Phát triển nông nghiệp thông minh đang là xu thế
Mô hình nông nghiệp thông minh được nhiều người lựa chọn sản xuất |
Nông nghiệp thông minh được hiểu là nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (cơ giới hóa, tự động hóa,... ); công nghệ sản xuất, bảo vệ sản phẩm an toàn (hữu cơ, theo GAP…); công nghệ quản lý, nhận diện sản phẩm theo chuỗi... gắn với hệ thống trí tuệ nhân tạo (công nghệ thông tin)..
Theo các chuyên gia nông nghiệp, tham gia vào sản xuất nông nghiệp thông minh sẽ giúp ngành nông nghiệp Việt Nam tăng khả năng kết nối giữa người sản xuất với thông tin, quản lý sản xuất tốt hơn, giảm bớt sự phức tạp của các thủ tục hành chính nhiều cấp để sử dụng trực tiếp các dịch vụ công của Nhà nước cho nông nghiệp. Điều này cho thấy những lợi ích, giá trị mà nông nghiệp thông minh mang lại cho sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Song để phát triển nông nghiệp thông minh, Việt Nam cần có cách tiếp cận thông minh, phù hợp dựa trên nhiều yếu tố khác nhau để đảm bảo phương thức sản xuất được tối ưu nhất và hài hòa nhất và hiệu quả cả về kinh tế, xã hội và môi trường.
Thông tin tại hội thảo “Khởi nghiệp đầu tư làm nông nghiệp thông minh, triển vọng và thách thức” ngày 19/7, ông Nguyễn Văn Tiến - nguyên Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, chủ trương phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao đã được thể hiện trong các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết 19, Nghị quyết 20 vừa được Ban chấp hành Trung ương Đảng thông qua.
Phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao là xu thế phát triển hiện nay trên thế giới và đã đạt được khá nhiều thành tựu.
Ông Nguyễn Tiến Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn và Đầu tư khởi nghiệp quốc gia (NSCI) cho hay, trước đây nhắc đến các hoạt động nông nghiệp thì thường là điệp khúc “được mùa mất giá” hoặc ngược lại, nhưng thời điểm hiện tại, nhờ áp dụng những yếu tố công nghệ mà những mô hình khởi nghiệp từ nông nghiệp đã có những bước chuyển mình rõ rệt.
Ông Trung cho biết, rất nhiều mô hình đã chứng minh xu thế khởi nghiệp nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp thông minh là sự lựa chọn đúng đắn.
Tham gia chương trình hỗ trợ khởi nghiệp cùng các bạn trẻ từ rất sớm, ông Trung chứng kiến sự chuyển mình và thay đổi rõ rệt. Nhiều mô hình đã chứng minh xu thế khởi nghiệp nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp thông minh, là sự lựa chọn đúng đắn.
Như mô hình khởi nghiệp từ cỏ cây hoa lá của hai bạn trẻ thuộc thế hệ 9X. Họ biết áp dụng những kiến thức khi theo học chuyên ngành hóa học, cộng với sự nhạy bén, ham tìm tòi nên đã tạo ra được những sản phẩm chăm sóc sắc đẹp từ thiên nhiên, như dầu gội đầu, sữa tắm, sữa rửa mặt...
Điều đặc biệt, các sản phẩm này đều là sản phẩm hữu cơ, có nguồn gốc từ những nguyên liệu quen thuộc, dễ kiếm như củ gừng, củ sả, lá chanh,... Hiện, doanh thu của 2 bạn trẻ này lên tới cả trăm tỷ đồng mỗi năm, ông Trung cho biết.
“ Bên cạnh đó họ đã áp dụng những yếu tố công nghệ vào thì các dự án đều gia tăng giá trị, đồng thời tạo nên những doanh nghiệp có thể định giá hàng trăm tỷ, góp phần thay đổi tư duy sản xuất cũng như nâng cao thu nhập cho nông dân" - ông Trung nhấn mạnh.
