Phú Yên: Bổ sung vốn ưu đãi cho vay giải quyết việc làm
Vốn vay giải quyết việc làm góp phần giải quyết nhu cầu vay vốn, tạo việc làm ở các địa phương trong cả nước |
Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh Phú Yên vừa có quyết định điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2023. Cụ thể, ban đại diện quyết định bổ sung 10 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương cho hai huyện Sơn Hòa và Tây Hòa, mỗi địa phương 5 tỷ đồng. Nguồn vốn được bổ sung dùng để thực hiện chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn 2 huyện.
Trước đó, NHCSXH chi nhánh Phú Yên được NHCSXH Việt Nam phân bổ 176 tỷ đồng để triển khai các chương trình tín dụng hàng năm và cho vay ưu đãi theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Trong đó, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm được bố trí 85 tỷ đồng.
Như vậy, lũy kế từ đầu năm đến nay, vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn Phú Yên từ nguồn Trung ương đã tăng lên 95 tỷ đồng, góp phần đáp ứng nhu cầu vay của người dân, nhất là đối tượng công nhân, lao động mất việc từ các thành phố lớn trở về địa phương làm ăn và sinh sống ổn định.
Những năm gần đây, xác định vốn vay giải quyết việc làm là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân có thêm “cần câu” để phát triển kinh tế, NHCSXH chi nhánh Phú Yên đã tích cực phối hợp với các hội đoàn thể nhận ủy thác và chính quyền địa phương triển khai hiệu quả chương trình cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn.
Trên thực tế, trong các chương trình tín dụng chính sách hiện nay, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm rất hiệu quả, nguồn vốn cho vay đã giải quyết nhu cầu vay vốn tạo việc làm cho lao động tại địa phương. Đặc biệt, từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm đã giúp một số làng nghề truyền thống ở Phú Yên như đan lát, bánh tráng, bó chổi, làm bún, trồng cây cảnh... có điều kiện khôi phục và phát triển.
Theo ông Hồ Văn Thục, Giám đốc NHCSXH chi nhánh Phú Yên, nguồn vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm đã góp phần thu hút, tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương. Từ đó, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, đẩy lùi tín dụng đen ở khu vực nông thôn.
Bên cạnh đó, nguồn vốn này còn giúp người dân thay đổi thói quen, nhận thức trong sản xuất kinh doanh, mạnh dạn đầu tư vốn phát triển kinh tế, tạo thu nhập ổn định cho gia đình, để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững…
Tuy nhiên, để tiếp tục mở rộng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực chính sách xã hội. Trong đó, chính quyền các cấp ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng sớm xây dựng, triển khai Đề án mở rộng đối tượng đi lao động có thời hạn ở nước ngoài được vay vốn bằng nguồn vốn địa phương giai đoạn 2023 - 2025 và những năm tiếp theo.