Quy hoạch hạ tầng thiếu đồng bộ - điểm nghẽn lớn nhất của logistics
Hạ tầng thiếu đồng bộ khiến logistics chưa phát triển như kỳ vọng Kéo giảm chi phí logistics - đòi hỏi cấp bách của nền kinh tế Nhà đầu tư lạc quan về triển vọng dài hạn của logistics |
Việt Nam còn thiếu các khu kho vận tập trung có vị trí chiến lược, đồng bộ với hệ thống cảng, sân bay, đường quốc lộ, cơ sở sản xuất. |
Ngày 5/10, Báo Đầu tư và Công ty SLP Vietnam phối hợp tổ chức Hội nghị “Logistics Việt Nam - Con đường phía trước”.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu của nền kinh tế, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Trong những năm qua Chính phủ Việt Nam đã tích cực chỉ đạo hoàn thiện cơ chế, chính sách và kết cấu hạ tầng phát triển lĩnh vực quan trọng này. Nhờ vậy, năng lực và thứ hạng của ngành logistics Việt Nam đang được cải thiện và có xu hướng mở rộng.
Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Còn theo đánh giá của Agility, năm 2022, Việt Nam xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tốc độ phát triển hằng năm của ngành logistics Việt Nam đạt từ 14-16%, quy mô 40-42 tỷ USD/năm.
Doanh nghiệp logistics ở Việt Nam cũng tăng nhanh về số lượng. Đến nay, có khoảng trên 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics trong nước và khoảng 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới hoạt động cung cấp các dịch vụ từ khâu làm thủ tục vận chuyển hàng hóa cho đến khâu đóng thuế hay thanh toán… tại Việt Nam.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng, mặc dù lĩnh vực logistics của Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh và đạt các kết quả tích cực như trên nhưng trên thực tế vẫn tồn tại một số hạn chế và thách thức.
Cụ thể, thể chế, chính sách đối với lĩnh vực logistics chưa đồng bộ. Khung khổ pháp lý đối với ngành logistics được ban hành nhiều văn bản, song các chính sách cụ thể, chi tiết hóa các cụ thể các chủ trương đó vẫn chưa được thực hiện hoặc còn chồng chéo.
Cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và logistics còn hạn chế, không đồng bộ, chưa tạo ra hành lang vận tải đa phương thức trong khi nhu cầu trung chuyển chất lượng cao cho hàng hóa giữa các phương thức đang ngày càng lớn. Việt Nam còn thiếu các khu kho vận tập trung có vị trí chiến lược, đồng bộ với hệ thống cảng, sân bay, đường quốc lộ, cơ sở sản xuất.
Ngoài ra, hoạt động của các doanh nghiệp logistics còn nhiều hạn chế trên các mặt quy mô hoạt động, vốn, nguồn nhân lực… Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics ở Việt Nam hầu hết là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động manh mún, thiếu kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp, cung cấp các dịch vụ cơ bản, hoặc cung cấp từng dịch vụ đơn lẻ, cạnh tranh về giá là chủ yếu, ít giá trị gia tăng, thường chỉ đóng vai trò là nhà thầu phụ hay đại lý cho các công ty nước ngoài.
Nguồn nhân lực phục vụ cho dịch vụ logistics qua đào tạo bài bản còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt thiếu các chuyên viên logistics giỏi, có năng lực ứng dụng và triển khai tại các doanh nghiệp. Trong số các doanh nghiệp nội địa hiện nay, có tới 93 - 95% người lao động không được đào tạo bài bản, chủ yếu làm dịch vụ ở các chuỗi cung ứng nhỏ, như giao nhận, kho bãi, xử lý vận đơn…
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Phạm Thị Bích Huệ - Chủ tịch Công ty Western Pacific cho biết, hiện chi phí vận tải trên tổng chi phí Logistics của Việt Nam đang ở mức rất cao, lên tới hơn 60%, cao khoảng gấp đôi so với các nước khác, chi phí vận tải chỉ chiếm 30 – 40% tổng chi phí Logistics, đây là con số rất lớn.
Theo bà Huệ, quy hoạch hạ tầng thiếu sự đồng bộ, điều tiết từ cơ quan quản lý Nhà nước đang là một trong những điểm nghẽn lớn nhất của ngành. Bên cạnh đó, việc quy hoạch hạ tầng tại địa phương cũng còn mang tính hình thức, thiếu sự địa phương hóa theo đặc thù, thế mạnh của từng vùng, miền.
"Nút thắt cực kì quan trọng đối với nền kinh tế của hạ tầng và vận hành cảng biển quốc tế", bà Huệ nhấn mạnh.
Hiện chúng ta đang quá tập trung vào các vùng hạ tầng trọng điểm nhưng quên mất sự định hướng phát triển hạ tầng cơ bản về cảng biển của Chính phủ sẽ tạo ra được sức hút đầu tư rất lớn trong hệ sinh thái đầu tư. Ví dụ những tỉnh thành có hệ sinh thái cảng biển, theo bà Huệ cần có sự đầu tư định hướng cơ bản từ Chính phủ để tạo sức hút, thu hút đầu tư về các nhà máy, hệ thống.
“Đầu tư cảng biển không chỉ tập trung vào tư nhân mà nên có sự đầu tư “mồi”, định hướng từ phía Chính phủ”, bà Huệ chia sẻ.
Nhằm tháo gỡ những nút thắt của lĩnh vực logistics, bà Huệ cho rằng, trước tiên cần tháo gỡ điểm nghẽn về quy hoạch. Phải có sự quy hoạch đồng bộ cả về hạ tầng giao thông và hạ tầng logistics. Hiện nay, các tỉnh, thành phố đang làm quy hoạch tổng thể giai đoạn 2021- 2030, thì cần phải quy hoạch đồng bộ giữa quỹ đất công nghiệp tương ứng với quỹ đất dịch vụ logistics và phải quy hoạch các trung tâm logistics ở vị trí phù hợp nhất, hợp lý nhất để tiết kiệm về chi phí vận tải và chi phí thời gian.
Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, về cơ chế chính sách, chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics. Sửa đổi, ban hành mới các chính sách, pháp luật điều chỉnh dịch vụ logistics, vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới, bao quát toàn diện các dịch vụ logistics, nội luật hóa các cam kết quốc tế về logistics...
Về phát triển kết cấu hạ tầng, Nhà nước cần hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics, tiếp tục rà soát các quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, Việt Nam có 34.000 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực logistics, nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, yếu về vốn và công nghệ nên đã hạn chế khả năng tiếp cận thị trường nước ngoài.
Do đó, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho rằng nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam phải là trọng tâm trong thời gian tới.