm, ứng dụng, dịch vụ thương hiệu Việt thế hệ mới. Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp có nhiều sản phẩm, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp quản lý môi trường, vận hành và giám sát quá trình nuôi trồng, giúp không chỉ nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm nông nghiệp mà còn góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, hướng tới tăng trưởng xanh.
Các doanh nghiệp công nghệ thông tin đã nhanh chóng nắm bắt được nhu cầu của các hộ nông dân, của các doanh nghiệp nông nghiệp để từ đó có những giải pháp phù hợp cho việc ứng dụng nông nghiệp thông minh tại Việt Nam. Các hộ nông dân, các doanh nghiệp nông nghiệp cũng nỗ lực tìm hiểu các sản phẩm, công nghệ mới, công nghệ 4.0 để có thể ứng dụng hiệu quả vào phát triển nông nghiệp thông minh, phù hợp với người Việt Nam, với điều kiện tại Việt Nam, khiến sản phẩm của doanh nghiệp Việt có giá thành cạnh tranh hơn, rẻ hơn.
Cụ thể, Công ty Đầu tư Sản xuất Phát triển Nông nghiệp VinEco, nhờ ứng dụng công nghệ và tự động hóa vào sản xuất một cách hiệu quả, chẳng những người tiêu dùng hiểu rõ hơn về sản phẩm, giúp cải thiện niềm tin, VinEco cũng đang phát triển các phần mềm như truy xuất nguồn gốc, hệ thống quản lý trồng trọt cho hộ sản xuất…
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả lại là đào tạo ra nguồn nhân lực có đủ kiến thức, kinh nghiệm về nông nghiệp. Anh Nguyễn Minh Tài cùng với nhiều tân cử nhân của Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên có may mắn được cử đi Israel thực tập, theo Chương trình hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam với Bộ Nông nghiệp Israel trong việc đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ nông - lâm Việt Nam.
Anh Tài chia sẻ, 1 năm ở đây, anh được học nhiều về kỹ thuật chăm sóc các loại rau, củ, quả như ớt, cà tím, hành tây và giống dưa Kim Hoàng hậu. Nông dân Israel rất chăm chỉ, làm việc rất khoa học, chịu đầu tư. Mô hình sản xuất chuyên nghiệp, với trang thiết bị hiện đại, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến. Khi trồng, nuôi cây - con gì, họ đều tìm hiểu kỹ khả năng tiêu thụ sản phẩm, quy trình kỹ thuật chăm sóc, đặc biệt chú trọng nhất khâu phòng bệnh cho cây, con giống.
Khi trở về quê hương, anh đã đưa giống dưa Kim Hoàng hậu trồng ở xóm Vinh Quang 2, xã Vinh Sơn, Thái Nguyên thử nghiệm với kỹ thuật học hỏi được. Những thành công bước đầu đã khích lệ anh mở rộng quy mô, đầu tư chiều sâu nhưng điều anh còn băn khoăn là vốn để tái sản xuất còn khó khăn cũng như thị trường chưa thực sự ổn định. Đây cũng là băn khoăn của rất nhiều người mong muốn khởi nghiệp nhưng vốn mỏng.
Câu chuyện của anh Tài cũng là trăn trở của rất nhiều doanh nhân trẻ trong cả nước, trong đó, nổi lên là Hà Nội – một trung tâm khởi nghiệp quốc gia. Để góp phần tháo gỡ khó khăn này, UBND thành phố Hà Nội vừa phê duyệt và ban hành Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019 - 2025 tại Quyết định số 4889/QĐ - UBND, với nhiều cơ chế chính sách mang tính đột phá nhằm hỗ trợ, phát triển hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thủ đô nhanh và bền vững.
Ông Lê Văn Quân - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội cho biết, đề án sẽ hỗ trợ hình thành 3 đến 5 vườn ươm doanh nghiệp hoặc không gian khởi nghiệp chung để phục vụ hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Hà Nội. Phấn đấu đến năm 2025, hỗ trợ phát triển 500 dự án khởi nghiệp sáng tạo; 150 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thương mại hóa được sản phẩm, trong đó ít nhất 20% doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập với tổng giá trị ước tính khoảng 500 tỷ đồng...