Phú Yên - trung tâm cây dược liệu mới ở miền Trung
UBND tỉnh Phú Yên vừa phê duyệt Đề án phát triển cây dược liệu trên đất lâm nghiệp tỉnh Phú Yên giai đoạn 2023-2030, định hướng đến năm 2050. Đây được xem là cơ sở để tỉnh trở thành một trung tâm cây dược liệu mới ở miền Trung.
Theo đó, mục tiêu Đề án phát triển cây dược liệu trên đất lâm nghiệp tỉnh Phú Yên giai đoạn 2023-2030, định hướng đến năm 2050 là tập trung phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu trên địa bàn, trong điều kiện phát triển lâm nghiệp, nằm trong chương trình, kế hoạch tổng thể về phát triển lâm nghiệp nhằm phát huy có hiệu quả mọi tiềm năng về điều kiện tự nhiên và xã hội để phát triển các vùng trồng dược liệu chuyên canh.
Phú Yên có nhiều tiềm năng để phát triển cây dược liệu. |
Bên cạnh đó, đề án cũng tập trung ưu tiên phát triển dược liệu trong môi trường, dưới tán rừng và trên đất lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn sản xuất nguyên liệu với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng vùng trồng dược liệu gắn với công nghiệp chế biến, cơ cấu sản phẩm đa dạng bảo đảm an toàn và chất lượng. Đồng thời, kết hợp phát triển nhu cầu thị trường nội địa và sử dụng tự túc của nhân dân miền núi.
Đề án cũng đặt mục tiêu, đến năm 2050 phát triển ngành hàng dược liệu của địa phương trở thành ngành hàng mang thương hiệu mạnh, có giá trị sản xuất cao, tạo nguồn thu quan trọng và đưa Phú Yên trở thành trung tâm sản xuất dược liệu của vùng duyên hải Nam Trung bộ…
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cho biết, Đề án phát triển cây dược liệu trên đất lâm nghiệp tỉnh Phú Yên giai đoạn 2023-2030, định hướng đến năm 2050, được kỳ vọng là cơ hội để người dân tiếp cận, phát triển mô hình nông nghiệp phù hợp với đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng của Phú Yên, từ đó tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống của người dân…
Phú Yên đang phấn đấu trở thành một trung tâm cây dược liệu mới ở miền Trung |
Để thực hiện mục tiêu, Đề án cũng đề ra các giải pháp trong đó nổi bật là tạo ra cơ chế chính sách phát triển cây dược liệu; đẩy mạnh việc tuyên truyền để người dân hiểu được giá trị cây dược liệu trên đất lâm nghiệp. Nguồn vốn để thực hiện đề án là 1.147,3 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước là 184,6 tỷ đồng, còn lại là nguồn lực xã hội hóa.
Trên thực tế, với những điều kiện thuận lợi, Phú Yên có nhiều tiềm năng để phát triển cây dược liệu. Trên địa bàn tỉnh nguồn tài nguyên thực vật rất phong phú và đa dạng, đến nay đã ghi nhận hơn 1.450 loài thực vật bậc cao, trong đó có tới hàng trăm loài làm thuốc. Qua điều tra sơ bộ trên đất lâm nghiệp tại tỉnh Phú Yên năm 2022 cho thấy, ở một số rừng phòng hộ và rừng đặc dụng có đến hơn 210 loài thực vật cung cấp dược liệu, trong đó có 38 loài thuộc danh mục 100 dược liệu do Bộ Y tế quy định. Trong đó có nhiều loài giá trị kinh tế cao như, quế, sa nhân tím, sa nhân đỏ, ba kích, hà thủ ô và một số loài nằm trong danh lục đỏ cây thuốc Việt Nam như, lan kim tuyến, ba gạc lá nhỏ, ba gạc lá to, cốt toái bổ, tắc kè đá… đặc biệt có một loài đặc hữu là Cam thảo Đá Bia…
Mô hình trồng cây dược liệu diệp hạ chậu tại xã An Mỹ, huyện Tuy An. |
Theo ông Phan Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ (Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam), tỉnh Phú Yên có nhiều lợi thế để phát triển cây dược liệu trên đất lâm nghiệp. Nếu tập trung đầu tư, phát triển các loại cây bản địa, đặc hữu, địa phương sẽ mở ra cơ hội để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân trên địa bàn.
Hiện, các cơ quan chức năng ở địa phương cũng đang tập trung gây trồng, phát triển vùng nguyên liệu tại các huyện, trong đó tập trung tại các ban quản lý rừng đặc dụng Đèo Cả, Krông Trai; ban quản lý rừng phòng hộ Tây Hòa, Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân và thị xã Sông Cầu.