Ông Trần Văn Tân, Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ tỉnh Thanh Hóa kể về câu chuyện của mình, đó là việc bắt đầu khởi nghiệp với nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.
“Đến thời điểm này, chúng tôi đã chọn và tìm ra được con đường đúng đắn, đó là xây dựng vùng nguyên liệu trồng rau má Thanh Hóa”, ông nói. Theo ông, từ cây rau má mọc dại ở nhiều nơi nay doanh nghiệp đã xây dựng thành công vùng nguyên liệu, có nhà máy chế biến. Vùng nguyên liệu trồng rau má, tía tô, diếp cá,... của công ty giờ rộng trên 200ha.
Riêng giá rau má tươi được đơn vị của ông thu mua ở mức 15.000-20.000 đồng/kg. Người dân trồng rau má có thu nhập bình quân 12-15 triệu đồng/tháng, hộ cao nhất lên tới 40-60 triệu đồng/tháng.
“Sản phẩm chế biến từ rau má được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Qatar, Úc,... Tháng 9 này, một đối tác ở Nhật Bản đã mời chúng tôi sang để hợp tác nhập khẩu bột rau má”, ông Tân cho hay.
Câu chuyện của ông Nguyễn Đức Chinh - Chủ trang trại Gen Xanh, xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) cũng áp dụng công nghệ thành công vào nông nghiệp. Hiện nay trang trại của ông Chinh đang xuất bán 4-5 tấn rau hữu cơ các loại cho khách hàng Hà Nội, dự kiến thu nhập bình quân đạt gần 1 tỷ đồng/ha/năm. Ông Chinh kể: "Tôi tập trung vào 3 cốt lõi, đó là sản phẩm rau hữu cơ, rau bản địa, áp dụng khoa học công nghệ và đây chính là cốt lõi để giảm giá thành sản phẩm, ví dụ như ứng dụng vi sinh vật để phân huỷ chất hữu cơ làm phân bón cho cây trồng, hay ứng dụng khoa học công nghệ để quản lý sâu bệnh hại".
Sau 4-5 năm vận hành, đến nay trang trại đã hoạt động ổn định, rất nhiều bạn trẻ tìm đến HTX để học hỏi. Ông Chinh cho rằng, làm nông nghiệp hữu cơ khó khăn thách thức rất nhiều, nhưng tóm gọn lại muốn làm là phải say mê và ông mong muốn tìm được những người cùng chí hướng để hợp tác, liên kết sản xuất…
Ông Nguyễn Văn Tiến, nguyên Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, hiện có nhiều chính sách cởi mở trong nông nghiệp, như Luật Đất đai khuyến khích nông dân tích tụ đất đai tiến tới sản xuất lớn.
Theo ông Tiến, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh là lĩnh vực mới ở Việt Nam và chưa phát triển như kỳ vọng nên trong quá trình sản xuất của bà con sản xuất rất gian nan. Nhưng hiện nay chúng ta có nhiều chính sách cởi mở trong nông nghiệp như Luật Đất đai khuyến khích nông dân tích tụ đất đai để sản xuất lớn.
Bên cạnh đó, chúng ta phải phát triển nông nghiệp đa giá trị kết hợp với các yếu tổ lịch sử, hay du lịch sinh thái để nâng cao giá trị cho sản phẩm.
Ông Tiến cho rằng, thời gian tới chúng ta cần có đội ngũ tư vấn để tổ chức sản xuất để thuyết phục các cơ quan nhà nước vào cuộc hỗ trợ. Bên cạnh đó, tổ chức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh là xu thế chúng ta không thể đứng ngoài. Vì nếu đứng ngoài thì chúng ta sẽ không cạnh tranh được với các sản phẩm trên thị trường. Khi sản xuất sản phẩm, chúng ta phải xác định phải có truy xuất nguồn gốc và đáp ứng nhiều tiêu chuẩn, đáp ứng nhiều yêu cầu cao hơn để xuất khẩu nhiều hơn.