Quản lý kỳ vọng: Lạm phát và chính sách tiền tệ
Quản lý tốt kỳ vọng lạm phát giúp nền kinh tế hạ cánh mềm |
Tham dự buổi thuyết trình, về phía Việt Nam có đại diện các Vụ, Cục liên quan của NHNN; các đại biểu đến từ các Bộ, ngành như Bộ Tài chính, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Về phía IMF, tham dự sự kiện có chuyên gia đến từ Vụ Nghiên cứu và Văn phòng Đại diện Thường trú của IMF tại Việt Nam.
Trước đó vào ngày 10/10/2023, IMF đã công bố Báo cáo WEO với chủ đề “Khám phá sự khác biệt toàn cầu” đánh giá, cập nhật về diễn biến và triển vọng kinh tế của các nước và các khu vực trên thế giới.
Phát biểu khai mạc, ông Phạm Chí Quang – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, Báo cáo WEO là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích đối với các cơ quan hoạch định và điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của các nước, cung cấp bức tranh toàn diện về tăng trưởng, lạm phát, thương mại, điều kiện tiền tệ, tài chính, và các rủi ro liên quan từ đó gợi mở hàm ý chính sách.
Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ hoan nghênh và cảm ơn IMF đã tổ chức buổi thuyết trình nội dung “Quản lý kỳ vọng: Lạm phát và chính sách tiền tệ” thuộc Chương 2 của Báo cáo, đồng thời đề nghị các đại biểu tham dự tích cực thảo luận kết quả nghiên cứu được chuyên gia IMF báo cáo, trên cơ sở đó có thể tham khảo, vận dụng vào công tác tham mưu, hoạch định chính sách tại các bộ, ban, ngành, phù hợp với đặc thù và thực tế của Việt Nam.
Bà Silvia Albrizio báo cáo tại buổi thuyết trình |
Tại buổi thuyết trình, bà Silvia Albrizio, chuyên gia Vụ Nghiên cứu IMF, thành viên nhóm xây dựng Báo cáo WEO, đã trình bày tóm tắt diễn biến gần đây về lạm phát và kỳ vọng lạm phát ở các nền kinh tế, các tác nhân và xu hướng về lạm phát (ngắn và dài hạn), cũng như mức độ neo giữ kỳ vọng lạm phát.
Trong các yếu tố thúc đẩy lạm phát, kỳ vọng lạm phát ngắn hạn ngày càng là yếu tố quan trọng |
Bằng cách sử dụng phương pháp nghiên cứu kết hợp thực nghiệm và mô hình hóa, chuyên gia IMF đã phân tích nguyên nhân và vai trò tác động của kỳ vọng lạm phát vào tỷ lệ lạm phát gần đây và phân tích quá trình hình thành kỳ vọng lạm phát có thể ảnh hưởng như thế nào đến hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ của các nước và ngược lại.
Trong khuôn khổ buổi hội thảo, chuyên gia IMF cũng cập nhật dự báo của IMF, theo đó tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ chậm lại từ 3,5% năm 2022 xuống còn 3,0% vào năm 2023 và 2,9% vào năm 2024. So với dự báo hồi tháng 7/2023, IMF đã điều chỉnh giảm 0,1 điểm phần trăm đối với dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2024. Trong khi đó, dự báo lạm phát toàn cầu năm 2023 và năm 2024 được IMF điều chỉnh tăng tương ứng 0,1 điểm phần trăm và 0,6 điểm phần trăm, lần lượt lên mức 6,9% và 5,8%.
Theo khuyến nghị của IMF, các nước cần giám sát những thay đổi trong quá trình hình thành kỳ vọng lạm phát để điều chỉnh chính sách tiền tệ phù hợp và thích ứng kịp thời với quá trình này. Đồng thời, việc cải thiện khuôn khổ và hiệu lực điều hành chính sách kinh tế vĩ mô (chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa) cần được kết hợp chặt chẽ với định hướng và truyền thông chính sách để góp phần quản lý tốt hơn kỳ vọng lạm phát.