Rà soát các tiêu chuẩn để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản
Tín hiệu vui đối với xuất khẩu nông sản Xuất khẩu nông sản thích ứng với quy định mới Đẩy mạnh xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam - Trung Quốc |
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) lý giải sự sụt giảm xuất khẩu hiện nay chủ yếu do thị trường, nhưng cũng cần thấy sự chuẩn bị của doanh nghiệp đối với giai đoạn mới cho xuất khẩu rất quan trọng. Vấn đề ngày càng trở nên cấp bách là yêu cầu của xuất khẩu giai đoạn mới rất cao, đó là yêu cầu về môi trường, tiêu chuẩn phát thải khí nhà kính…
Đã đến lúc các doanh nghiệp phải chú ý đến xuất khẩu xanh |
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của nước ta, chiếm hơn 50% tổng khối lượng xuất khẩu nông sản. Trước kia, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc không mấy khó khăn, nhưng từ năm 2022, nước bạn xây dựng hàng rào kỹ thuật cao, đòi hỏi chất lượng khắt khe hơn cho từng loại hàng khác nhau…
Theo ông Đinh Vĩnh Cường, Chủ tịch Tập đoàn 365, để gia tăng kim ngạch xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc, các sản phẩm nông sản cần có chất lượng tốt và đáp ứng đúng nhu cầu của người tiêu dùng. Để xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, phải xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu song song với xây dựng vùng sản xuất, vùng nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn dựa theo tín hiệu thị trường. “Doanh nghiệp cũng cần thường xuyên cập nhật và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc… Cùng với đó, có chiến lược về vấn đề logistics, xây dựng được các kho bảo quản nông sản ở các địa phương biên giới. Điều này sẽ giúp bảo quản lâu hơn, giữ được chất lượng tốt khi đến thời hạn giao hàng”, ông Cường nhấn mạnh.
Phó Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương cho biết, theo thống kê của ngành, chỉ khoảng 20% doanh nghiệp đã khai thác, tận dụng được ưu thế từ các hiệp định thương mại tự do, còn lại là không biết đến hoặc không biết cách khai thác. Nhiều doanh nghiệp hiện đang đối mặt với nhiều thách thức là phát triển vùng trồng thiếu quy hoạch, tình trạng được mùa mất giá, sản phẩm nhiều nhưng không đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu. Đặc biệt, việc xây dựng thương hiệu nông sản Việt vẫn còn kém, điều này ảnh hưởng đến xuất khẩu. |
Theo ông Lương Văn Tài, Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh Trung Quốc, Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia (vùng lãnh thổ) có số lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm bị cảnh báo nhiều nhất. Trong đó, nhóm hàng nông sản, thực phẩm bị cảnh báo nhiều gồm thủy sản, nước trái cây (chưa tính cà phê, sản phẩm sữa), bánh các loại. Các lỗi thường là chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; thiếu chứng nhận hàng hóa; hàng hóa không đúng với chứng nhận/chứng thư…; tem nhãn bao bì hàng hóa không đáp ứng quy định... Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc lưu ý các doanh nghiệp cần nắm vững hệ thống quy định, tiêu chuẩn hiện hành của Trung Quốc như các văn bản quy định pháp luật, Biện pháp Quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu; Quy định về đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xuất khẩu nước ngoài; Luật Kiểm dịch động thực vật xuất nhập cảnh nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa…
Dù là doanh nghiệp đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường xuất khẩu trái cây sang Mỹ, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty XNK Vina T&T Group cho biết, việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm vẫn rất nhiều chông gai. Theo ông Tùng, để xây dựng được thương hiệu mạnh, yếu tố cốt lõi vẫn là chất lượng sản phẩm. Ông chia sẻ kinh nghiệm của đơn vị là xây dựng vùng trồng đủ lớn và xây dựng trạm sơ chế ngay tại vùng trồng, thay vì xây dựng nhà máy rồi đi thu mua sản phẩm ở các vùng trồng như nhiều doanh nghiệp vẫn làm.
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, đã đến lúc các doanh nghiệp phải chú ý đến xuất khẩu xanh, kèm theo đó là kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bởi đó là điều kiện để bán hàng trong bối cảnh hiện nay. Cũng vậy, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh khẳng định, những rào cản xanh đặt ra bởi các thị trường quốc tế sẽ tác động nhiều đến các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài vấn đề về xanh hóa thì yếu tố “kinh doanh bền vững” cũng đang được các nhà thu mua quốc tế đặt ra cho các nhà cung cấp hay gia công (trong đó có các doanh nghiệp ở Việt Nam).
Đối với lĩnh vực nông nghiệp xanh, ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng trước mắt, cần quy định bắt buộc làm theo chuẩn và cần có chính sách bảo vệ những doanh nghiệp làm thật, làm đúng.