"Phở Nam Định" trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Theo đó, “Phở Nam Định” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình tri thức dân gian, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí: Có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.
Nam Định là quê hương của nghề phở. Phở là món ăn phổ biến trong văn hóa ẩm thực Việt Nam, được nhiều người ưa chuộng không chỉ ở trong nước mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Trải qua thời gian, phở đã trở thành niềm tự hào của đất và người Nam Định; khẳng định được giá trị thương hiệu ẩm thực với những nét độc đáo thể hiện trong tất cả các khâu: từ chuẩn bị, lựa chọn nguyên liệu, thực phẩm; phương thức làm ra sợi phở đặc trưng; công đoạn chế biến, hoàn thiện một bát phở ngon đảm bảo hương vị, chất lượng dinh dưỡng...
Việc “Phở Nam Định” trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là cơ sở bước đầu để Chính phủ đệ trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) xem xét, ghi danh “Phở Nam Định” vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Từ đó, đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể “Phở Nam Định”; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá di sản văn hoá ẩm thực “Phở Nam Định”; tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với di sản; đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, của các tổ chức hội, hiệp hội ẩm thực và cộng đồng trong việc gìn giữ, bảo vệ giá trị thương hiệu, sản phẩm ẩm thực đặc sắc của đất và người Nam Định.
Nam Định có kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng. Nói tới di sản văn hóa Nam Định không thể không nhắc đến những đặc sản ẩm thực mang nét văn hóa đặc trưng của đất và người quê hương như: Bánh cuốn làng Kênh; nem nắm Giao Thuỷ; gạo tám, bánh nhãn Hải Hậu; nước mắm Sa Châu; kẹo lạc Sìu Châu; cá nướng úp chậu Trực Ninh; cá chạch kho Nghĩa Hưng…, đặc biệt nhất là món phở. Phở Nam Định có lịch sử hơn 100 năm (khoảng năm 1900), sau đó phát triển ra các thành phố lớn của miền Bắc như Hải Phòng, Hà Nội… Phở Nam Định hiện nay đã có mặt khắp các địa phương trong nước và cả ở nước ngoài, được nhiều người ưa chuộng.
Trước đó, để xây dựng hồ sơ đưa phở vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đồng thời bảo tồn văn hóa ẩm thực gắn với phát triển du lịch địa phương... Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định đã tổ chức Tọa đàm khoa học "Phở trong bối cảnh đương đại dưới góc nhìn từ di sản văn hóa".
Tại tọa đàm, các nhà nghiên cứu văn hóa, ẩm thực đã làm rõ nguồn gốc, yếu tố văn hóa, sự gắn kết cộng đồng thông qua ẩm thực và những vấn đề liên quan đến gìn giữ, phát triển nghề phở. Đây là những căn cứ quan trọng để lập hồ sơ đưa phở vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), việc xây dựng hồ sơ đưa phở vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cần tuân thủ quy trình và quy định tại Luật Di sản văn hóa, mặt khác, cần nhận diện các yếu tố liên quan để quyết định tên gọi di sản, từ đó tập trung vào yếu tố, loại hình tạo nên giá trị đặc trưng, tiêu biểu của di sản.
Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định - ông Đỗ Quang Trung nhìn nhận, ý kiến của nhà nghiên cứu, chuyên gia, chính quyền địa phương, cộng đồng đã tiếp tục làm rõ giá trị, góp phần quảng bá phở Nam Định đến các tầng lớp nhân dân, du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt là việc nhận diện phở trong bối cảnh đương đại dưới góc nhìn từ di sản văn hóa, từ đó bổ sung cơ sở khoa học để hoàn thiện các thành phần hồ sơ đưa phở vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.