Quyết liệt đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại
Trên tuyến đường biển, các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới tập trung vào mặt hàng có lợi nhuận cao như xăng dầu, than, khoáng sản… Trên tuyến đường hàng không, các đối tượng trong và ngoài nước đã móc nối, cấu kết hình thành các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại.
Mới đây, qua công tác kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 9 (Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội) đã phát hiện trong một kho hàng có hơn 28.000 sản phẩm gồm mỹ phẩm, đồ gia dụng, đồ tiện ích cá nhân…; có nhiều sản phẩm hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tổng giá trị hàng hóa lưu trữ tại kho ước tính hơn 1 tỷ đồng.
Trước đó, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Công an huyện Yên Phong và Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bắc Ninh tiến hành khám đột xuất kho hàng gần 2.000 m2 và phát hiện gần 23.000 sản phẩm thuộc các nhóm hàng như điện tử, mỹ phẩm, quần áo, đồ điện gia dụng được xếp ngay ngắn, chuyên nghiệp trên các kệ hàng đều có dấu hiệu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trong đó có hơn 3000 sản phẩm gồm điện thoại, máy tính bảng, đồng hồ thông minh không có nhãn hàng hóa, không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu nhập lậu.
Hoạt động vận chuyển trái phép hàng hóa qua tuyến biên giới đường bộ vẫn diễn biến phức tạp |
Là một trong những địa bàn rộng, phức tạp, đường biên giới dài cùng nhiều cửa khẩu, đường mòn, là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội như ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại… Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh đã chủ động xây dựng các Kế hoạch cao điểm, kế hoạch định kỳ, đột xuất đấu tranh với các loại tội phạm; tăng cường lực lượng xuống các địa bàn, hướng trọng điểm để phối hợp với các đồn biên phòng và lực lượng chức năng của địa phương làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, công tác nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, đường mòn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ hoạt động của tội phạm ma túy, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, các đối tượng tổ chức đưa dẫn, đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng tích cực đồng hành cùng cơ quan quản lý chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Mới đây, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Cà Mau và Công ty Vina CHG đã ký kết phối hợp, hợp tác nhằm nâng cao sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu, phối hợp trong công tác truyền thông và điều tra, xử lý hàng giả.
Ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng giám đốc Vina CHG cho biết, doanh nghiệp đã đưa ra các giải pháp để giúp các doanh nghiệp tăng cường công tác chống hàng giả, hàng nhái, nhất là trên môi trường internet nói chung và thương mại điện tử nói riêng, bao gồm in tem chống hàng giả đảm bảo pháp lý; phần mềm chống hàng giả Vinacheck; truyền thông chống hàng giả; hỗ trợ điều tra xử lý hàng giả và in bao bì chống giả.
Xử lý nghiêm, quyết liệt hơn
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm đấu tranh, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngay trong chính các lực lượng chức năng.
Theo đó, cần làm tốt công tác nghiệp vụ, bảo đảm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là các mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp giữa các lực lượng chức năng giám sát chặt chẽ các lô hàng chuyển khẩu, chuyển cảng, tạm nhập, tái xuất, hàng hóa kinh doanh có điều kiện, thuế suất cao…
Các lực lượng chức năng tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường phối hợp kết nối, chia sẻ thông tin phù hợp với tình hình mới; công khai số điện thoại, đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389 các cấp, bảo đảm tiếp nhận, xử lý kịp thời tin báo từ quần chúng nhân dân theo quy chế của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
Đặc biệt, các đơn vị thực hiện tổng kết Kế hoạch số 399/KH-BCĐ389 ngày 10/10/2020 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử; tăng cường kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử; phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Các cơ quan thông tấn, báo chí phối hợp với các lực lượng chức năng tuyên truyền, phản ánh kịp thời tình hình, kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; các biểu hiện tiêu cực, bất cập của các cơ quan chức năng; giúp người dân nhận biết, phân biệt hàng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc; không tham gia, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và các hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, tăng giá hàng hóa bất hợp lý…
Để đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, doanh nghiệp cũng cần chủ động. Ông Phạm Văn Huy, chuyên viên tư vấn thương mại điện tử, Hội Thương mại Điện tử Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng đa kênh và xác minh đầy đủ thông tin chứng minh gian hàng chính hãng. Các doanh nghiệp cũng nên đăng tải các giấy tờ chứng minh chất lượng sản phẩm, đặc biệt cần tối ưu việc chống giả cho sản phẩm bằng việc sử dụng các công nghệ chống giả, dán tem chống hàng giả truy xuất nguồn gốc.