Phối hợp chính sách để lãi suất giảm thêm
Lãi suất và phục hồi tăng trưởng Tích cực triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% |
Mặt bằng lãi suất còn cao do nhiều nguyên nhân
Theo báo cáo “Tác động môi trường lãi suất cao tới ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi tăng trưởng năm 2023”, do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và Viện Konrad Adenauer Stiftung (KAS) Việt Nam công bố mới đây, kinh tế Việt Nam đã gặp phải nhiều khó khăn, bao gồm sự trầm lắng của thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cùng với sự suy giảm mạnh của hoạt động xuất khẩu từ quý IV/2022.
Theo ông Florian Feyerabend, Trưởng đại diện Văn phòng KAS tại Việt Nam, tăng trưởng GDP quý I chỉ khoảng 3,3%, với sản lượng công nghiệp, xuất khẩu… đều giảm. Điều đó cho thấy, mặc dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực giải quyết những nút thắt, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế song vẫn còn nhiều thách thức. Trong đó, lãi suất cao vẫn là một hạn chế đối với các hoạt động kinh doanh.
“Lãi suất cao sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế - động cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Do đó, cần có những giải pháp cụ thể để thúc đẩy nền kinh tế phát triển…”, ông Florian Feyerabend nói.
Theo báo cáo trên, mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng, nhất là trong khoảng thời gian từ tháng 7/2022 và đến tháng 2/2023. TS. Nguyễn Tú Anh, chuyên gia nhóm nghiên cứu báo cáo, nhận định, môi trường lãi suất cao không chỉ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp hiện hành mà còn ảnh hưởng đến nhu cầu khởi nghiệp, lớn hơn là đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Tốc độ tăng trưởng GDP dự báo/thực tế của Việt Nam theo ADB, IMF, WB (Nguồn: Tổng hợp của nhóm nghiên cứu) |
Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhìn nhận: “Tôi có thể khẳng định, không ai muốn một môi trường lãi suất cao cả. Không có chuyện NHTW muốn cao, NHTM muốn cao và chỉ doanh nghiệp muốn lãi suất thấp”.
Trước thực tế lãi suất tại Việt Nam trong so sánh với các nước đang ở mức “trung bình cao”, TS. Lực cho rằng điều này do một số nguyên nhân chính như: Tỷ lệ lạm phát tại Việt Nam thông thường vẫn cao hơn bình quân của thế giới (ngoại trừ 2 năm vừa qua); Tâm lý chung là người dân gửi tiền phải có lãi suất thực dương (kỳ vọng lạm phát phải thấp hơn lãi suất tiền gửi cùng thời hạn - theo năm); Mức độ rủi ro của nền kinh tế, của bản thân doanh nghiệp và một số ngành kinh tế còn cao (thể hiện ở mức độ xếp hạng tín nhiệm của quốc gia, của bản thân các doanh nghiệp mới ở mức khoảng BB+ theo đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế); Chi phí vận hành nền kinh tế vẫn rất tốn kém và rất cao (gồm cả chi phí chính thức và không chính thức); Hiện vẫn còn một số tổ chức tín dụng yếu kém và họ thường đẩy mặt bằng lãi suất huy động lên cao khiến mặt bằng lãi suất bị đẩy lên một cách thiếu lành mạnh; Áp lực nợ xấu tăng.
Hóa giải điểm nghẽn môi trường đầu tư kinh doanh
Thực tế trong thời gian gần đây, sau 2 lần giảm các lãi suất điều hành của NHNN đã tạo thông điệp và định hướng tích cực cho các NHTM trong việc giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay. Các ngân hàng hầu hết đã có sự chủ động trong việc giảm lãi suất, rõ nét nhất là trong tháng 4 và đầu tháng 5 này. Theo số liệu từ NHNN đến cuối tháng 4, lãi suất huy động chung của tất cả các tổ chức tín dụng đã giảm khoảng 1-1,2%; lãi suất cho vay giảm khoảng 0,5-0,65%. Riêng các NHTM Nhà nước, mức giảm tích cực hơn (phần lãi suất huy động giảm từ 1-1,5%; lãi suất cho vay giảm từ 1,5-2%). Qua đó, đưa các khoản tiền gửi mới và các khoản tín dụng mới về các mức bình quân tương ứng với tiền gửi là 6,0-6,1% (cộng tất cả kỳ hạn lại chia bình quân); cho vay từ 9-9,2%. Đây là những con số cho thấy tốc độ giảm lãi suất đang khá tích cực trong thời gian vừa qua.
