Phú Quốc có tiềm năng trở thành trung tâm kinh tế - tài chính mới của khu vực
Phát biểu tại Hội thảo: “Không gian đô thị Phú Quốc: Sự dịch chuyển mạnh mẽ của xu hướng đầu tư mới”, ông Phạm Nguyễn Toan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam chia sẻ, sự phát triển về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch biển thời gian qua đã thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước đến với Phú Quốc, từng bước thay đổi diện mạo, định hình chân dung thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam. Nhiều người đều hình dung Phú Quốc là một “thiên đường du lịch nghỉ dưỡng”, nơi có những công trình kỳ vỹ hòa mình cùng thiên nhiên. Nhưng trong tương lai gần, thành phố đảo không chỉ và không thể mãi chỉ là một “điểm đến” mà phải trở thành một thành phố đảo đáng sống, một trung tâm kinh tế - tài chính mới của khu vực và thế giới.
"Với sứ mệnh của mình, Phú Quốc không nên đơn điệu và cũng không thể đơn điệu trong đường hướng phát triển khi chỉ tập trung vào du lịch, nghỉ dưỡng. Bởi lẽ, Phú Quốc không chỉ là nơi đón khách du lịch mà phải trở thành đô thị lưu giữ cư dân sinh sống và làm việc lâu dài. Khi đó, diện mạo đô thị sẽ có sự thay đổi ngoạn mục. Có như vậy mới phát huy hết giá trị bền vững và tạo ra cơ hội cho Phú Quốc bứt phá. Nhận định trên xuất phát từ tầm nhìn quy hoạch, chiến lược phát triển và vị thế của Phú Quốc - một tọa độ hấp dẫn không chỉ của châu Á mà đang đứng trước cơ hội trở thành nơi sống và tận hưởng hàng đầu thế giới", nhà báo Phạm Nguyễn Toan cho biết.
Đồng quan điểm trên, TS. KTS. Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho hay, Phú Quốc là đô thị biển, là khu kinh tế nên phát triển đô thị cơ bản theo hướng tổng hợp đa ngành chứ không chỉ dựa vào trụ cột là du lịch như hiện nay. Theo đó, việc thu hút đầu tư để phát triển cần dựa vào 4 trụ cột: Công nghiệp giải trí, du lịch nghỉ dưỡng, dịch vụ tài chính ngân hàng và kinh tế biển.
Phú Quốc đang có cơ hội trở thành điểm sáng phát triển trong tư duy chiến lược quốc gia. Triển vọng phát triển không gian đô thị Phú Quốc đến năm 2040 sẽ góp phần xây dựng Phú Quốc sớm trở thành đô thị biển - đảo độc đáo, đặc sắc, hướng tới đạt tiêu chuẩn đô thị loại I.
Một khu kinh tế có vị thế đặc biệt, trung tâm kinh tế du lịch, dịch vụ du lịch sinh thái biển - đảo đặc sắc và có tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia với nhiều giá trị khác biệt, chất lượng cao của quốc gia và quốc tế, trung tâm thương mại, dịch vụ tầm cỡ khu vực và quốc tế, trung tâm chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng ứng dụng công nghệ cao của khu vực và quốc tế..
Sở hữu nhiều lợi thế ở mọi khía cạnh để trở thành một thành phố đáng sống, song thời gian qua, Phú Quốc vẫn chủ yếu phát triển các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng, thiếu đi những đại đô thị với hạ tầng, tiện ích, điều kiện sống đủ đầy cho các cư dân có điều kiện kinh tế, giới thượng lưu có “chất” sống riêng, muốn “an cư” tại Phú Quốc.
Theo ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, trong giai đoạn vừa qua, thị trường bất động sản Phú Quốc phát triển mạnh nhưng chủ yếu là bất động sản du lịch. Tuy nhiên, qua giai đoạn đầu cần phải có sự điều chỉnh để tạo sự cân bằng trên thị trường bất động sản, tránh phát triển lệch.
Sau giai đoạn đầu với sự phát triển nhanh chóng của bất động sản du lịch sẽ là sự phát triển mạnh mẽ của bất động sản nhà ở đô thị để đáp ứng nhu cầu của lực lượng lao động đến làm việc tại Phú Quốc gia tăng mạnh mẽ, và một bộ phận cư dân mà chủ yếu là giới trung lưu và thượng lưu, cả trong nước và quốc tế đến định cư để thụ hưởng cuộc sống ở thiên đường du lịch, nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe này. Đó là sự dịch chuyển tất yếu và cần thiết của thị trường bất động sản trong các giai đoạn phát triển của một đô thị du lịch - kinh tế - tài chính mới.
Theo TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhu cầu ở định cư lâu dài tại Phú Quốc là rất lớn. Bởi khi các khu du lịch lớn phát triển sẽ kéo theo lượng lớn lao động dịch vụ, kỹ thuật, chuyên gia nước ngoài. Đội ngũ này sẽ không ở tại khách sạn mà sẽ có nhu cầu sống tại các khu đô thị, trong khi các khu vực đô thị cổ tại Phú Quốc hiện nay chỉ hợp với bảo tồn. Vì vậy, việc phát triển các khu đô thị mới hiện đại, khang trang, đầy đủ tiện ích sẽ là xu hướng dẫn dắt thị trường bất động sản Phú Quốc sắp tới.
Việc phát triển các khu đô thị mới hiện đại, đầy đủ tiện ích sẽ là xu hướng dẫn dắt thị trường bất động sản Phú Quốc. |
Đại diện doanh nghiệp phát triển dự án đô thị nhà ở tại Phú Quốc, ông Phạm Minh Đức - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Á Đại Thành cho biết, Tân Á Đại Thành là một trong những doanh nghiệp đầu tiên đầu tư vào lĩnh vực đô thị tại Phú Quốc. Đây là hướng đi khác biệt song thực tế cho thấy, doanh nghiệp đang thành công với hướng đi này.
“Cùng chung tầm nhìn với chính quyền thành phố về tương lai Phú Quốc, chúng tôi quyết tâm kiến tạo Đại đô thị Meyhomes Capital Phú Quốc quy mô 266 ha thành một “Thành phố tinh khiết, lõi trung tâm Đảo Ngọc”. Nơi đây hội tụ đầy đủ những giá trị của một thành phố đáng sống tạo ra môi trường sống hoàn hảo và tương lai tốt đẹp cho cộng đồng cư dân toàn cầu”, ông Phạm Minh Đức chia sẻ.
Việc thiết lập các đại đô thị là cần thiết tại Phú Quốc, song như các chuyên gia nhìn nhận, các đại đô thị này cần được quy hoạch bền vững, đảm bảo bài toán phát triển đường dài. Theo PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội, Nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam: Việc quy hoạch và phát triển Phú Quốc theo hướng các đại đô thị nhà ở là tốt và đúng với nhu cầu thực tiễn hiện nay song phải rất thận trọng.
“Phú Quốc càng được thiên nhiên ưu ái, chúng ta càng cần tôn trọng tự nhiên, gìn giữ nguồn nước, cần bảo tồn thiên nhiên. Phát triển các khu đô thị tại đây phải đi kèm với bảo vệ môi trường, hệ sinh thái. Có như vậy, Phú Quốc mới thực sự là thành phố đảo đáng sống”, ông Hồi lưu ý.