Phát triển nhân lực số ngành Ngân hàng
Phát triển nguồn nhân lực số giúp thu hẹp khoảng cách số Nâng "chất" cho nguồn nhân lực số ngành Ngân hàng |
Đến nay đã có hơn 95% ngân hàng Việt Nam có chiến lược chuyển đổi số. Một số ngân hàng trong nước có 90% giao dịch được thực hiện trên nền tảng số, vượt mục tiêu 70% đặt ra cho năm 2025. Hệ sinh thái dịch vụ và thanh toán số đã được hình thành...
Tuy nhiên, một trong những thách thức đối với tiến trình chuyển đổi số của ngành Ngân hàng hiện tại có liên quan đến nguồn nhân lực bị thiếu hụt. Nhận thức được tầm quan trọng của nguồn nhân lực, thời gian qua NHNN đã có nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến vấn đề này. Cụ thể, đến cuối năm 2020, NHNN đã hoàn thành xây dựng, ban hành khung năng lực, khung chương trình cho toàn bộ 4 lĩnh vực chuyên môn chính của NHNN và khung Đề án về việc chuẩn bị nguồn lực, cử và tiến cử đại diện tham gia học tập, công tác, nghiên cứu, biệt phái, trao đổi cán bộ tại các thể chế tài chính ngân hàng quốc tế. Ngoài ra, NHNN cũng ban hành khung năng lực, khung chương trình đào tạo lãnh đạo, quản lý NHNN; Kế hoạch đào tạo bồi dưỡng chuyên gia giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030; tổ chức nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng liên quan ứng dụng công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đối với ngành Ngân hàng.
Thống đốc NHNN cũng đã ban hành nhiều Quyết định, Kế hoạch hành động với mục tiêu cụ thể về phát triển nguồn nhân lực, gần đây nhất là Quyết định số 810/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Cùng với đó các TCTD cũng có những giải pháp, kế hoạch cụ thể để nâng cao năng lực số cho người lao động. Theo nhóm nghiên cứu, đào tạo nội bộ cho nhân viên vẫn đang là một trong những nội dung được quan tâm hàng đầu (59,4%). Khi tuyển dụng nhân viên mới, các ngân hàng hiện cũng đã yêu cầu người lao động có những kỹ năng năng lực số nhất định (37,7%). Song song với đào tạo tại chỗ thì 37,7% số người được hỏi cho biết các ngân hàng hiện nay cũng đã có kế hoạch cử lao động tham gia đào tạo bên ngoài.
Chính vì vậy, số lượng nhân lực qua đào tạo, có trình độ công nghệ thông tin của ngành Ngân hàng tăng dần qua các năm. Nhân lực kỹ thuật số cũng có sự gia tăng ở các vị trí làm việc: tín dụng, thẩm định, kế toán, giao dịch… Chất lượng ngày càng được cải thiện. Nhân lực ở các NHTM đã có được kỹ năng nền tảng để sử dụng công nghệ số và internet...
Theo kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu đối với các vị trí chuyên môn và công việc khác nhau tại ngân hàng bao gồm cả hội sở, chi nhánh và phòng giao dịch, có 96,2% người được hỏi đã áp dụng năng lực số vào công việc hiện tại ngân hàng. Tỷ lệ này một lần nữa phản ánh mức độ chuyển đổi số và các yêu cầu về năng lực số trong ngành Ngân hàng đã và đang có sự gia tăng nhanh chóng so với nhiều lĩnh vực nghề nghiệp khác trong nền kinh tế. Tuy nhiên, khảo sát cũng cho thấy chỉ có 19,4% người thực hiện khảo sát thường xuyên sử dụng năng lực số trong công việc; 60,4% đã sử dụng năng lực số trong công việc nhưng không thường xuyên; 16,4% rất ít sử dụng; và 3% không bao giờ sử dụng năng lực số trong công việc. Như vậy, tuy đã có những chuyển biến tích cực trong việc nâng cao năng lực số nhân lực ngành Ngân hàng cả về chất lượng và số lượng, nhưng việc phát triển năng lực số cho lao động trong toàn Ngành vẫn còn một số hạn chế.
Nguyên nhân được nhóm nghiên cứu chỉ ra đó là do hành lang pháp lý cho chuyển đổi số hoạt động của hệ thống ngân hàng chưa hoàn thiện. Điều này dẫn đến những vướng mắc trong quản trị, vận hành, cung cấp sản phẩm và hoạt động của các NHTM, cản trở hoạt động phát triển năng lực số của người lao động đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong ngân hàng. Bên cạnh đó, chuyển đổi số đòi hỏi chi phí đầu tư rất lớn cho hệ thống và phần cứng nên ảnh hưởng tới ngân sách đầu tư cho con người (bao gồm cả các chính sách thu hút nhân tài, đãi ngộ và đào tạo).
Vì vậy, theo nhóm nghiên cứu, để nâng cao năng lực số của nhân lực ngành Ngân hàng, về phía NHNN cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho chuyển đổi số của hoạt động ngân hàng. Từ đó tạo động lực cũng như cả áp lực cho phát triển năng lực số của người lao động. Các NHTM cũng cần quan tâm đầu tư cho trang thiết bị và tạo môi trường làm việc thuận lợi để phát triển các kỹ năng số cho cán bộ, nhân viên. Các tổ chức thuộc lĩnh vực tài chính - ngân hàng cần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số một cách toàn diện, tạo điều kiện cho nhân viên có cơ hội cọ xát với các sản phẩm số, các ứng dụng số hay môi trường làm việc số. Trên cơ sở đó tạo cho họ động lực cần thiết phải thay đổi, trau dồi kiến thức, kỹ năng số để đảm bảo bản thân họ có thể tiếp tục tham gia vào hoạt động của tổ chức mình...