Trong bối cảnh ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế là hết sức cần thiết lúc này; thực tế cung tiền có xu hướng giảm (liên tục giảm từ 2021 đến nay), trong khi Việt Nam có xu hướng duy trì được vị thế là nước xuất khẩu vốn (có thặng dư cán cân vãng lai), TS. Nguyễn Tú Anh cho rằng có dư địa để tiếp tục giảm thêm lãi suất.
“Cần có những chính sách quyết liệt, phối hợp giữa ngành Ngân hàng, ngành tài chính, thị trường vốn cùng nhau đưa mặt bằng lãi suất giảm xuống thì mới nâng được năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, qua đó đạt được mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6-7%/năm và đạt mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình cao vào cuối thập kỷ này", chuyên gia này đề xuất.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực cho rằng nếu dung hòa, cân bằng tốt được các chính sách, Việt Nam vẫn có dư địa để giảm thêm lãi suất trong năm nay. Các yếu tố chính để giảm lãi suất được chỉ ra bao gồm: (i) Xu hướng lạm phát trong nước đã và đang giảm dần, kể cả có tăng lên quanh mức 4-4,5% thì vẫn chấp nhận được; (ii) Áp lực lạm phát, lãi suất, tỷ giá trên toàn cầu hiện đã giảm đi rất nhiều so với năm ngoái; (iii) Thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện nay tốt hơn so với quý IV/2022; (iv) Giải ngân vốn đầu tư công sẽ tốt lên, giúp giảm bớt các ách tắc khi tiền nằm ở Kho bạc Nhà nước, nằm ở hệ thống ngân hàng và giảm bớt chuyện nợ đọng vốn lẫn nhau ở các doanh nghiệp. Theo đó, vòng quay tiền sẽ nhanh hơn, lượng cung tiền năm nay dự báo khoảng 10% cao hơn mức chỉ 6,2% của năm ngoái.
“Như vậy từ nay đến cuối năm, chúng ta vẫn có thể giảm mặt bằng lãi suất từ 1-2%, trên cơ sở hài hòa, dung hòa nhiều mặt trận, nhiều mục tiêu khác nhau”, TS. Lực nói, nhưng đồng thời lưu ý: “Lãi suất không phải là tất cả, vì có tiền chưa chắc đã tiêu được. Quan trọng hơn, môi trường đầu tư kinh doanh phải cải thiện”.
Chuyên gia này cho rằng, câu chuyện “sợ trách nhiệm, sợ rủi ro để không dám làm gì cả” đang thực sự là điểm nghẽn hiện nay cho doanh nghiệp, người dân. Do đó cải thiện được vấn đề này sẽ giải tỏa được rất nhiều tồn tại hiện nay.
Đại diện nhóm nghiên cứu, TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng VEPR cũng nhấn mạnh, việc tiếp tục cải cách thể chế nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hiệu quả, thống nhất cho doanh nghiệp là quan trọng nhất hiện nay. Cùng với đó, trong cân bằng giữa mục tiêu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, cần đồng thời tìm kiếm các giải pháp chính sách nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế.
“Trong hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, chính sách tài khoá cần đóng vai trò chủ đạo; chính sách tiền tệ cần duy trì trạng thái "thích ứng" với hiện trạng của nền kinh tế để tiếp tục cân bằng giữa quản lý, kiểm soát các rủi ro tài chính với hỗ trợ phục hồi, khơi thông sự luân chuyển của dòng vốn”, chuyên gia này đề xuất.