Rào cản khiến tài chính xanh chưa phát triển mạnh mẽ
Nam A Bank triển khai dự án quản lý rủi ro môi trường, xã hội và quản trị - ESG Gia tăng dòng vốn xanh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững |
Trên thực tế, tín dụng xanh không chỉ giải quyết các thách thức môi trường mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế và nâng cao sự chống chọi với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Chính vì vậy, các tổ chức tài chính ngày càng đa dạng hóa sản phẩm tín dụng xanh để hỗ trợ các dự án và sáng kiến có tác động tích cực đến môi trường. Giai đoạn 2017-2023, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm. Tính đến 31/3 năm nay, đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt gần 637 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Tính đến 31/3/2024, dư nợ tín dụng xanh đạt gần 637 nghìn tỷ đồng (tại 47 TCTD), chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt khoảng 2,9 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21% tổng dư nợ hệ thống TCTD và tăng hơn 20% so với cùng kỳ 2023.
Các tổ chức tài chính ngày càng đa dạng hóa sản phẩm tín dụng xanh |
Nhiều năm qua, Nam A Bank đã "xanh hóa" danh mục tín dụng, liên tục xây dựng thêm danh mục sản phẩm tín dụng xanh đa dạng, hoạt động kinh doanh tập trung ở các lĩnh vực nông nghiệp thông minh, du lịch xanh, doanh nghiệp xanh. Cho đến nay đạt được quy mô khá lớn trong danh mục cấp tín dụng và đang chiếm khoảng 10% quy mô tín dụng, giải ngân hơn 12 ngàn tỷ đồng với gần 10.000 khoản vay. Đồng thời, tăng cường các hoạt động ngân hàng bền vững ứng dụng công nghệ trong việc quản lý dữ liệu thông tin, khuyến khích khách hàng sử dụng ngân hàng điện tử, phát triển kênh thanh toán xanh.
“Tuy nhiên, trong việc cho vay vốn để chuyển đổi xanh, ngân hàng nhận thấy một số vấn đề trở ngại như các doanh nghiệp phải tự xác định, xây dựng lộ trình, trong khi cơ sở nền tảng hỗ trợ cho doanh nghiệp về vấn đề này còn rất hạn chế. Vì thế, ngân hàng phải thuê tư vấn nước ngoài, giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược, quy trình vận hành trách nhiệm ngay từ đầu, nên chi phí rất lớn. Vì vậy, để tín dụng xanh tại Việt Nam phát triển hiệu quả và mạnh mẽ hơn nữa, rất cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp”, ông Cường nhấn mạnh.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, tài chính xanh là xu hướng tất yếu của các quốc gia trên thế giới. Hiện nay, tại Việt Nam, hành lang pháp lý cho tín dụng, cổ phiếu, trái phiếu xanh, quỹ đầu tư, tín dụng xanh đang dần được hoàn thiện để đáp ứng đòi hỏi nguồn vốn lớn phục vụ cho định hướng và chiến lược tăng trưởng xanh.
Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay đối với thị trường là chưa có các sản phẩm tài chính xanh, đặc biệt là sản phẩm tín dụng xanh đặc thù. Cũng như chưa có khung pháp lý, chính sách tổng thể, nhất quán liên quan đến tài chính xanh, quy định về phân loại xanh và xác nhận dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh… Việc thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường, xã hội còn gặp nhiều khó khăn do đội ngũ chuyên gia, nhân sự trong lĩnh vực này tại Việt Nam còn khá hạn chế; Thiếu cơ chế phối hợp và ưu đãi cho các hoạt động tài chính xanh như ưu đãi thuế, phí, hạn mức tín dụng, lãi suất. Trong khi đó, các dự án xanh thường có kỳ hạn dài có thể lên đến 20 năm, chi phí đầu tư lớn, còn nguồn vốn cho vay của các TCTD thường là vốn huy động ngắn, trung hạn… Đây là những trở ngại khiến cho thị trường tài chính xanh tại Việt Nam chưa thực sự phát triển mạnh mẽ.
Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, thị trường vốn xanh tại Việt Nam vẫn đang tồn tại một số “điểm nghẽn” như khung pháp lý vẫn đang được hoàn thiện, các cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư sản phẩm tài chính xanh còn hạn chế hiếu sự tham gia tích cực của các bên cung cấp dịch vụ đánh giá độc lập trước và sau phát hành. Doanh nghiệp chưa nắm bắt được lợi ích dài hạn của phát triển bền vững và hạn chế kiến thức về tài chính xanh
“Muốn thúc đẩy thị trường vốn xanh tại Việt Nam, trước tiên cần hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến thị trường tài chính bền vững, điều này cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành. Tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác xây dựng và phát triển thị trường vốn, hướng tới thực hiện các thông lệ tốt trên thị trường chứng khoán gắn với tăng trưởng xanh. Nghiên cứu hoàn thiện và cơ cấu lại Chỉ số VNSI để phù hợp hơn với bối cảnh phát triển bền vững trên thị trường chứng khoán hiện nay. Quan trọng hơn, doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi, nâng cao kiến thức về phát triển bền vững và hiểu rõ các tác động đối với doanh nghiệp, đặt mục tiêu, lên phương án triển khai ESG theo yêu cầu pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế”, ông Dũng nêu quan điểm.