Phát triển nông nghiệp thuận thiên không có nghĩa là không làm gì
ĐBSCL của Việt Nam có thể nằm dưới mực nước biển vào cuối thế kỷ nếu không có các hành động trên toàn lưu vực sông. |
Vừa bảo vệ thiên nhiên vừa phát triển kinh tế
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng góp hơn 90% tổng lượng lúa gạo xuất khẩu của cả nước, chịu trách nhiệm cho 90% xuất khẩu lúa của Việt Nam, góp phần quan trọng vào đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
Tuy nhiên, ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức như phát triển không bền vững, chịu tác động từ thuỷ điện đầu nguồn sông Mê Kông và biến đổi khí hậu. Trong nửa thập kỷ vừa qua, gần 98% môi trường tự nhiên của vùng đồng bằng đã bị chuyển đổi, trở thành các vùng canh tác nông nghiệp, thủy sản và đất ở, chỉ còn khoảng 2% diện tích là các hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên.
Các nhà khoa học cảnh báo, ĐBSCL của Việt Nam có thể nằm dưới mực nước biển vào cuối thế kỷ nếu không có các hành động trên toàn lưu vực sông. Tiếp tục phát triển không bền vững có thể khiến 90% diện tích của vùng trọng điểm kinh tế nông nghiệp này của Việt Nam bị nhấn chìm, kèm theo các tác động to lớn ở cấp độ quốc gia và toàn cầu.
Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, thuận thiên không phải là không làm gì cả, mà là quá trình thích nghi, hài hòa giữa con người với tự nhiên một cách có kiểm soát thuận theo các quy luật của tự nhiên để đem lại lợi ích cho con người và bảo vệ hệ sinh thái.
Ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh tầm quan trọng của các giải pháp thuận thiên trong việc cải thiện sinh kế của nông dân và khả năng phục hồi của nông nghiệp, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua quá trình hấp thụ carbon của đất, đất ngập nước và rừng. Đồng thời, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, duy trì tương lai của các hệ thống lương thực, các nhà sản xuất nông nghiệp cần sẵn sàng chuyển đổi sang các phương thức sản xuất nhằm tái tạo và phục hồi thiên nhiên đồng thời nâng cao hệ thống lương thực hiệu quả và bền vững.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan kêu gọi các đối tác quốc tế hỗ trợ Chính phủ Việt Nam cung cấp thông tin, tri thức, kinh nghiệm, các công cụ đánh giá, cho chuyển đổi nông nghiệp thuận thiên.
Đồng thời, phối hợp cùng Chính phủ rà soát các hạng mục ưu tiên đầu tư tại ĐBSCL, hỗ trợ thu thập, đánh giá, lựa chọn các mô hình/giải pháp thuận thiên và thực hiện thí điểm các mô hình thuận thiên và dự án thuận thiên trong nông nghiệp, chú trọng tới các giải pháp kết hợp hài hòa đồng bộ giữa công trình và phi công trình - thích nghi theo điều kiện tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, giải pháp an sinh xã hội, quản lý bền vững nguồn lực tự nhiên gắn với chuyển đổi số và cải cách thể chế chính sách.
Cam kết phát huy hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ
Phát biểu tham luận tại hội nghị, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh Cà Mau đã có các mô hình phát triển thuận thiên như trồng lúa trên đất nuôi tôm, mô hình nuôi tôm dưới tán rừng, nuôi tôm kết hợp với sò huyết và các loại khác.
Theo ông Lê Văn Sử, để sản xuất thuận thiên thành công, cần có hệ thống chính sách khuyến khích đầu tư, ứng dụng sâu rộng khoa học công nghệ, cũng như cần có sự liên kết vùng trong chia sẻ nguồn nước và ứng phó biến đổi khí hậu.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty CP tập đoàn thủy sản Minh Phú thông tin, mô hình tôm - lúa là hình thức canh tác nông nghiệp độc đáo, thuận thiên gắn liền với vùng ĐBSCL và khí hậu nhiệt đới gió mùa của vùng này.
Đặc trưng của mô hình là sự luân phiên giữa hai mùa mưa nước ngọt (hệ sinh thái ngọt thị các mầm bệnh của hệ sinh thái mặn bị tiêu diệt hết nên nuôi tôm không bị bệnh nên không phải dùng thuốc và thức ăn tôm mà hoàn toàn tự nhiên) và mùa khô nước mặn (hệ sinh thái mặn nên các bệnh của cây lúa bị tiêu diệt hết nên trồng lúa không cần phải thuốc trừ sâu và phân bón) tạo ra điều kiện sinh thái phù hợp cho cả lúa và tôm sinh trưởng.
Theo ông Quang, chu trình luân chuyển qua hai mùa nước, hai môi trường sống đối lập này tạo nên sự cân bằng, tính bền vững cho mô hình tôm - lúa. Do đó, mô hình tôm - lúa nếu như triển khai như hiện tại thì hầu như không cần vốn vì người nông dân chỉ dùng tiền mua lúa giống và tôm giống nên số tiền rất nhỏ thì đã đạt doanh thu từ 250-500 triệu đồng/ha/năm. Để đạt được 1- 2,5 tỉ đồng/ha/năm thì cần phải liên kết hợp tác lại thành thửa ruộng lớn, cánh đồng tôm - lúa lớn.
Đại diện của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) - Cơ quan đồng hành và tài trợ Hội nghị, Tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF-Viet Nam chia sẻ, ĐBSCL có thể tránh được nguy cơ bị thu hẹp và chìm dần vào cuối thế kỷ này nếu chu trình sinh thái của đồng bằng và sự kết nối từ sông tới các vùng đồng bằng ngập lũ được duy trì.
Mùa lũ là một quy trình tự nhiên quan trọng để xây dựng và bồi đắp đồng bằng thông qua việc lắng đọng trầm tích. Phục hồi mùa lũ là việc quan trọng với tương lai của đồng bằng. Nước lũ mang trầm tích và bồi đắp cho đồng bằng, làm tăng độ phì nhiêu, độ cao của đất, tăng khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cũng như hỗ trợ tái sinh rừng ngập mặn.
WWF và đối tác đã và đang triển khai thí điểm một số giải pháp thuận thiên tại khu vực ĐBSCL như mô hình lúa - cá, lúa - tôm, lúa - sen, tôm - rừng ngập mặn, tôm - lúa luân canh… cho kết quả cụ thể về mặt kinh tế, mà vẫn bảo tồn được đa dạng sinh học và môi trường sinh thái.
Từ kết quả bước đầu đã đạt được, WWF sẵn sàng chia sẻ với các đối tác về mô hình này, để mở rộng quy mô nhằm bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ sinh thái rừng, góp phần phát biển nông nghiệp bền vững, đảm bảo sức khỏe cho con người và thiên nhiên.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ cam kết sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất các nguồn lực hỗ trợ của các đối tác quốc tế, tham mưu, đề xuất với Chính phủ các giải pháp tăng cường chính sách về thu hút viện trợ phát triển chính thức (ODA), đầu tư nước ngoài và các quy định về tiếp nhận, sử dụng nguồn vốn không hoàn lại hài hóa thủ tục giữa bên tiếp nhận và bên hỗ trợ.