Quảng Ngãi gỡ vướng cho các dự án thủy điện
Cũng như nhiều địa phương khác trong khu vực miền Trung, tỉnh Quảng Ngãi có nhiều tiềm năng phát triển thủy điện nhỏ và vừa. Bên cạnh những tiềm năng sẵn có, địa phương cũng rất quan tâm kêu gọi đầu tư, hỗ trợ cho các dự án thuỷ điện hoạt động ổn định… Song trên thực tế, hiện nhiều dự án thủy điện trên địa bàn vẫn còn gặp những khó khăn cả về khách quan lẫn chủ quan.
Theo báo cáo của Sở Công Thương Quảng Ngãi, trên địa bàn tỉnh hiện có 33 dự án thủy điện, với tổng công suất hơn 667 MW. Trong đó, 16 dự án đã vận hành, 7 dự án đã đi vào vận hành nhưng gặp vướng mắc về thủ tục giao đất, cho thuê đất.
Các nhà máy thủy điện ở địa phương trung bình hằng năm cung cấp lên lưới điện quốc gia khoảng 1,5 tỷ KWh, góp phần trong việc cung cấp nguồn năng lượng ổn định và giá rẻ lên hệ thống điện quốc gia. Trong năm 2023, các nhà máy thủy điện đóng góp vào ngân sách địa phương khoảng 320 tỷ đồng. Trong đó, Nhà máy Thủy điện Đăk Đrinh 110 tỷ đồng, Nhà máy Thủy điện Sơn Trà 90 tỷ đồng…
Trong khi đó, đối với 10 dự án thủy điện đang và chuẩn bị thi công, có 2 dự án sắp hoàn thành, phát điện (Sông Liên 1, Thạch Nham), 5 dự án đang triển khai thi công xây dựng (Trà Phong, Ba Vì, Sông Liên 2, Long Sơn, Sơn Nham) và 3 dự án chưa triển khai thi công (Tây Trà, Trà Khúc 2, Đak Đrinh 2).
Thủy điện Đăk Ba có công suất lắp máy 30MW, điện năng trung bình năm 100,43 triệu kWh, nằm trên địa bàn huyện Sơn Tây. |
Dù đang có nhiều đóng góp vào ngân sách địa phương, song như đã nói ở trên, hoạt động của nhiều dự án thuỷ điện ở Quảng Ngãi vẫn đang gặp khó khăn, vướng mắc cần sớm có giải pháp tháo gỡ triệt để. Trong đó, nổi lên tình trạng nhiều dự án thủy điện gặp khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; năng lực của một số chủ đầu tư còn hạn chế; khó khăn khi đấu nối vào lưới điện quốc gia; hạ tầng giao thông tiếp cận vị trí tiềm năng công trình thủy điện chưa thuận lợi; phương án khai thác dự án ảnh hưởng lớn đến diện tích rừng, đất sản xuất của người dân...
Trong những khó khăn trên, nhiều dự án thuỷ điện tại Quảng Ngãi đã vướng vào những rắc rối về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Có dự án thủy điện tại Quảng Ngãi đi vào vận hành thương mại nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành thủ tục, hồ sơ về đất đai. Trong đó, có thể kể đến trường hợp dự án thủy điện Đăk Đrinh tại huyện Sơn Tây, công suất 125MW, đã đi vào hoạt động thương mại song những tồn tại, bất cập trong bồi thường, giải phóng mặt bặng tại dự án vẫn tồn tại dai dẳng, kéo dài. Tại dự án, dù đã giao đất cho dự án nhưng đến nay nhiều hộ dân vẫn chưa nhận được bồi thường, hỗ trợ… Những tồn tại, bất cập trong bồi thường, giải phóng mặt bằng tại dự án này đã khiến một số cán bộ, lãnh đạo huyện Sơn Tây vướng vào vòng lao lý.
Thủy điện Đăk Đrinh gặp những khó khăn về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. |
Bên cạnh các sai phạm liên quan về thủ tục đất đai, nhiều dự án thủy điện còn để xảy ra các sai phạm khiến dư luận bức xúc. Thậm chí, có dự án chủ đầu tư tiến hành khởi công nhưng vẫn chưa hoàn thành thủ tục, chưa được cơ quan chức năng cho phép.
Dư luận ở Quảng Ngãi từng xôn xao trước thông tin dự án thủy điện Sơn Nham, huyện Sơn Hà được khởi công nhưng chủ đầu tư dự án lại… không hay biết. Đó là trường hợp Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư bất động sản và Quản lý dự án INCO giả mạo chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng thủy điện Sơn Linh để khởi công dự án thủy điện Sơn Nham. Ngay sau khi phát hiện sự việc, UBND huyện Sơn Hà đã kịp thời ngăn chặn việc tổ chức lễ khởi công “chui” dự án này.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc các dự án thủy điện trên địa bàn Quảng Ngãi còn gặp những khó khăn, vướng mắc là do một số doanh nghiệp không rõ về thủ tục, nôn nóng về triển khai dự án. Một số dự án triển khai trong thời điểm xảy ra dịch Covid-19,… nên các tồn tại không được giải quyết thấu đáo, kịp thời. Bên cạnh đó, có trường hợp chủ đầu tư dự án thủy điện chưa thật sự chủ động phối hợp với các địa phương, sở, ban, ngành có liên quan để giải quyết các vướng mắc. Bởi vậy, kết quả giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các dự án thủy điện trên địa bàn có tiến triển nhưng chưa được giải quyết triệt để.
Dư luận ở Quảng Ngãi từng xôn xao trước vụ việc dự án thủy điện Sơn Nham, huyện Sơn Hà được khởi công nhưng chủ đầu tư dự án lại… không hay biết. |
Với tinh thần chính quyền địa phương luôn hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để các nhà đầu tư sớm đưa các nhà máy thủy điện hoạt động, được biết đối với các dự án dự kiến hoàn thành, vận hành trong năm 2024 gồm: Thủy điện Sông Liên 1, thủy điện Thạch Nham, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu các Sở Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện: Tư Nghĩa, Sơn Hà, Ba Tơ và các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục, đưa dự án vào vận hành đúng thời gian quy định.
Mới đây, tại cuộc họp tìm giải pháp gỡ vướng cho các dự án thuỷ điện trên địa bàn, ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu các sở, ngành và địa phương liên quan tập trung hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết các vướng mắc; tiếp tục đồng hành, hướng dẫn nhà đầu tư các thủ tục pháp lý để sớm hoàn thiện hồ sơ dự án theo đúng quy định pháp luật. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, các tồn tại, vướng mắc này chủ yếu xuất phát từ phía chủ đầu tư. Bởi vậy, các chủ đầu tư cần tích cực chủ động phối hợp với địa phương và cơ quan chức năng để sớm giải quyết các vướng mắc và hoàn thiện những thủ tục pháp lý liên quan, bảo dảm an toàn chất lượng công trình, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, cũng như an toàn đối với người dân trong vùng có dự án.