“Phong trào trả mặt bằng” sau dịch
“Tháo chạy” khỏi những tuyến đường vàng
Tìm đến một quán ăn nổi tiếng được giới thiệu trên mạng, chị Nguyễn Thu Trang (Đống Đa, Hà Nội) không khỏi bất ngờ khi quán đã đóng cửa, treo biển cho thuê. Liên hệ với chủ nhà hàng, người này cho biết do kinh doanh khó khăn nên đã buộc phải đóng cửa một số chi nhánh tại khu vực trung tâm vì giá thuê mặt bằng quá cao.
Theo khảo sát trên một số tuyến đường “vàng” của Hà Nội, số lượng nhà hàng, quán cafe, cửa hàng kinh doanh treo biển trả mặt bằng ngày càng nhiều. Không chỉ vậy, ở các trung tâm thương mại, một số nhà hàng ăn uống, thời trang cũng đã dần “tháo chạy” trước cảnh đìu hiu sau dịch bệnh.
Một xe bán lưu động của Highlands Coffee |
Thông tin từ Báo cáo khảo sát diễn biến thị trường mặt bằng bán lẻ của Savills Việt Nam cho thấy, trong quý III/2020, nhiều khách thuê thuộc ngành hàng F&B và thời trang tại các trung tâm mua sắm có động thái trả mặt bằng hoặc giảm bớt diện tích thuê để cắt giảm chi phí. Nguyên nhân dẫn đến làn sóng này là tình hình kinh doanh của một số ngành dịch vụ, đặc biệt là ẩm thực vẫn tiếp tục ảm đạm do tác động của đại dịch Covid-19.
Báo cáo diễn biến thị trường mặt bằng bán lẻ của CBRE Việt Nam cũng chỉ ra rằng, suốt quý III, tỷ lệ mặt bằng bị bỏ trống trung bình tại TP.Hồ Chí Minh vẫn cao hơn năm trước do các thương hiệu thời trang và đặc biệt là thương hiệu ngành ăn uống trả lại mặt bằng. Trường hợp thu hẹp và trả mặt bằng ở ngành ẩm thực chủ yếu rơi vào những thương hiệu trong nước.
Khảo sát thực tế ở các tuyến đường được coi là “phố Hàn”, “phố Tây” của Hà Nội như Tạ Hiện (quận Hoàn Kiếm), Trần Kim Xuyến, Nguyễn Thị Định, Trung Hòa (quận Cầu Giấy), hay khu đô thị Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm), các cửa hàng đã hoạt động trở lại nhưng lượng khách vẫn không nhiều, nhất là khách quốc tế.
Được biết, giá thuê mặt bằng ở các tuyến phố này dao động từ 40 triệu đồng trở lên, dù hiện tại chủ mặt bằng đã giảm giá thuê còn 30 triệu đồng/tháng nhưng nhiều cửa hàng vẫn quyết định sang nhượng để tìm mặt bằng mới với chi phí thấp hơn.
Tại các con đường “vàng” ở phố cổ, dù dịch bệnh đã được kiểm soát, mọi hoạt động đã quay trở lại như bình thường, nhưng do đối tượng phục vụ của các cửa hàng ở đây chủ yếu là khách quốc tế nên hiện tại tình hình kinh doanh vẫn ảm đạm, đìu hiu. Quan sát một số tuyến phố như Hàng Muối, Hàng Bông… những tấm biển sang nhượng từ vài tháng nay vẫn còn nguyên vẹn. Theo chủ một số mặt bằng chia sẻ, dù đã “xuống nước” đàm phán với khách thuê, giảm tiền từ 15% - 30% nhưng người thuê nhà vẫn vắng bóng.
Quan sát ở một số trung tâm thương mại trên địa bàn Hà Nội, dù trong ngày cuối tuần nhưng lượng khách cũng không quá đông, đa phần mọi người đều tìm đến siêu thị để mua đồ dùng, thực phẩm sử dụng hàng ngày, quán ăn, cửa hàng thời trang đều thưa thớt người ghé qua. Chính vì vậy, nhiều nhãn hiệu thời trang có tiếng cho đến các cửa hàng ăn uống đều đã tạm đóng cửa hoặc trả mặt bằng. Các cửa hàng ăn còn trụ lại đua nhau tung ra nhiều ưu đãi, khuyến mãi “khủng” để thu hút khách hàng nhưng lượng khách ra vào vẫn còn thưa thớt.
Tìm mọi cách để sống sót
Theo đánh giá của các chuyên gia, chi phí mặt bằng là một khoản chi lớn của các chủ cửa hàng, vì thế trong bối cảnh khó khăn đây sẽ là điều đầu tiên được nghĩ tới khi cắt giảm.
Đối diện với tình trạng ế ẩm nhưng vẫn phải trả một khoản lớn cho mặt bằng, nhiều chủ cửa hàng đã cùng bắt tay nhau để san sẻ chi phí. Mô hình kinh doanh chia sẻ mặt bằng diễn ra ngày càng nhiều. Đơn cử như một cửa hàng bán đồ ăn trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) đã bắt tay với một cửa hàng cafe để cùng sử dụng mặt bằng. Khách đến ăn vừa có thể uống cafe và ngược lại. Trên ứng dụng giao hàng, hai cửa hàng này còn tích hợp lại làm một để người mua có thêm nhiều lựa chọn trong menu. Theo chủ cửa hàng chia sẻ, việc cùng san sẻ mặt bằng giúp cho chi phí giảm đi rất nhiều, hơn nữa còn tránh lãng phí nếu không sử dụng hết không gian, từ đây đem lại hiệu quả kinh doanh cao hơn.
Không cùng buôn bán, nhiều cửa hàng bắt tay nhau bằng cách người bán buổi sáng, người bán buổi tối. Chủ một quán ốc trên đường Nam Đồng (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, ban ngày là cửa hàng rửa xe, đến tối từ 7 giờ sẽ bán ốc, điều này giúp cả hai cửa hàng giảm được nhiều chi phí.
Nhiều thương hiệu nổi tiếng cũng phải tìm phương thức kinh doanh mới. Đơn cử như Higlands Coffee đã mở quầy hàng lưu động bán hàng từ 7 giờ sáng trước các cửa hàng của mình để phục vụ dân văn phòng đi làm sớm. Giá cà phê bán ở quầy sẽ rẻ hơn trong quán, ví dụ: ly cà phê sữa đá size lớn ở kệ nhỏ sẽ bằng giá ly size nhỏ trong cửa hàng, khoảng 29.000 đồng. Ngoài cà phê, các quầy nhỏ Highlands Coffee còn bán cả cà phê bột túi. Nhiều thương hiệu nổi tiếng khác như McDonald’s, Otoke Chicken, Ông Bầu… cũng đã sử dụng phương thức mới này để thu hút khách hàng. Theo các chuyên gia, khi các “ông lớn” xuống đường, sẽ tối ưu chi phí mặt bằng và đa dạng các kênh bán hàng hơn, đây là điều mà các chuỗi kinh doanh F&B cần chú ý nếu muốn tồn tại và phát triển.