Phát triển thị trường dược liệu
Theo ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Tây Nguyên và Nam Trung bộ là vùng có tiềm năng to lớn về phát triển dược liệu. Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu của Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã xác định Tây Nguyên và Nam Trung bộ là 2 vùng phát triển dược liệu trọng điểm. Theo kết quả thống kê gần đây, ở Tây Nguyên có tới 1.657 loài cây thuốc và trên 1.000 loài được ghi nhận ở vùng Nam Trung bộ. Đây thực sự là kho tàng vô giá và tiềm năng lớn để khai thác và phát triển phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe và phát triển kinh tế - xã hội.
Ảnh minh họa |
Trên thực tế, trong những năm gần đây, các địa phương trong vùng đã có nhiều quan tâm, chú trọng đến công tác phát triển thị trường dược liệu. Việc quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu, đánh giá tiềm năng, lợi thế được đẩy mạnh thực hiện ở từng địa phương.
Nhiều sản phẩm dược liệu mới phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Trong đó, một số địa phương trong vùng đã xác định được một số dược liệu có thế mạnh của vùng như: sâm Ngọc Linh, đảng sâm, Ngũ vị tử Ngọc Linh, nghệ… để đầu tư trong chọn tạo, sản xuất giống và bước đầu hình thành vùng trồng dược liệu tập trung, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đặc biệt, việc áp dụng khoa học công nghệ vào việc xây dựng, phát triển nguồn dược liệu được chú trọng.
Trong đó, có thể kể đến mô hình nghiên cứu xây dựng quy trình trồng sa nhân tím, đảng sâm, nấm linh chi, đông trùng hạ thảo... ở Kon Tum. Tại Đắk Lắk đã trồng thử nghiệm cây Sachi, hà thủ ô đỏ, sâm cau. Tại Quảng Nam, cũng có các công trình nghiên cứu, lưu giữ, bảo tồn và phát triển nguồn gen quế Trà Bồng, ba kích, đảng sâm. Hay việc xây dựng chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn ở Quảng Ngãi.
Tuy nhiên, trên thực tế ngành dược liệu của vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, giá trị tạo ra chưa nhiều. Nhiều loại dược liệu quý chưa được quy hoạch, phát triển chuỗi giá trị dẫn đến hiệu quả thấp, có nguy cơ cạn kiệt. Bên cạnh, chưa có chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển ngành dược liệu, chưa có sự liên kết chặt chẽ trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, công tác xây dựng, quảng bá thương hiệu dược liệu của các tỉnh, thành trong vùng còn hạn chế…
Bởi vậy, PGS-TS. Lê Việt Dũng - Phó Viện trưởng Viện Dược liệu (Bộ Y tế) cho rằng, cần xây dựng cơ chế đặc thù đối với công tác phát triển dược liệu ở địa phương để phục hồi, phát triển các vùng trồng dược liệu truyền thống; Bên cạnh, cần có chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp triển khai nuôi trồng, khai thác và phát triển dược liệu; Tập trung ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất theo hướng hàng hóa hiện đại và phù hợp với cách mạng 4.0 trong phát triển dược liệu. Để phát triển dược liệu của vùng thực sự bền vững, vai trò của các doanh nghiệp sẽ là nhân tố đặc biệt quan trọng, có tính chất quyết định trong việc dẫn dắt người dân tham gia và cũng là đầu mối trực tiếp triển khai đầu tư sản xuất kinh doanh, nhất là khâu chế biến tiêu thụ sản phẩm trên thị trường.