“Rã băng” tín dụng từ thúc đẩy vay tiêu dùng
Nhà băng nỗ lực kích cầu tín dụng tiêu dùng
Các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh tình hình sản xuất, kinh doanh chưa thể hồi phục ngay và còn gặp nhiều khó khăn, để có thể kích cầu tín dụng, thông qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cho vay tiêu dùng là một giải pháp hiệu quả. Điều này không chỉ giúp các ngân hàng mở rộng được tín dụng, mà còn phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân, góp phần hạn chế “tín dụng đen”. Đây cũng là chủ trương được NHNN chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh trong thời gian qua.
Với thanh khoản dồi dào và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, các TCTD hiện có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay ra nền kinh tế |
Tại Vietcombank, ngân hàng này đang cho vay vốn sản xuất kinh doanh ngắn hạn với lãi suất từ 5,3%/năm và lãi suất từ 6,5%/năm cho các khoản vay trung dài hạn dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Còn với khách hàng cá nhân vay mua nhà, mua ô tô hoặc vay tiêu dùng, lãi suất vay trong 6 tháng đầu tại nhà băng này chỉ từ 6%/năm với các khoản vay ngắn hạn (dưới 12 tháng) và 6,3%/năm đối với các khoản vay trung - dài hạn.
Một NHTM Nhà nước khác là Agribank cũng đang dành 10.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng phục vụ nhu cầu đời sống với các mức lãi suất từ 6%/năm với khoản vay trên 12 tháng đối với khách hàng cá nhân vay vốn tiêu dùng để phục vụ nhu cầu thiết yếu như: mua nhà ở, đất ở, xây mới, sửa chữa nhà và các mục đích tiêu dùng.
Khối NHTM cổ phần cũng nhộn nhịp các gói vay tiêu dùng ưu đãi. Đơn cử như với khách hàng vay mua nhà, OCB áp dụng mức lãi suất ưu đãi 7-8%/năm, còn nếu không khuyến mãi mức lãi vay vào khoảng 10%/năm. Hay ACB đang áp dụng ưu đãi mạnh cho sản phẩm cho vay tiêu dùng. Khách hàng có thể vay vốn ACB cho các mục đích phục vụ nhu cầu đời sống của cá nhân, gia đình… với lãi suất chỉ từ 0,6%/tháng, thời gian ưu đãi lãi suất vay cố định kỳ đầu lên đến 24 tháng, cùng với thời gian ân hạn vốn lên đến 12 tháng. Phương thức trả vốn gốc và lãi vay linh hoạt phù hợp với nhu cầu và dòng tiền của khách hàng.
Thực tế, tín dụng tiêu dùng luôn được đánh giá là một mảnh đất màu mỡ tại Việt Nam. Theo phân tích của McKinsey, triển vọng lạc quan của người tiêu dùng trung lưu ở Việt Nam vẫn vững vàng, ngay cả khi đối mặt với những thách thức kinh tế và thời kỳ hậu suy thoái. Tương lai nền kinh tế Việt Nam có vẻ đầy hứa hẹn trong thập kỷ tới, với mức tăng trưởng GDP dự kiến dao động từ 2% đến 7% trong khoảng thời gian từ năm 2023 đến 2030. Đây là một trong những cơ sở để ngân hàng tích cực tung ra nhiều ưu đãi để thúc đẩy vay tiêu dùng.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng cho biết đã chỉ đạo các NHTM tích cực, mạnh dạn, chủ động cung ứng vốn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân có nhu cầu vay vốn để tiếp tục khắc phục các khó khăn hiện tại cũng như mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, NHNN cũng chỉ đạo NHTM quan tâm đối với tín dụng tiêu dùng. Đây là lĩnh vực càng đẩy mạnh được, càng tạo điều kiện thúc đẩy tăng khả năng tiêu dùng. Bởi đẩy mạnh cầu tiêu dùng mới kéo theo cầu sản xuất được.
Đẩy mạnh cho vay online
Để hỗ trợ người dân một cách tốt nhất trong việc tiếp cận tín dụng tiêu dùng, bên cạnh triển khai các gói tín dụng lãi suất thấp quy mô lớn, nhiều ngân hàng cũng đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng phương tiện điện tử vào nhiều khâu của quy trình cho vay, qua đó, tăng tiện ích và trải nghiệm khách hàng, thời gian phục vụ được rút gọn.
Theo số liệu của NHNN, đã có ít nhất 28 TCTD ứng dụng công nghệ vào việc cho vay. Đặc biệt theo các chuyên gia đánh giá, Thông tư số 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016/TTNHHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD sẽ là cơ sở để các ngân hàng triển khai đại trà áp dụng rộng rãi phương tiện điện tử vào quy trình cho vay.
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho hay, với các khoản vay nhỏ, cho vay online phát triển sẽ giải quyết được nhu cầu của người dân và cả ngân hàng. Thời gian qua, các ngân hàng còn thận trọng cho vay online, bởi pháp lý chưa rõ ràng, dữ liệu chưa sạch. Tuy nhiên, với sự ra đời Thông tư 06/2023/TT-NHNN và đẩy mạnh ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các ngân hàng có cơ sở để thúc đẩy cho vay trên ngân hàng số.
Tại BIDV đã ứng dụng công nghệ từ khâu tiếp nhận nhu cầu vay, đến khởi tạo, thực hiện và quản lý khoản vay đối với khách hàng tổ chức và bán lẻ. Ngân hàng cũng đang hướng tới tăng cường tính tự động và ứng dụng thêm các công nghệ trong quy trình cấp tín dụng. Ở khối ngân hàng tư nhân như SHB, nhà băng này đã đưa lên hàng loạt các sản phẩm được thực hiện end-to-end trên kênh online, như mở tài khoản eKYC, thấu chi online, Vay cầm cố sổ tiết kiệm, Mở thẻ tín dụng online phê duyệt trước… Các sản phẩm này được thực hiện 100% trên nền tảng số hóa của SHB và dễ dàng đăng ký chỉ chưa đầy 1 phút, mọi lúc – mọi nơi 24/7.
Theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, với những quy định mới tại Thông tư 06, khách hàng khi vay vốn không phải đến ngân hàng làm thủ tục mà việc xác minh thông tin, nhận biết khách hàng sẽ được thực hiện bằng phương tiện điện tử. Hoạt động giao kết thỏa thuận cho vay dưới hình thức hợp đồng điện tử; hồ sơ vay vốn được thiết lập dưới dạng tài liệu, dữ liệu, lưu trữ hồ sơ trên môi trường số; tổ chức xét duyệt sẽ bằng phương tiện điện tử... Đây là một xu hướng tất yếu trong bối cảnh công nghệ đã phát triển ngày càng mạnh mẽ.
Vị chuyên gia này đánh giá, nếu cho vay trực tuyến được đẩy mạnh sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của các TCTD và tiết kiệm chi phí cho nền kinh tế. Bởi khi giảm thiểu quy trình thủ tục giấy tờ, thời gian, đi lại... giúp chi phí hoạt động của các NHTM sẽ được giảm bớt. Từ đó gián tiếp tạo điều kiện để ngân hàng có thể giảm được lãi suất cho vay. Người dân, doanh nghiệp hưởng lợi ích kép vừa tiết kiệm được thời gian lại giảm được chi phí vay vốn. Đây là động thái hỗ trợ rất tốt cho người vay vốn.