Quan chức NHTW Nhật cảnh báo việc sớm rút khỏi chính sách nới lỏng
Ông Goushi Kataoka - Thành viên mới nhất trong Hội đồng chính sách của BOJ |
Ông cũng nói rằng, sự phối hợp chính sách giữa BOJ và Chính phủ Nhật là rất quan trọng trong việc xóa bỏ nhận thức của công chúng rằng giảm phát sẽ kéo dài, báo hiệu sự cần thiết phải có một sự kết hợp của các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ lớn hơn để “nâng cấp” tăng trưởng.
“Để thay đổi kỳ vọng lạm phát, điều cần thiết là sự phối hợp chính sách giữa chính phủ và BOJ... phải được đảm bảo vững chắc thông qua hành động của cả hai”, ông nói trong một bài phát biểu trước các nhà lãnh đạo kinh doanh ở Okayama, phía tây Nhật Bản.
Kể từ khi tham gia hội đồng chính sách của BOJ vào tháng 7 năm ngoái, Kataoka luôn là người không đồng ý với quyết định của BOJ về việc duy trì chính sách tiền tệ ổn định và kêu gọi BOJ tăng cường các gói kích thích để đạt được mục tiêu lạm phát.
Kataoka cũng lặp lại lời kêu gọi của mình là BOJ cần tăng cường hỗ trợ tiền tệ bằng cách tìm cách tiếp tục kéo giảm chi phí vay 10 năm hoặc dài hơn, lập luận rằng bước đi như vậy sẽ thúc đẩy chi tiêu vốn và giúp tài trợ cho chi tiêu của Chính phủ.
“Bằng cách thể hiện cam kết mạnh mẽ của BOJ để đạt được mục tiêu lạm phát, chúng ta có thể nâng cao kỳ vọng lạm phát”, ông nói.
Với việc lạm phát tại Nhật vẫn cách xa mục tiêu 2% của mình, sẽ là quá sớm để BOJ cân nhắc đi theo bước chân của các NHTW Mỹ và các nước châu Âu trong việc thu lại các gói kích cầu.
“Tôi tin rằng, ở Nhật Bản, vẫn còn một chặng đường dài để đi trước khi xem xét một sự thay đổi trong lập trường chính sách tiền tệ”, Kataoka - một cựu chuyên gia kinh tế tư nhân nói. “Cải thiện lạm phát là không đủ. Nếu định hướng chính sách tiền tệ bị thay đổi mà không xem xét kỹ lưỡng tình huống này thì sẽ có nguy cơ Nhật Bản có thể quay trở lại với tình trạng giảm phát”.
Các bình luận của Kataoka đối lập với khá nhiều thành viên khác trong Hội đồng chính sách của BOJ, những người đã báo hiệu bước tiếp theo của BOJ nên quay lưng lại kích cầu do chi phí nới lỏng kéo dài tăng cao.
Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda nói với Quốc hội vào hôm thứ Năm rằng, kỳ vọng lạm phát “đang tăng lên một chút”, tín hiệu cho thấy kỳ vọng sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ sẽ đẩy lạm phát đi lên.
Nhưng ông cũng thừa nhận rằng tốc độ tăng lương và giá cả vẫn thấp một cách đáng thất vọng, phản ánh suy nghĩ giảm phát vẫn đang dai dẳng tại Nhật và nhấn mạnh quan điểm của BOJ rằng họ sẽ duy trì chương trình kích thích của mình trong thời gian này.
Mặc dù Kataoka không có đủ số phiếu để ảnh hưởng đến quyết định của BOJ, song quan điểm của ông cũng nhấn mạnh tình trạng tiến thoái lưỡng nan mà BOJ đang phải đối mặt trong nỗ lực đạt được mục tiêu lạm phát với một bộ công cụ chính sách khá hạn hẹp.
Quan điểm của ông sẽ có sức nặng lớn hơn với sự tham gia của người có cùng chí hướng Masazumi Wakatabe, vốn được biết đến như là một người ủng hộ chính sách nới lỏng khủng khi còn là Phó thống đốc BOJ hồi tháng 3.
Được biết, sau ba năm in tiền khổng lồ mà không thể thúc đẩy được lạm phát, BOJ đã sửa lại khung chính sách của mình vào năm 2016, chuyển sang mục tiêu kiểm soát lãi suất thay vì tốc độ mua tài sản.
Theo chính sách hiện hành, BOJ duy trì lãi suất ngắn ở mức -0,1% và giữ lợi suất trái phiếu 10 năm khoảng 0%.
BOJ cũng có một cam kết lỏng lẻo trong việc mua trái phiếu Chính phủ với tốc độ hàng năm là 80 nghìn tỷ yen (749 tỷ đô la). Nhưng cam kết này đã trở nên lỗi thời với việc mua trên thực tế đã chậm lại chỉ vào khoảng 50 nghìn tỷ yên/năm, mà một số nhà phân tích mô tả là “nới lỏng lén lút”.
Kataoka nói rằng cam kết mua trái phiếu hiện “chỉ là một sự tham khảo” với chính sách nhắm vào lãi suất của BOJ. “Nhưng chúng ta có thể phải đối mặt với các hoàn cảnh khác nhau, vì vậy tôi thấy không cần thiết phải xoá bỏ ngay bây giờ”, ông nói.