Quản lý rượu, bia: Tăng thuế không giải quyết tất cả
Ảnh minh họa |
Các DN lớn trong ngành vừa một lần nữa phản ánh những khó khăn, tác động không nhỏ đến thị trường, khả năng cạnh tranh với DN nước ngoài, khả năng bị thâu tóm… nếu thuế TTĐB vẫn áp như quy định. Theo lộ trình thì thuế suất thuế TTĐB của rượu, bia sẽ tăng từ 50% lên 55% từ 1/1/2016, lên 60% từ 1/1/2017 và lên 65% vào năm 2018.
Từ 1/1/2016, thuế suất 55% đã chính thức có hiệu lực. Bên cạnh đó, Nghị định 108 và Thông tư 195 hướng dẫn thi hành Luật Thuế TTĐB vừa ra đời cuối năm 2015 với các thay đổi về giá tính thuế TTĐB với rượu, bia sản xuất trong nước và nhập khẩu khiến DN gặp rất nhiều khó khăn.
Theo TS. Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội bia, rượu, nước giải khát Việt Nam: Nghị định 108 và Thông tư 195 quy định thời gian áp dụng quá gấp, không đủ để các DN ngành đồ uống có thể xoay xở kịp.
Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của DN, đồng thời ảnh hưởng đến tính ổn định của chính sách và môi trường đầu tư. Một số vấn đề mà các DN nêu lên với cơ quan quản lý là quy định giá bán trong nội bộ các DN cùng công ty mẹ, hoặc giữa công ty mẹ với công ty con; và quy định về giá bán ra thị trường để tính thuế…
Cụ thể, theo kiến nghị của các công ty bia, rượu thì với quy định hiện hành, các công ty sản xuất và kinh doanh không được quyền quy định giá bán lẻ cho khách hàng và giá bán của nhà phân phối, nên không thể xác định được giá thị trường cũng như giá bán ra của cơ sở thương mại độc lập.
Trong khi đó, quy định giá tính thuế của cơ sở sản xuất không được thấp hơn 7% giá bán bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại lại vô hình yêu cầu nhà sản xuất phải kiểm soát giá bán của cơ sở thương mại - điều mà Luật Cạnh tranh cấm.
Tổng giám đốc Tổng công ty Bia - Rượu - NGK Hà Nội (Habeco), ông Nguyễn Hồng Linh giải thích thêm, quy định giá tính thuế không thấp hơn 7% so với giá bán bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra là chưa hợp lý, do các cơ sở thương mại trên thực tế không phải là các công ty con nên cơ sở sản xuất sẽ không thể kiểm soát được giá bán của các công ty này.
Hơn nữa, giá bán phụ thuộc vào cung cầu trên thị trường. Nhất là mặt hàng bia là mặt hàng luôn bị chi phối bởi yếu tố thời tiết, thời vụ… Khi áp mức chênh lệch 7% như quy định hiện nay, thì các DN này sẽ không thể đảm bảo được việc bù đắp các chi phí kể trên, dẫn đến việc giảm sút doanh thu và ngân sách đóng góp cho Nhà nước.
Phía các DN cũng cho rằng, việc áp quy định mức chênh lệch giá này sẽ tạo ra một thủ tục hành chính phức tạp cho các DN trong việc tuân thủ thực hiện, cũng như cho cơ quan thuế trong việc thực thi. Hơn nữa, điều này sẽ dẫn đến việc các DN gặp nhiều rủi ro về thanh tra thuế, bị áp giá tính thuế, truy thu thuế…
Khó khăn nữa trong vấn đề thực hiện tăng thuế TTĐB chính là việc các quy định không làm rõ mối quan hệ công ty mẹ - ty con và giữa công ty con của công ty con trong cùng hệ thống lưu thông.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế Việt Nam, quy định giá tính thuế TTĐB trong trường hợp cơ sở sản xuất mặt hàng chịu thuế TTĐB bán hàng qua các công ty con, hoặc bán hàng qua công ty con khác trong cùng công ty mẹ, thì giá lấy giá do các công ty con bán ra thị trường làm căn cứ tính thuế TTĐB là chưa phù hợp. Bởi giá tính thuế TTĐB đối với hàng hoá sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra, không phải là do đơn vị kinh doanh thương mại bán ra.
Bà Cúc cũng cho rằng, để chống tránh thuế qua giá bán nội bộ và phù hợp với thuế TTĐB, nên sửa đổi theo hướng lấy giá bán thị trường làm gốc có tính đến yếu tố lãi gộp, chi phí cho khâu lưu thông của các đơn vị kinh doanh thương mại để có mức quy định giá tính thuế phù hợp. Trường hợp giá bán giữa các đơn vị mẹ, con thấp hơn giá bán thị trường thì cơ quan thuế có quyền ấn định giá tính thuế TTĐB theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, để chống được tác hại của rượu, bia và thuốc lá - những mặt hàng hiện đang chịu thuế TTĐB - không chỉ tăng thuế là giải quyết được tất cả. Nếu tăng thuế lên rất cao mà công tác chống buôn lậu không tốt thì Việt Nam sẽ trở thành một vùng trũng làm gia tăng buôn lậu. Vì thế, tăng thuế cần đi liền với nhiều giải pháp khác.