Quảng Trị thiệt hại nặng nề do mưa bão
Theo báo cáo nhanh, từ ngày 6/10/2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có mưa to đến rất to gây ngập lụt diện rộng ở vùng đồng bằng, đô thị; sạt lở đất nghiêm trọng vùng đồi núi; 118/125 xã, phường, thị trấn. Trong đó, có hơn 60 xã, phường bị ngập sâu; khoảng gần 44.000 hộ với trên 134.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng nghiêm trọng; thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Tính đến sáng 20/10/2020, Quảng Trị có 49 người chết, 8 người chưa tìm thấy, 25 người bị thương. Đến nay, vẫn còn nhiều tài sản của người dân và công trình công cộng đang bị ngập nước chưa thể kiểm tra, thống kê thiệt hại. Hiện tỉnh Quảng Trị đang tập trung huy động tất cả các nguồn lực, lực lượng để ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai…
Bão lũ liên hoàn khiến người dân miền Trung chìm trong khốn khó |
Còn theo báo cáo của UBND huyện Cam Lộ, một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng về bão lũ, từ ngày 8/10/2020 đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra 4 đợt ngập lụt đặc biệt nghiêm trọng trên diện rộng. Chính quyền và các lực lượng chức năng của huyện đã thực hiện di dời, sơ tán trên 3.000 hộ dân đến nơi an toàn. Có hơn 10.600 hộ dân bị ngập, có những nơi ngập sâu đến mái nhà, có hộ bị ngập đến lần thứ 4; nhiều diện tích hoa màu bị hư hại nặng; nhiều vật nuôi bị nước lũ cuốn trôi; nhiều tuyến đường bị sạt lở, hư hỏng nặng với ước tính thiệt hại trên 68,4 tỷ đồng.
Tương tự, trên địa bàn huyện Gio Linh, hiện có 7 xã bị thiệt hại nặng do lũ. Trong đó, nặng nhất là ở xã Trung Hải, Gio Quang, Gio Mai, Gio Mỹ... Diện tích hoa màu bị hư hỏng là 114,2 ha; diện tích nuôi tôm, cá bị ngập, bị cuốn trôi lần lượt là 98,7 ha và 89,1 ha. Về giao thông, thủy lợi, có 1.842m đê, kè bị sạt lở, hư hỏng; 2.930m đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng; 2.260m kênh tưới bằng bê tông bị sập, hư hỏng...
Trước tình hình thiệt hại do lũ lụt gây ra, chính quyền huyện Giao Linh chủ động khắc phục những thiệt hại, giúp người dân ổn định cuộc sống theo phương châm "4 tại chỗ"; Huy động các lực lượng sơ tán dân các vùng ngập sâu đến nơi an toàn; Tổ chức khắc phục cho các hộ dân bị tốc mái đảm bảo cuộc sống. Đồng thời, hỗ trợ các hộ gia đình gặp khó khăn về lương thực, thực phẩm, nước uống… Tổng kinh phí thiệt hại ước tính đến thời điểm này trên 36 tỷ đồng.
Trong đợt lũ lần này, toàn tỉnh có trên 1.300 phòng học, phòng chức năng công vụ, nhà ở tập thể, nhà bán trú cho học sinh, giáo viên bị ngập lụt. Trong đó, có 319 phòng bị thiệt hại. Nhiều thiết bị dạy học, đồ dùng học tập cũng như bàn, ghế, hệ thống bếp trường mầm non… cũng bị hư hỏng nặng. Đặc biệt, mưa lớn gây sạt lở làm sụp đổ dãy nhà nội trú của học sinh trường THCS bán trú Húc, xã Húc (huyện Hướng Hóa). Theo thống kê sơ bộ, tổng giá trị thiệt hại tài sản công toàn ngành giáo dục tỉnh lên đến hàng chục tỷ đồng.
Để tạo điều kiện cho học sinh trở lại trường sau lũ, công tác dạy và học đảm bảo chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh trường, lớp. Cùng với đó, nhanh chóng khắc phục những thiệt hại, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất trường, lớp để tổ chức dạy và học trở lại bình thường.
Ngành giao thông cũng đang tập trung tất cả nguồn lực khắc phục hậu quả mưa lũ khiến nhiều tuyến giao thông chính bị chia cắt do sạt lở, gây ách tắc giao thông. Mặc dù rất nỗ lực nhưng đến nay, nhiều tuyến đường tỉnh, giao thông nông thôn vẫn đang bị ngập lụt, sạt lở ảnh hưởng đến việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa cứu trợ cho người dân.
Ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đánh giá cao tinh thần chủ động và kịp thời của các địa phương cùng với lực lượng chức năng trong công tác ứng phó và khắc phục hậu quả; tổ chức đưa người dân đến nơi an toàn; thực hiện tốt công tác hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước sạch cho người dân, đảm bảo cho người dân không thiếu ăn, thiếu nước sạch.
Ông Nam nhấn mạnh, trong những ngày tới, miền Trung tiếp tục chịu ảnh hưởng của bão số 8, do đó tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, ưu tiên trước nhất chính là đảm bảo an toàn cho nhân dân, thực hiện việc di dân một cách khẩn trương. Trong đó, ưu tiên đối với người già, trẻ em và những người yếu thế; cử các lực lượng chốt chặn tại các điểm bị ngập sâu không cho người dân và các phương tiện qua lại để đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của nhân dân. Chuẩn bị đầy đủ lương thực và các nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân tại các điểm di dân tập trung, những vùng bị chia cắt đảm bảo không để người dân chịu đói, chịu khát.
Chính quyền địa phương, đơn vị theo sát các diễn biến thời tiết, tăng cường tuyên truyền, thông báo cho người dân biết, nắm bắt thông tin và nâng cao tinh thần chủ động, sẵn sàng đối phó với những diễn biến bất thường của thời tiết. Tiếp tục tổ chức hiệu quả công tác khắc phục thiệt hại do lũ lụt, tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân ổn định cuộc sống, tổ chức lại sản xuất và đảm bảo vệ sinh môi trường, không để dịch bệnh xảy ra.