Phát triển xanh bao trùm: Hướng đi phù hợp cho phát triển bền vững
Thu hút nguồn lực hỗ trợ mục tiêu phát triển xanh và bền vững Triển lãm về công nghiệp thép Việt Nam hướng tới phát triển xanh |
Tính bao trùm vừa yếu, vừa thừa
GS-TS. Ngô Thắng Lợi, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ ra các yếu tố của mô hình phát triển dàn đều đã được duy trì thời gian dài trước đổi mới là một tồn tại. Theo đó, các chính sách của Nhà nước luôn cố gắng hướng tới trải rộng sự phát triển kinh tế đồng đều trên mọi vùng, miền của đất nước. Thậm chí, Việt Nam có các vùng kinh tế trọng điểm, nhưng phạm vi không gian của vùng kinh tế trọng điểm lại ngày càng được mở rộng. Việc đánh giá thành quả phát triển vùng trọng điểm nhiều lúc lại dựa vào sự gia tăng diện tích, dân số mà không dựa vào việc gia tăng mật độ kinh tế. Điều này được nhìn nhận là “không sáng sủa” khi các vùng không có khả năng phát triển không cải thiện được thành quả kinh tế sau những chính sách đầu tư khá tốn kém của Chính phủ; trong khi các vùng động lực tăng trưởng lại không có đủ lực cần thiết để tạo ra sự bứt phá về kinh tế với tư cách là “đầu tàu” tạo gia tốc phát triển chung cho toàn bộ nền kinh tế thực hiện sự tăng trưởng nhanh và hiệu quả, bền vững.
Phát triển xanh bao trùm là mô hình phù hợp nhất để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước |
Mô hình phát triển mang nặng tính chất tăng trưởng vì người nghèo, dẫn tới Nhà nước ít đặt mục tiêu hướng người nghèo tham gia trực tiếp vào việc tạo nên thành quả tăng trưởng mà chủ yếu là họ được hưởng thành quả tăng trưởng thông qua chính sách phân phối lại thu nhập từ các chính sách xóa đói giảm nghèo. Chính vì thế mà người nghèo thường có tư tưởng “ngồi chờ” và hưởng thụ thành quả tăng trưởng do người khác, vùng khác tạo ra.
Trong khi đó, GS-TS. Giang Thanh Long, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ ra "nhóm ở giữa mất tích” trong hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam là những người ở nhóm giữa, làm trong các khu vực kinh tế phi chính thức, không phải người nghèo, cũng không thuộc nhóm người nghèo được hưởng các chính sách an sinh xã hội. Vì không tham gia bảo hiểm xã hội, nên khi về hưu, họ cũng không có các chính sách an sinh xã hội, trừ những người được hưởng trợ cấp người cao tuổi hay trợ giúp xã hội, con số này lên tới 8 triệu người.
Tăng trưởng cũng còn thiếu bao trùm ở góc độ không gian. Như Trung du và miền núi phía Bắc là vùng chậm phát triển nhất của cả nước, có tốc độ tăng trưởng thấp nhất, thu nhập bình quân thấp nhất, trình độ phát triển con người thấp nhất, nhưng lại là vùng có tình trạng phân hóa thu nhập cao nhất và ngược lại là vùng Đông Nam Bộ có phân hóa trong phân phối thu nhập thấp nhất.
Nhìn ở góc độ doanh nghiệp, vẫn còn tồn tại tình trạng phân biệt và bất bình đẳng về môi trường kinh doanh giữa các loại hình doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau và các quy mô lớn, nhỏ khác nhau...
Để không ai bị bỏ lại ở phía sau
Để bảo đảm thực hiện gắn kết tốt nhất quá trình tăng trưởng nhanh với phát triển văn hóa, thực hiện sự tiến bộ và công bằng xã hội không ai bị bỏ lại ở phía sau, GS-TS. Ngô Thắng Lợi khuyến nghị mô hình kinh tế bao trùm phải lấy “xã hội” là đối tượng để hướng tới mục tiêu phát triển chứ không phải là từng con người cụ thể riêng lẻ. Phát triển tổng thể được hiểu là sự tăng trưởng kinh tế với cơ hội kinh tế bình đẳng cho mọi người trong xã hội ở mọi cấp độ, không chỉ cho người nghèo đến mức tối đa có thể. Tính bao trùm cần được thể hiện trên chiều cạnh về lãnh thổ, trong đó mỗi tỉnh, mỗi cấp chính quyền/đô thị, là một trung tâm tăng trưởng cần phải tận dụng về tất cả các tiềm năng của các vùng tương ứng, cho dù nguồn tài nguyên thiên nhiên của họ, con người hoặc vị trí địa lý rất đa dạng. Bên cạnh đó, tính bao trùm cũng cần thể hiện trên chiều cạnh về sở hữu với việc hướng tới một mục tiêu liên kết gồm 3 mục tiêu bộ phận: Tăng trưởng; Tạo việc làm và Vì người nghèo, đối với các khu vực kinh tế của đất nước, mà không thiên vị hay gây khó cho bất kỳ một khu vực nào. Cuối cùng, tính bao trùm thể hiện ở sự lan tỏa và gắn kết thống nhất theo mục đích phát triển toàn diện nền kinh tế quốc gia. Đây chính là nguyên tắc hay điều kiện tiên quyết quyết định sự thành công của tính bao trùm.
Ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ Australia tại Việt Nam cho biết, việc thực hiện tăng trưởng xanh bao trùm không dễ, như Úc cũng đã phạm sai lầm mất 10 năm khi bất đồng trong quan điểm chuyển đổi xanh với ứng phó biến đổi khí hậu. Vì vậy, để có thể triển khai thành công, bên cạnh việc cần có tiền còn phải đưa dòng tiền vào đúng định hướng cần thiết; cần phải lắng nghe ý kiến cộng đồng. “Chính phủ ra quyết định nhưng quan trọng phải là tạo được lòng tin nếu không sẽ có thể có những trở ngại trong tương lai” ông Andrew Goledzinowski khuyến nghị.
TS. Vũ Tiến Lộc, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chỉ ra thực tế, không chỉ quốc gia mà nhiều tỉnh đã có nhận thức sớm về chuyển đổi xanh như Quảng Ninh bắt nhịp với thế giới từ năm 2011. Việt Nam cũng như một số tỉnh đã có chiến lược về tăng trưởng xanh, tăng trưởng bao trùm. “Nhận thức không chậm nhưng thực hiện còn chậm trễ”, ông chỉ ra bài toán cần phải giải trong thời gian tới.
Đối với khu vực DNNVV lực lượng nòng cốt thực hiện tăng trưởng xanh bao trùm, song cũng là đối tượng yếu thế, ông Lộc cho biết: “Nhiều doanh nghiệp nói chuyển đổi xanh dường như là vấn đề xa xỉ kêu gọi có tính chất đạo đức nhiều hơn chứ không phải vấn đề kinh tế, họ phải lo cơm áo gạo tiền trước đã, vì vậy cần có cuộc cách mạng nhận thức trong khu vực này”. Cùng với đó, cần có chương trình yểm trợ cho DNNVV. Đặc biệt là một khung khổ pháp lý an toàn cho họ cùng các chính sách tài chính xanh, sở hữu xanh, bảo hiểm - bảo lãnh xanh hỗ trợ họ bước vào kỷ nguyên xanh.