Quyết liệt gỡ khó cho thị trường bất động sản
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành khác để thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với tinh thần tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS |
Doanh nghiệp bất động sản mong mỏi tháo gỡ vướng mắc pháp lý Phát triển thị trường bất động sản ổn định, an toàn, lành mạnh |
Nhận thức như vậy, trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, trong đó có NHNN, Bộ Xây dựng đã quyết liệt thực thi các giải pháp, thành lập tổ tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS và kết quả là đã có những chuyển biến tích cực.
Tín dụng kinh doanh BĐS vẫn tăng cao
Báo cáo cụ thể về chính sách đối với lĩnh vực BĐS, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, bên cạnh việc điều hành linh hoạt, chủ động các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường tiền tệ, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD, điều hành giảm lãi suất để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, NHNN khuyến khích các TCTD tập trung nguồn vốn cho các phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân như chỉ đạo và hướng dẫn triển khai Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho các đối tượng trên.
Tính đến 30/9/2023, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS của các TCTD đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với 31/12/2022, chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Trong đó, tín dụng BĐS tập trung vào mục đích tiêu dùng tự sử dụng chiếm 64% và dư nợ đối với hoạt động kinh doanh BĐS chiếm tỷ trọng 36% dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS.
“Trong 9 tháng đầu năm, tín dụng kinh doanh BĐS lại có sự tăng trưởng cao (21,86%) hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung và cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy các giải pháp, nỗ lực của Chính phủ, ngành Ngân hàng và các bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS đang dần phát huy hiệu quả”, bà Giang nói.
Thực hiện chỉ đạo của NHNN, các TCTD cũng tích cực triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ thị trường BĐS. Ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng giám đốc
Vietcombank cho biết, riêng về lãi suất, Vietcombank đã nhiều lần giảm lãi suất, tổng cộng lên tới 2,5% đối với tổ chức và cá nhân, áp dụng với cả dư nợ hiện hữu và cho vay mới. Ngân hàng cũng đồng hành cùng khách hàng để tháo gỡ khó khăn. Hiện dư nợ cho vay BĐS chiếm 24,6% tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng.
Đặc biệt, Vietcombank xác định tín dụng với BĐS ở khu công nghiệp, khu chế xuất là lĩnh vực ưu tiên, do nhu cầu phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nên ngân hàng luôn quan tâm và dành lãi suất tốt nhất đối với phân khúc khách hàng này; chủ động tiếp xúc với các nhà đầu tư để khơi thông dòng vốn. Ngoài ra,
Vietcombank cũng tiếp cận và tài trợ các dự án thuộc khu du lịch trọng điểm của các nhà đầu tư có năng lực triển khai tốt. Đối với BĐS nhà ở, Vietcombank tập trung vào đối tượng người mua nhà có nhu cầu thật; thận trọng trong hoạt động cấp tín dụng với loại hình BĐS cao cấp, có giá trị lớn, không hướng tới nhu cầu thật của người dân, ông Tùng chia sẻ.
Đại diện Techcombank, Phó tổng giám đốc Phùng Quang Hưng cũng cho biết, hiện lãi suất cho vay nói chung và với lĩnh vực BĐS nói riêng đã giảm khá mạnh như, lãi vay mua nhà đã giảm khoảng 3% từ đầu năm. Ngân hàng cũng đã phát triển nhiều giải pháp tài chính đa dạng như cho vay vốn lưu động, tài trợ... đối với dự án BĐS.
Khó khăn lớn nhất với BĐS vẫn là cơ chế
Dù các bộ, ngành, địa phương và các ngân hàng đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ vướng mắc cho thị trường BĐS, tuy nhiên thực tế cho thấy thị trường này vẫn còn đối mặt rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch GP invest chỉ ra thực tế là những sản phẩm hiện có trên thị trường không đáp ứng được đúng phân khúc thị trường cần, do đó vẫn còn hiện tượng tồn kho tại nhiều công ty BĐS.
