Phim hình sự Việt: Bước đột phá từ “Người phán xử”
Cảnh trong phim “Người phán xử” |
Theo VFC, “Người phán xử” là bộ phim kế thừa, tiếp nối từ
series phim cảnh sát hình sự đã ghi dấu ấn trong lòng khán giả truyền hình nhiều năm qua. Có thể nói, loạt phim cảnh sát hình sự do VFC sản xuất khi lên màn ảnh nhỏ đã nhận được sự quan tâm, chú ý và đánh giá cao từ người xem. Nhiều bộ phim đã để lại ấn tượng mạnh mẽ, cho thấy cuộc chiến giữa những người thực thi pháp luật là những chiến sĩ công an, cảnh sát với các loại tội phạm từ buôn ma túy, chặt phá rừng, tham nhũng... luôn cam go.
Dấu ấn nghệ thuật trong các bộ phim thuộc cảnh sát hình sự luôn là phơi bày những góc tối, lôi những kẻ xấu với những thủ đoạn, âm mưu, hành vi vi phạm pháp luật ra trước ánh sáng và những kẻ phạm tội đều phải trả cái giá đắt mà chúng đã gây ra.
Có thể thấy, trong loạt phim cảnh sát hình sự mà VFC đã thực hiện, khán giả vẫn nhớ 40 tập phim “Bí mật tam giác vàng”. Phim này xoay quanh cuộc đời ông trùm ma túy người Việt tên Chiến. Ông lấy vợ và lập nghiệp ở Lào. Sau chiến tranh, dưới vỏ bọc của một doanh nhân - nhà từ thiện lớn, Chiến được mọi người gọi là Lão Phật gia. Nhưng thật ra, Chiến đứng đầu tổ chức buôn ma túy xuyên quốc gia.
Bộ phim thu hút khán giả không chỉ vì đã vén tấm màn cận cảnh về khu Tam giác vàng - ngã ba biên giới thuốc phiện, sự đói nghèo, bạo lực - mà còn đan cài nhiều vấn đề đạo đức nhức nhối. Nạn tham nhũng trong ngành công an, sự tha hóa của một bộ phận cảnh sát khiến họ - thay vì góp phần bảo vệ công lý, giữ gìn an ninh xã hội - lại đi tiếp tay cho kẻ xấu.
Quay trở lại với “Người phán xử” chuẩn bị lên sóng truyền hình, đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho biết, mặc dù mang dáng dấp phim hình sự, nhưng “Người phán xử” lại chứa đựng nhiều tính giải trí hấp dẫn chứ không có nhiều yếu tố bạo lực giật gân, không nhấn mạnh vào các pha đánh đấm bạo lực, mà đi sâu vào sự giằng xé trong đời sống nội tâm nhân vật và phân tích tâm lý tội phạm.
Thường thì mỗi khi nhắc đến thể loại phim cảnh sát hình sự là nói đến cuộc chiến chống tội phạm của các chiến sĩ cảnh sát. Nhưng ở “Người phán xử”, khán giả còn thấy cuộc chiến ngầm trong giới tội phạm có vỏ bọc là những nhân vật được khắc họa tính cách rất đặc biệt.
Tiêu biểu nhất là nhân vật doanh nhân Phan Quân do NSND Hoàng Dũng thể hiện. Đây là nhân vật trung tâm của bộ phim, được khai thác rất đa diện. Phan Quân - Tổng giám đốc công ty Phan Thị là ông trùm ngầm của giang hồ vùng biên, người đứng ra phán xử những mâu thuẫn về tiền bạc, ân oán nhằm phân chia ranh giới làm ăn và kiểm soát quyền lực các băng nhóm, dân xã hội.
Tuy là một ông trùm nắm nhiều quyền lực, quan hệ rộng và sẵn sàng đưa ra những phán xét tàn nhẫn, nhưng Phan Quân cũng là con người có nguyên tắc sống và cách ứng xử rất đàn anh, không bao giờ để tình cảm chi phối các điều luật phán xử. Xuyên suốt 46 tập phim, khán giả sẽ thấy những triết lý sâu sắc về tình cảm gia đình, tình cha con, nghĩa vợ chồng.
“Người phán xử” đã khéo léo tái hiện thế giới xã hội đen đầy phức tạp thông qua câu chuyện về gia đình với những diễn biến bất ngờ, gài cắm những chi tiết rất đắt để hé lộ trong tập cuối cùng khi chuyên án điều tra của cảnh sát hình sự khép lại. Bên cạnh những uẩn khúc trong các mối quan hệ được dẫn dắt khéo léo, các bí mật bị che dấu dần bị hé lộ, câu chuyện phim cũng đan xen các vụ án, hành vi tội phạm liều lĩnh, tạo nên kịch tính và sự lôi cuốn trong bộ phim hình sự đặc biệt này.
Ngoài ra, theo hé lộ của đạo diễn Đỗ Thanh Hải, bộ phim này có cách kể chuyện nhanh, hiện đại, mô tả những tình tiết gay cấn, bất ngờ không thể đoán trước. Hình ảnh của thế giới ngầm, bên cạnh ông trùm Phan Quân, còn được thể hiện rất sinh động qua các nhân vật Phan Hải (diễn viên Việt Anh thủ vai) và Lê Thành (Hồng Đăng) có tính cách đối nghịch như lửa và nước, được cân bằng bởi Lương Bổng, kẻ thân tín của ông trùm do NSUT Trung Anh đảm nhận.
Bên cạnh đó, dấu ấn của những cảnh sát hình sự dũng cảm vẫn được khắc họa đậm nét trong một cách kể chuyện mới mẻ, hứa hẹn đem đến cho khán giả một bộ phim hấp dẫn và lôi cuốn ngay từ tập đầu tiên.
Được ghi hình trong 11 tháng ở nhiều bối cảnh khác nhau, mang nhiều tình tiết kịch tính, đan xen các pha hành động và võ thuật, “Người phán xử” khi lên sóng được khán giả hy vọng sẽ tạo nên điểm nhấn mới cho phim truyền hình Việt thể loại hình sự. Và nhiều ý kiến chuyên môn nhận định, bộ phim này có thể xuất khẩu đưa điện ảnh Việt lên một nấc thang cao hơn.