Phiên họp các Thống đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế: Phát triển vắc xin giúp kinh tế nhanh chóng phục hồi
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tham dự Phiên họp các Thống đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế tháng 3/2021 |
Phiên họp định kỳ các Thống đốc tháng 3/2021 gồm hai nội dung: Nội dung thứ nhất nói về diễn biến của đại dịch Covid-19 và những bước tiến trong việc phát triển vắc-xin, các biện pháp xét nghiệm và điều trị dịch bệnh với phần thuyết trình của Giáo sư Marylyn M Addo, trường Đại học Y trung tâm Hamburg-Eppendorf (Đức) và Tiến sĩ Severin Schwan, Tập đoàn chăm sóc sức khỏe đa quốc gia Roche (Thụy Sĩ). Nội dung thứ hai là về “Ngân hàng trung ương và biến đổi khí hậu” với diễn giả là ông Mark Carney, Thống đốc NHTW Canada.
Phát biểu tại nội dung thứ nhất, các chuyên gia dịch tễ học cho rằng việc phát triển vắc-xin SARS-Cov-2 với tốc độ nhanh chóng là bước tiến quan trọng trong công cuộc đấu tranh với dịch bệnh Covid-19. Nhiều loại vắc-xin đã được cấp phép và triển khai tiêm chủng tại nhiều nước. Thế giới đã có những tiến bộ lớn trong việc phát triển các phương pháp xét nghiệm và điều trị dịch bệnh Covid-19; trên cơ sở nghiên cứu cơ chế gây bệnh của virus SARS-Cov-2, các nhà khoa học đang hướng tới điều chế thuốc chữa Covid-19. Tuy nhiên, virus SARS-Cov-2 đang liên tục biến đổi, tạo ra các biến chủng mới với khả năng lây lan cao trong cộng đồng, ảnh hưởng đến một bộ phận đáng kể dân số toàn cầu và đòi hỏi một loạt các biện pháp thích ứng toàn diện để kiểm soát; do đó, cần nhiều thời gian để kiểm chứng tác dụng của vắc-xin trong việc phòng ngừa dịch bệnh.
Các Thống đốc hoan nghênh và đánh giá cao những tiến bộ đạt được trong việc phát triển vắc-xin, các phương pháp xét nghiệm và điều trị Covid-19, tiến tới bào chế thuốc điều trị SARS-Cov-2, cho rằng những tiến bộ này sẽ giúp hoạt động kinh tế nhanh chóng phục hồi sau một thời gian dài bị đình trệ bởi các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội. Theo các Thống đốc, điều quan trọng là phải đảm bảo phân phối vắc-xin hiệu quả và cần có cơ chế đảm bảo phân bổ nguồn lực đúng mục tiêu, tránh phân bổ sai gây lãng phí, giảm hiệu quả ứng phó với dịch bệnh.
Đoàn đại biểu NHNN tham dự Phiên họp |
Phát biểu về vai trò của NHTW trong ứng phó với rủi ro biến đổi khí hậu, ông Mark Carney - chuyên gia kinh tế, nguyên Thống đốc NHTW Canada và NHTW Anh cho rằng các NHTW có thể giúp hệ thống tài chính thích ứng với biến đổi khí hậu bằng ít nhất 02 cách: cung cấp thông tin liên quan đến rủi ro tài chính, và củng cố năng lực giám sát, điều hành để bảo đảm đánh giá chính xác rủi ro khí hậu, và chuẩn bị đệm hệ thống tài chính phù hợp, giúp hấp thụ những rủi ro này.
Bên cạnh đó, các NHTW và cơ quan quản lý, thanh tra giám sát hệ thống tài chính có thể tiến hành các bài kiểm tra khả năng chống đỡ trước rủi ro khí hậu, triển khai các công cụ an toàn vĩ mô, trong đó ưu tiên các công cụ mang tính liên ngành (cross-sectional), ưu tiên các sản phẩm tín dụng, tài chính xanh xanh. Ngoài ra, các NHTW cần tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý, thanh tra giám sát hệ thống tài chính và quản lý tài khóa, đi đầu làm gương trong việc giảm phát thải khí carbon.
Đồng tình với ý kiến của ông Carney, các Thống đốc cho rằng cần tích hợp rủi ro khí hậu trong một khuôn khổ đánh giá và quản lý rủi ro chung đối với khu vực ngân hàng nhằm đảm bảo ổn định tài chính. Các Thống đốc cũng nhất trí cần tăng cường công tác truyền thông và minh bạch thông tin tới công chúng để nâng cao hiểu biết và tránh gây ra xáo trộn tâm lý dẫn tới bất ổn thị trường. Một số NHTW như NHTW Châu Âu đã đưa các tài sản xanh vào trong danh mục tài sản giao dịch với NHTW trong các nghiệp vụ chính sách tiền tệ. Các Thống đốc cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp giữa NHTW với các cơ quan quản lý khác trong việc ứng phó với rủi ro và cú sốc do biến đổi khí hậu tạo ra.