Quy định đấu thầu làm khó cơ sở khám bệnh tư nhân
Pháp luật hiện hành đã có các quy định, hướng dẫn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân áp dụng các hình thức mua sắm thuốc, vật tư y tế được thanh toán từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, trong Luật Đấu thầu 43/2013/QH13 cùng các văn bản pháp quy vẫn chưa bao quát hết tình huống phát sinh vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện đấu thầu, áp kết quả thầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân, thậm chí hạn chế, ép buộc, gây rào cản tiêu cực, khiến cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân luôn bị động và lệ thuộc kết quả trúng thầu thuốc, vật tư y tế tập trung, ảnh hưởng đến công tác khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở y tế tư nhân.
Tham gia ý kiến vào Hội thảo góp ý về Luật đấu thầu sửa đổi do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam và Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức, GS. TS. Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam chỉ ra 4 khó khăn lớn đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân.
Ảnh minh họa |
Như quy định được tham gia mua thuốc, vật tư y tế tập trung (cấp quốc gia, cấp địa phương, đàm phán giá) tại địa phương nơi đóng trụ sở. Thực tiễn trong nhiều năm qua cho thấy, hầu hết các các cơ sở y tế tư nhân chủ yếu có quy mô nhỏ, không đủ năng lực, kinh nghiệm để tự chủ động tổ chức đấu thầu thuốc, vật tư y tế, do vậy hàng năm, các đơn vị chủ yếu vẫn đang áp dụng giá trúng thầu thuốc, vật tư y tế tập trung do Sở Y tế địa phương tổ chức cho các cơ sở y tế công lập.
Tuy nhiên trong giai đoạn giao thầu hàng năm, không phải Sở Y tế các tỉnh, thành nào cũng hoàn thành việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế theo đúng quy định và kế hoạch được cấp có thẩm quyền chỉ đạo, mà luôn xảy ra tình trạng kéo dài việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế hoặc phải gia hạn thời gian sử dụng kết quả thầu thuốc, vật tư y tế của năm liền kề.
Chính điều này gây nên tình trạng thiếu, hết thuốc và vật tư y tế phục vụ bệnh nhân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở y tế và quyền lợi của bệnh nhân bảo hiểm y tế. Ngoài ra còn có trường hợp, các nhà thầu dù đã trúng thầu nhưng lấy lý do khách quan để không cung ứng đủ thuốc, vật tư y tế theo đúng cam kết, để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân.
Luật Đấu thầu, các văn bản hướng dẫn Luật Đấu thầu cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân tự tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, vật tư y tế song điều này khó thực hiện bởi hầu hết cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân có quy mô nhỏ, ít kinh nghiệm, không đủ năng lực để tổ chức đấu thầu thuốc, vật tư y tế. Vì vậy, hầu hết đều phụ thuộc vào kết quả mua thuốc, vật tư y tế tập trung của địa phương, kết quả mua thuốc, vật tư y tế tập trung cấp quốc gia, kết quả đàm phán giá hoặc kết quả trúng thầu của các cơ sở y tế công lập tuyến tỉnh trên cùng địa bàn.
Ngoài các quy định nêu trên, các cơ sở y tế tư nhân được áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp theo quy định tại Khoản 1 Điều 24 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13. Việc mua sắm thuốc trực tiếp chỉ được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân thực hiện khi mặt hàng thuốc, vật tư y tế đã được trúng thầu, và việc lựa chọn doanh nghiệp cung ứng thuốc, vật tư y tế phải đáp ứng các điều kiện: là mặt hàng có cùng hoạt chất, hàm lượng, đường dùng, dạng bào chế, tên thương mại, nhà sản xuất, nước sản xuất, số đăng ký... Tuy nhiên, do quy định không được áp thầu rộng rãi của các cơ sở y tế của các địa phương khác nên cơ quan bảo hiểm xã hội không thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế cho người bệnh bảo hiểm y tế và người bệnh buộc phải tự chi trả tiền thuốc, vật tư y tế bảo hiểm y tế do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân mua sắm trực tiếp.
Hơn nữa, theo quy định nhà thầu phải có thông báo công khai là không đủ năng lực cung cấp thuốc. Điều này nằm ngoài mong muốn của nhà thầu, bởi sẽ ảnh hưởng tới hồ sơ năng lực đấu thầu trong các gói thầu mới.
