Quán triệt, triển khai công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực và Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở
Dự Hội nghị tại điểm cầu Đảng ủy cơ quan Ngân hàng trung ương (NHTW) có đồng chí Lê Thị Mai Hương - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy cơ quan NHTW; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ Cơ quan NHTW, các cấp ủy trực thuộc Đảng ủy cơ quan NHTW, lãnh đạo chủ chốt các vụ, cục, đơn vị;…
Tại Hội nghị, TS. Nguyễn Xuân Trường - Vụ trưởng Vụ Địa phương I, Ban Nội chính Trung ương trình bày chuyên đề công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và giáo dục liêm chính; đồng chí Đặng Hữu Ngọ, Vụ trưởng Vụ Dân vận các cơ quan nhà nước, Ban Dân vận Trung ương quán triệt, triển khai Luật số 10/2022/QH15 ngày 10/11/2022 của Quốc hội: Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Đồng chí Nguyễn Văn Thể - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương phát biểu kết luận Hội nghị |
Theo nội dung thông tin chuyên đề trình bày tại Hội nghị, trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả hơn. Việc phòng, chống tham những, tiêu cực được tiến hành gắn với công tác cán bộ với phương châm “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ", vừa giữ nghiêm kỷ cương, vừa thể hiện rõ nét tính nhân văn, để lại dấu ấn tích cực, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.
Đảng ta xác định nhiệm vụ: "Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của Nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính".
Hơn lúc nào hết, các cấp ủy Đảng cần phải hết sức coi trọng giáo dục tinh thần liêm, chính cho cán bộ, đảng viên. Trong điều kiện lịch sử mới, mở cửa và phát triển kinh tế thị trường, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ có chức, có quyền, luôn đứng trước những cám dỗ, đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo phải luôn giữ mình liêm, chính.
TS. Nguyễn Xuân Trường nhấn mạnh, phải cảnh giác như "đi trên băng mỏng", như "đứng trước vực sâu" mới có thể vượt qua sự trói buộc của công danh, lợi lộc, để không hành động vì quyền lực, không bị ham muốn dụ dỗ. Không để “hơi lạnh” của đồng tiền truyền qua người, mãi mãi không bao giờ bị vật chất đánh bại.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Đảng ủy Cơ quan NHTW |
Cùng với đó, trách nhiệm của các tổ chức đảng là rất lớn lao trong việc xây dựng văn hóa trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước để giáo dục liêm chính cho cán bộ, đảng viên đạt hiệu quả cao trong tình hình hiện nay.
Quán triệt, triển khai Luật số 10/2022/QH15 ngày 10/11/2022 của Quốc hội về thực hiện dân chủ ở cơ sở. đồng chí Đặng Hữu Ngọ - Vụ trưởng Vụ Dân vận các cơ quan nhà nước, Ban Dân vận Trung ương cho biết: Thực hành dân chủ ở cơ sở là trong những nội dung quan trọng trong công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 10/11/2022. Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở là nền tảng thực tiễn quan trọng để Đảng và Nhà nước hoàn thiện đường lối, chính sách, pháp luật về dân chủ nói chung, dân chủ ở cơ sở nói riêng, từ đó góp phần hoàn thiện các thiết chế về dân chủ, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân và vì dân.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Đảng ủy Cơ quan NHTW |
Việc thực hiện pháp luật về dân chủ trên tất cả các lĩnh vực diễn ra ở cơ sở không chỉ giúp cho pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, Nhân dân tự mình làm chủ trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội mà còn là nơi giám sát và phản ánh chất lượng, tính khoa học, khả thi, gần dân đối với các đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta.
Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở và pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở vừa là điều kiện, vừa là yêu cầu nhằm kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở; bảo đảm và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tốt hơn. Việc thực hiện dân chủ luôn nhằm tới “tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".
Đồng thời, việc thực hiện phòng chống, tham nhũng, tiêu cực, giáo dục liêm chính, thực hiện dân chủ ở cơ sở phải gắn kết chặt chẽ với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thể - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối nhấn mạnh: Trong thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương đã tăng cường chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi và xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" và tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực một cách quyết liệt.
Do đó, các cấp ủy trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương cần phải tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền sâu rộng các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, quy định của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, về sự nguy hại của tham nhũng, tiêu cực; thúc đẩy sự tự giác, thống nhất cao về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nêu cao tinh thần gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiên trì, thường xuyên giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết, trung thực, xây dựng văn hóa, tiết kiệm, chống lãng phí trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động.
Đồng chí Nguyễn Văn Thể khẳng định, thực hiện và phát huy dân chủ ở cơ sở, cụ thể hóa đầy đủ phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Việc thực hành dân chủ ở cơ sở cũng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thực hành phòng, chống tham nhũng tiêu cực, giúp công tác này đi vào thực chất, quyết liệt và hiệu quả hơn.
Trên cơ sở các nội dung quán triệt tại Hội nghị, Nguyễn Văn Thể - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối đề nghị:
Thứ nhất, các cấp ủy tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ quán triệt, thông tin đầy đủ đến cán bộ, đảng viên nhằm giúp cán bộ, đảng viên nắm bắt kịp thời, hiểu đúng, đầy đủ và tham gia thực hiện hiệu quả Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; giáo dục liêm chính, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quy định về phòng ngừa tham nhũng; thực hiện nghiêm việc công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; công khai, minh bạch về tài chính, tài sản cơ quan hằng năm theo đúng quy định.
Thứ hai, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức đảng, đảng viên trong việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; đề cao trách nhiệm của cấp ủy đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tính tiên phong gương mẫu và quyết tâm chính trị cao của tổ chức đảng và đảng viên trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng văn hóa công vụ đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức người lao động, trong đó tập trung vào giáo dục liêm chính góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, đảng viên, người lao động, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động vừa hồng, vừa chuyên, xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh.
Thứ ba, thực hiện phòng chống, tham nhũng, tiêu cực, giáo dục liêm chính, thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, của cá nhân cán bộ, đảng viên; thực hiện "tự soi", "tự sửa" thường xuyên; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt với phương châm "lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực", "lấy cái đẹp dẹp cái xấu"; tập trung các giải pháp phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.