Phục hồi tổng cầu: Đầu tư công sẽ là điểm nhấn
Ông có thể đánh giá rõ hơn diễn biến cung - cầu của nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm?
Qua con số thống kê, có thể nhận thấy các thành tố của tổng cầu trong 6 tháng đầu năm lộ rõ những hạn chế, từ đó làm cho tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm chưa đạt như kỳ vọng. Về đầu tư, tuy khu vực công có tăng, nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra. Trong khi đầu tư của khu vực tư nhân giảm mạnh, chi tiêu hộ gia đình thấp do thu nhập bị ảnh hưởng.
Về xuất nhập khẩu, có thể thấy xuất khẩu của 6 tháng đầu năm giảm tới 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này phản ánh khó khăn từ cả phía tổng cầu bên ngoài.
Còn tổng cung, doanh nghiệp đang gặp khó khăn về chi phí đầu vào và đầu ra khiến quá trình sản xuất có nhiều trở ngại, điều này có thể thấy rõ nhất trong khu vực công nghiệp. Trước đây khu vực chế biến, chế tạo là bệ đỡ cho tăng trưởng tổng cung, tuy nhiên, 6 tháng đầu năm, khu vực này có mức tăng trưởng thấp, phản ánh khó khăn lớn của doanh nghiệp cả đầu vào lẫn đầu ra.
Ông nhận định thế nào về điều hành chính sách tiền tệ trong 6 tháng đầu năm?
Trong bối cảnh khó khăn của doanh nghiệp và nền kinh tế, NHNN đã rất nỗ lực trong việc hỗ trợ nền kinh tế. Rõ nét nhất là động thái 4 lần giảm lãi suất điều hành từ đầu năm tới nay với các mức giảm khác nhau, từ đó cũng giúp hạ mặt bằng lãi suất huy động, cơ sở để lãi suất cho vay giảm. Tuy nhiên, dù lãi suất đã giảm nhưng tính đến cuối tháng 6/2023 tín dụng mới chỉ tăng 4,73%, trong khi cùng kỳ năm trước tăng gấp 2 lần (hơn 8%). Nguyên nhân hấp thụ vốn của doanh nghiệp vẫn rất yếu do sản xuất khó khăn, chi phí đầu vào đầu ra đều tăng trong khi tổng cầu suy giảm. Vì vậy, việc giảm lãi suất không phải yếu tố then chốt để hỗ trợ doanh nghiệp mà cần tập trung nhiều hơn vào việc phục hồi tổng cầu thông qua giải pháp tài khoá. Mặt khác, nếu chúng ta quá dựa vào chính sách tiền tệ trong bối cảnh tổng cầu đang suy giảm thì có thể ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của hệ thống tài chính tiền tệ.
Vậy để phục hồi tổng cầu trong thời gian tới, cần triển khai các giải pháp như thế nào, thưa ông?
Như tôi phân tích ở trên, không thể dựa vào mỗi chính sách tiền tệ để tháo gỡ khó khăn. Theo tôi, chính sách tài khóa liên quan đến chi tiêu, hỗ trợ đầu vào, đầu ra cho doanh nghiệp cần đi đầu. Đơn cử, có thể giảm thêm thuế, phí, giá các nguyên liệu đầu vào mà Chính phủ có thể kiểm soát như năng lượng... Các chính sách hỗ trợ thuế, phí cũng sẽ có độ trễ. Vì vậy, tôi kỳ vọng trong 6 tháng tiếp theo, khả năng các chính sách sẽ thẩm thấu đến doanh nghiệp tốt hơn.
Về đầu ra, mô hình tăng trưởng của chúng ta hiện nay là dựa trên đầu tư. Trong khi khu vực tư nhân đang có sự thu hẹp thì phải dựa vào đầu tư công nhiều hơn trong thời gian tiếp theo. Đầu tư công sẽ là điểm nhấn cần tập trung nâng cao chất lượng và quy mô, nhưng với nguyên tắc là không dàn trải mà phải tập trung vào khu vực có tính lan tỏa lớn như cơ sở hạ tầng, giáo dục, khoa học, công nghệ… Từ đó đưa đầu tư công thành đầu tàu, bệ đỡ cho tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn.
Bên cạnh đó, chính sách tài khóa nên hướng đến bao phủ an sinh xã hội, đặc biệt là các đối tượng bị tổn thương lớn của nền kinh tế. Nhờ đó gia tăng mức chi tiêu và tạo ra ảnh hưởng tích cực tới nền kinh tế.
Còn trong dài hạn cần tập trung phát triển kinh tế số, thúc đẩy mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào công nghệ số, đổi mới sáng tạo.
Xin cảm ơn ông!