Một khó khăn khác của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân đến từ hạn chế của Điều 52 Luật Đấu thầu. Điều 52 hướng dẫn cơ sở y tế ngoài công lập chỉ được cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán chi phí mua thuốc, vật tư y tế từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân không chọn áp dụng quy định tham gia mua thuốc, vật tư y tế tập trung (cấp quốc gia, cấp địa phương, đàm phán giá) mà được quyền áp dụng kết quả thầu của các cơ sở y tế công lập tuyến tỉnh trên cùng địa bàn. Tuy nhiên, Điều 52 chưa bao quát và giải quyết hết những mâu thuẫn, phát sinh, bất cập của hệ thống y tế tư nhân khi thực hiện mua sắm thuốc, vật tư y tế phục vụ người bệnh.
Ví dụ trong trường hợp kết quả đấu thầu thuốc, vật tư y tế tập trung (cấp quốc gia, cấp địa phương, đàm phán giá) không có thuốc, vật tư y tế, cơ sở y tế tư nhân sẽ áp dụng Điều 52 Luật Đấu thầu, nghĩa là áp dụng mua thuốc, vật tư y tế trên cơ sở kết quả trung thầu thuốc, vật tư y tế của các cơ sở y tế công lập tuyến tỉnh trên cùng địa bàn.
“Tuy nhiên, trong trường hợp các cơ sở y tế công lập tuyến tỉnh trên cùng địa bàn không có kết quả thực hiện đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế thì cơ sở y tế tư nhân không có cơ sở mua sắm thuốc, vật tư y tế phục vụ bệnh nhân bảo hiểm y tế, và như vậy, bệnh nhân bảo hiểm y tế bị mất quyền lợi khi đi khám bệnh, chữa bệnh”, ông Đệ phân tích.
Trong trường hợp này, nếu Luật sát thực tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân có thể được áp dụng kết quả trúng thầu của các tỉnh, thành phố khác trong cả nước (không phải nơi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân đóng trụ sở). Tuy nhiên, Điều 52 Luật Đấu thầu chưa đề cập đến trường hợp phát sinh này. Do vậy, tình trạng có địa phương có thuốc, vật tư y tế nhưng không cấp hết được, có địa phương không có thuốc, có tiền nhưng không thể mua thuốc, vật tư y tế phục vụ người bệnh được.
Khó sẽ càng thêm khó khi tại Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Ban soạn thảo đã bỏ Điều 52 và không hướng dẫn cụ thể cho cơ sở y tế tư nhân áp dụng phương thức đấu thầu nào trong quá trình mua sắm thuốc, vật tư y tế, thậm chí không có cụm từ nào đề cập đến khối y tế tư nhân trong dự thảo Luật này.
Từ những khó khăn vướng mắc này, Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, bổ sung một số nội dung hướng dẫn thực hiện áp dụng phương thức đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế được thanh toán từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế đối với cơ sở y tế tư nhân, cụ thể như sau bổ sung riêng một điều về Mua sắm thuốc, vật tư y tế bảo hiểm y tế tại cơ sở y tế tư nhân. Trong đó, quy định cơ sở y tế tư nhân được mua sắm thuốc, vật tư y tế bảo hiểm y tế trong các trường hợp: (i) Được tham gia mua thuốc, vật tư y tế tập trung (cấp quốc gia, cấp địa phương, đàm phán giá) tại địa phương nơi đóng trụ sở; (ii) được tự tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, vật tư y tế theo quy định của pháp Luật Đấu thầu; (iii) Được áp dụng kết quả đấu thầu thuốc, vật tư y tế của các cơ sở y tế công lập tuyến tỉnh trên địa bàn hoặc các cơ sở y tế và các địa phương khác trong cả nước; (iv) Được áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp trong điều kiện giá mua các mặt hàng thuốc, vật tư y tế bằng hoặc không cao hơn giá trúng thầu thuốc, vật tư y tế tập trung, làm cơ sở cho cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người bệnh.
“Các quy định này sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng độc quyền, thiếu thuốc, vật tư y tế và không ảnh hưởng đến việc tăng chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế”, GS. TS. Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam cho biết.