Đáng chú ý, 70% vướng mắc của lĩnh vực BĐS là do pháp lý, mà điều đầu tiên là sự chồng chéo của hệ thống pháp luật. Một loạt vấn đề về vướng mắc pháp lý khác cần được tháo gỡ đã được ông Hiệp nêu ra là về rào cản giải phóng mặt bằng; thủ tục cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi cần rà soát lại; thủ tục đầu tư, nhất là thủ tục hành chính giấy tờ, vẫn còn rườm rà khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại, chưa tự tin đầu tư vào Việt Nam.
Dẫn ví dụ, ông Hiệp cho biết, ngay cả với nhà đầu tư trong nước nắm rõ thủ tục nhưng có dự án phải xin trên 30 con dấu. Ông ví đó “như một cuộc trường chinh” và điều này bào mòn sức khỏe doanh nghiệp. Bên cạnh đó còn là vấn đề định giá đất, thái độ xử lý vướng mắc của các cấp chính quyền đối với các dự án tại địa phương...
Phát biểu tại hội nghị, đại diện Hiệp hội BĐS Việt Nam và Hiệp hội Kinh doanh BĐS TP. Hồ Chí Minh cũng khẳng định, 70% khó khăn của doanh nghiệp BĐS hiện nay là vấn đề pháp lý. Ở góc độ cả nước, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, có khoảng 1.200 dự án, quy mô khoảng 30 tỷ USD, phải chờ tháo gỡ pháp lý.
Tuy nhiên, nhiều vướng mắc đã được “hóa giải” nhanh chóng trong thời gian qua. Chỉ riêng TP. Hồ Chí Minh, với 148 dự án vướng mắc pháp lý, sau nhiều nỗ lực gỡ khó từ Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ thì khoảng 30% khó khăn, vướng mắc đã được giải quyết.
Cần trao đổi qua lại, hết sức trách nhiệm
Liên quan tới kiến nghị của các doanh nghiệp, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, với các điều kiện đã được quy định trong Luật (Luật các TCTD - PV), ngân hàng không thể nới. Tuy nhiên, với các điều kiện thuộc thẩm quyền của NHTM thì các ngân hàng căn cứ từng trường hợp cụ thể để tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Ở điểm này, ông Tùng - Tổng giám đốc Vietcombank lưu ý các chủ đầu tư cần nâng cao năng lực tài chính, thực hiện đúng cam kết với người mua nhà, tập trung vào phân khúc nhu cầu thực thì mới tạo niềm tin được với các ngân hàng. Thực tế nợ xấu đối với lĩnh vực này đang ở mức gần 2,9% tăng hơn 1% so với cùng kỳ năm trước cũng khiến các ngân hàng phải cẩn trọng.
Đề cập đến vấn đề cốt lõi tháo gỡ khó khăn cho BĐS, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, để thị trường sôi động hơn, doanh nghiệp cần có sự thống nhất trong “cuộc chơi” giá nhà. Hiện nay, giá nhà vẫn tăng cao trong khi lãi vay giảm mạnh. Chỉ khi giải quyết được vấn đề giá nhà thì mới giải quyết được vấn đề sức mua thị trường.
“Qua trao đổi tại cuộc họp có thể thấy khó khăn chính của doanh nghiệp BĐS không phải từ phía ngân hàng. Nhưng hiện tại xã hội lại nhìn nhận khó khăn của thị trường lại từ phía ngân hàng. Do vậy tại hội nghị này, ngân hàng và doanh nghiệp cần ngồi lại trao đổi với nhau để hiểu rõ hơn, cùng chia sẻ, đồng hành”, Phó Thống đốc nói.
Về phía Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để thị trường BĐS phát triển mạnh mẽ trở lại.
Về vấn đề pháp lý, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp cùng các cơ quan của Quốc hội rà soát, hoàn thiện hai dự án luật là Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi); tham gia ý kiến với Luật Đất đai (sửa đổi). Ngoài ra, sẽ rà soát các thông tư, văn bản liên quan để đơn giản hóa thủ tục cho người dân, doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho thị trường BĐS. Bộ cũng sẽ tập trung hướng dẫn, đôn đốc thực thi pháp luật trong lĩnh vực BĐS.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, phía bộ sẽ phối hợp với NHNN, Bộ Tài chính để tháo gỡ khó khăn liên quan đến tín dụng, thị trường trái phiếu; nghiên cứu, đề xuất cơ chế để tạo lập nguồn vốn ổn định cho thị trường BĐS.