Quyết liệt phát triển các công trình trọng điểm quốc gia
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc - Ảnh: VGP |
Cùng tham dự cuộc làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cùng các Bộ trưởng và gần 30 doanh nghiệp, nhà thầu hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng.
Tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề cốt lõi
Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu đã nêu ra các kiến nghị liên quan đến việc hoàn thiện thể chế về đầu tư, đấu thầu, hợp đồng. Các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hơn nữa, cùng với việc phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương để đảm bảo quá trình thực hiện các dự án diễn ra thuận lợi.
Đặc biệt, vấn đề đấu thầu được chú trọng, với kiến nghị từ các doanh nghiệp về việc cần có cơ chế chỉ định thầu cho một số dự án trọng điểm và đặc biệt, nhằm rút ngắn thời gian triển khai, đồng thời giảm thiểu các rủi ro liên quan đến thủ tục hành chính. Ngoài ra, việc nâng hạn mức vay vốn cũng được đặt ra, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước có thể cạnh tranh mạnh mẽ hơn với các đối tác quốc tế.
Ông Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nêu bật những bất cập trong hệ thống định mức xây dựng hiện hành. Ông chỉ ra rằng, việc thiếu định mức cho các công nghệ xây dựng mới, vật liệu mới cũng như phương pháp thi công hiện đại đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả thi công và chất lượng các công trình. Điều này đòi hỏi sự thay đổi để phù hợp với thực tiễn.
Trong khi đó, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, đề nghị Nhà nước cần hỗ trợ tổ chức cho các doanh nghiệp Việt Nam học hỏi kinh nghiệm từ các doanh nghiệp lớn nước ngoài, đặc biệt là trong việc triển khai các dự án quy mô lớn, áp dụng các mô hình quản lý hiện đại như BIM (Building Information Modeling) cho ngành giao thông và đường sắt tốc độ cao.
Thủ tướng nêu rõ, công việc nhiều, thời gian ngắn, yêu cầu cao, mong đợi của nhân dân lớn, do đó các chủ thể cần cùng nhau tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm - Ảnh: VGP |
Một vấn đề quan trọng khác được ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, đưa ra là việc sử dụng đất bùn nạo vét trong san lấp mặt bằng. Điều này không chỉ giúp giải quyết tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng mà còn giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Đẩy mạnh sự phát triển của các doanh nghiệp xây dựng
Sau khi lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp và lãnh đạo các bộ, ngành, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định sự chia sẻ và thấu hiểu những khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải. Ông nhấn mạnh, cuộc họp không chỉ là dịp để Chính phủ lắng nghe mà còn là cơ hội để tìm ra các giải pháp thiết thực, đẩy mạnh sự phát triển của các doanh nghiệp xây dựng, từ đó thực hiện những dự án mang tính chiến lược, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của đất nước.
Theo Thủ tướng, thời gian qua, ngành xây dựng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt trong việc triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm. Thủ tướng nêu ví dụ về dự án đường dây 500kV mạch 3, khi hàng nghìn hộ dân đã tự nguyện nhường đất mà không cần cưỡng chế, thể hiện sự đồng lòng của người dân với các dự án quốc gia.
Thủ tướng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các lãnh đạo địa phương, chủ đầu tư và các nhà thầu trong việc quyết tâm vượt qua thách thức, với phương châm “3 ca, 4 kíp”, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, để hoàn thành các công trình đúng tiến độ.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thừa nhận rằng, việc triển khai các dự án vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bao gồm những hạn chế trong công tác giải phóng mặt bằng, định mức xây dựng và các quy định pháp luật. Ông yêu cầu các bên liên quan cần nỗ lực hơn nữa trong việc hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực thực hiện, đào tạo nhân lực và tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan.
Toàn cảnh buổi làm việc - Ảnh: VGP |
6 nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy tiến độ dự án hạ tầng
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ ra 6 nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ và các doanh nghiệp cần tập trung trong thời gian tới để đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng chiến lược.Thứ nhất, nhận thức rõ hơn nữa về tầm quan trọng của các dự án trọng điểm, các dự án quan trọng quốc gia trong tạo không gian phát triển mới, giúp hình thành các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ mới, làm tăng giá trị của đất đai, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giảm chi phí lotistics, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm, của nền kinh tế. Việc triển khai các dự án hạ tầng chiến lược đã và đang được làm tốt, sắp tới phải cùng nhau làm tốt hơn.
Thứ hai, cùng nhau huy động nguồn lực, đa dạng hóa nguồn lực của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trực tiếp và gián tiếp, nguồn lực hợp tác công tư để phát triển hạ tầng chiến lược với tinh thần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Thứ ba, cùng nhau tập trung ứng dụng hiệu quả các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển và chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản trị theo hướng thông minh trong hoạt động của các doanh nghiệp và triển khai các dự án.
Thứ tư, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế liên quan giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng, quy chuẩn, quy trình, đấu thầu, chỉ định thầu… trong triển khai dự án, bảo đảm thông thoáng, thuận lợi, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế.
Thứ năm, các doanh nghiệp phát huy tinh thần tự lực, tự cường đi lên từ sức mạnh nội sinh, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước và hợp tác với các đối tác nước ngoài.
Thứ sáu, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp luôn chia sẻ, lắng nghe, thấu hiểu với các khó khăn, thách thức, động viên, khích lệ về những thành quả đã làm được, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, nguồn lực, nhân lực để thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững, góp phần phát triển đất nước.
Cùng với đó, Thủ tướng nhấn mạnh phải thực hiện tốt yêu cầu của Hội nghị Trung ương 10 vừa qua về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường giám sát, kiểm tra và cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các doanh nghiệp xây dựng tiếp tục phát huy tinh thần sáng tạo, quyết liệt trong triển khai công việc, hướng đến mục tiêu hoàn thành 3.000km cao tốc vào năm 2025, cùng với nhiều dự án hạ tầng chiến lược khác. Thủ tướng tin tưởng rằng, với sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân, Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và vươn lên trở thành quốc gia có hạ tầng hiện đại, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.