Quản lý Nhà nước: Tiền đề cho kinh tế tư nhân phát triển
Từ vị trí quan trọng đến động lực quan trọng
Xuất phát điểm của Đề án này là do khu vực kinh tế tư nhân vẫn chưa thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế và vẫn còn nhiều hạn chế. “Điều này có một phần nguyên nhân xuất phát từ chính hạn chế, yếu kém của cơ chế, phương thức quản lý Nhà nước về kinh tế, đặc biệt trong phát triển kinh tế tư nhân”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ông cho biết, thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII, trong Chương trình hành động của Chính phủ (tại Nghị quyết số 98/NQ-CP), Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án này.
Vị thế của kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định |
Qua gần 35 năm đổi mới, Đảng ta đã ban hành nhiều Nghị quyết thừa nhận và khẳng định vai trò và vị thế của kinh tế tư nhân, từ "có vị trí quan trọng lâu dài" (Đại hội IX) đến “có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế” (Đại hội X và XI) và “là một động lực quan trọng của nền kinh tế” (Đại hội XII và Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII). Theo đó, hàng loạt những quyết sách lớn của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân đã được ban hành và triển khai thực hiện. Vị thế của kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định và thể hiện rõ nét thông qua những đóng góp vào phát triển kinh tế, xã hội, đóng góp tới 42-43% GDP. Kinh tế tư nhân tạo việc làm cho 85% lực lượng lao động của nền kinh tế. Kinh tế tư nhân góp phần quan trọng trong việc huy động nguồn lực cho phát triển và đầu tư cho sản xuất kinh doanh, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thay đổi “diện mạo” đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; hình thành nhiều thương hiệu có tính cạnh tranh khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn hạn chế ở nhiều mặt và chưa thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có một số biểu hiện cho thấy thực trạng này. Đó là năng suất và tốc độ tăng năng suất của khu vực kinh tế tư nhân còn thấp và có nhiều hạn chế. Theo số liệu thống kê, năng suất lao động bình quân của khu vực doanh nghiệp tư nhân chỉ bằng khoảng 34% năng suất lao động của khu vực DNNN và khoảng 69% năng suất lao động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Đó là năng lực khoa học công nghệ của các doanh nghiệp còn hạn chế, có nơi còn lạc hậu. Doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư cho ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ tiên phong. Hiện tại, chỉ có 10% số doanh nghiệp đã từng đăng ký, hoặc đăng ký thành công 1 bằng sáng chế trong vòng 3 năm liên tiếp; đầu tư của doanh nghiệp cho đổi mới công nghệ chỉ chiếm khoảng 0,3% doanh thu, thấp hơn nhiều so với các nước như Ấn Độ (5%), Hàn Quốc (10%); chỉ có khoảng 10,2% doanh nghiệp có đầu tư vào một số hoạt động nghiên cứu triển khai (R&D).
Đó là trình độ quản trị doanh nghiệp còn thấp. Theo báo cáo thẻ điểm quản trị công ty ASEAN, các doanh nghiệp nước ta có điểm về quản trị ở mức thấp nhất trong 6 quốc gia. Và tính liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu. Các doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng cải thiện khả năng liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Hiện chỉ có khoảng 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia được một phần chuỗi giá trị toàn cầu, 14% thành công trong việc liên kết với đối tác nước ngoài, trong khi số doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam là rất nhiều.
Đối mặt với cạnh tranh gay gắt
Trăn trở với khu vực kinh tế tư nhân và đề án này, bà Phạm Chi Lan cho rằng, trước hết phải làm rõ khái niệm về khu vực kinh tế tư nhân, khu vực này có hộ gia đình không, có bao gồm khu vực FDI hay không... Để chính sách đúng và hiệu quả thì chính sách cần thiết kế cho từng nhóm. Doanh nghiệp lớn đang rất cần phát triển lên một giai đoạn mới đi vào sáng tạo trong dòng chảy CMCN 4.0. Doanh nghiệp vừa thì cần công nghiệp phụ trợ để đi lên và lớn lên. Nhưng doanh nghiệp nhỏ lại khác. “Đưa ra khuôn khổ chung thì không trúng và khu vực lớn sẽ ngốn hết nguồn lực”, bà Phạm Chi Lan nói.
Để có chính sách phù hợp cho kinh tế tư nhân phát triển, vị chuyên gia này lưu ý phải nhìn vào những vấn đề chính của khu vực tư nhân. Đó là quy mô nhỏ, thiếu nguồn lực cần thiết, năng suất thấp. Thêm vào đó, các khu vực kinh tế chưa có sự gắn kết để cùng phát triển.
*
* *
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là một Đề án rất lớn và đã được Chính phủ đánh giá cao. Nhưng Bộ trưởng cũng thổ lộ: “Tôi rất sốt ruột” và nêu vấn đề “Làm thế nào khơi thông, giải phóng điểm nghẽn, nguồn lực, làm thế nào để doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, để nhà đầu tư yên tâm đầu tư?”, Bộ trưởng phát biểu
Muốn trả lời những câu hỏi đó, chúng ta thay đổi để kiến tạo cho doanh nghiệp phát triển.
Theo Đề án này, đổi mới quản lý Nhà nước với kinh tế tư nhân theo hướng xác định đúng vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, thúc đẩy tham gia doanh nghiệp trong đầu tư, cung cấp dịch vụ hành chính công; giảm can thiệp hành chính sâu vào quản trị nội bộ doanh nghiệp; phi hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự. Trọng tâm của việc đổi mới này là nâng cao chất lượng thể chế theo nguyên tắc phát triển thị trường, phù hợp nguyên tắc và thông lệ quốc tế tốt; giảm rủi ro; thúc đẩy cạnh tranh và sử dụng công cụ thị trường trong phân bổ nguồn lực; áp dụng nguyên tắc rủi ro trong công tác thanh tra, kiểm tra nhằm giảm chi phí, phiền hà cho doanh nghiệp.
Cũng góp ý cho Đề án này, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng nói lên suy nghĩ chung của nhiều doanh nghiệp, đó là quản lý Nhà nước phải có tư duy mới và phải thực hiện hiệu quả.
Bà Phạm Chi Lan thì bày tỏ: “Tư duy mà không dẫn tới hành động, không thấm xuống bên dưới để biến thành hành động thì không thể thành công được”.
Theo Đề án, đến năm 2030, đổi mới căn bản và toàn diện phương thức quản lý nhà nước theo hướng Chính phủ số, chuyển từ kiểm soát sang kiến tạo; từ can thiệp trực tiếp sang gián tiếp; từ tiền kiểm sang giám sát theo nguyên tắc quản lý rủi ro; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; phù hợp với nguyên tắc và thông lệ quốc tế. |