Rốt ráo chuẩn bị cho mùa tiêu dùng cuối năm
Thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu thị trường cuối năm Theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường cuối năm để có biện pháp điều hành phù hợp |
Rốt ráo chuẩn bị hàng hóa
Sau khi hoàn thành kế hoạch hàng hóa cho mùa Tết Trung Thu, bà Lê Hậu Phương, Công ty cổ phần Thực phẩm Việt Nam cho biết, doanh nghiệp đã bắt tay lên kế hoạch rà soát lại nguồn hàng cũng như tập trung cho việc sản xuất hàng Tết. Năm nay, doanh nghiệp lên kế hoạch tăng 30% sản lượng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán so với năm ngoái, dù người dân vẫn đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Hiện lượng hàng nhập khẩu của Công ty đã chuẩn bị về Việt Nam; nguồn hàng trong nước cũng được lên kế hoạch sản xuất.
Ông Phan Văn Dũng, Phó tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) chia sẻ, hiện một số dây chuyền của doanh nghiệp đã "chạy" sản lượng cho cuối năm nay. Công ty đã chuẩn bị hàng trăm tỷ đồng để dự trữ, sản xuất hàng hoá cuối năm, hàng Tết. Để kích cầu tiêu dùng, doanh nghiệp sẽ duy trì các hoạt động khuyến mại theo hình thức cuốn chiếu. Các mặt hàng thực phẩm chế biến sẽ được giảm giá luân phiên đến 30%, thực phẩm tươi sống cũng sẽ giảm giá nhưng ở mức thấp hơn…
Thực tế cho thấy, thịt lợn là mặt hàng được tiêu thụ nhiều nhất trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Do đó, nhiều cơ sở chăn nuôi đã chuẩn bị tái đàn để phục vụ nhu cầu của thị trường. Ông Trần Văn Nuông, chủ một cơ sở chăn nuôi tại tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, cơ sở vừa thu mua và nuôi khoảng 300 lợn thịt lẫn lợn giống, nuôi khoảng 3 tháng là có thể xuất bán với trọng lượng mỗi con trên dưới 100kg. Số lượng lợn tái đàn của cơ sở mới chỉ tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái, từ giờ đến hết tháng 10, nếu giá bán tăng và nhu cầu thị trường cải thiện hơn cơ sở sẽ tăng thêm 20% nữa.
Song song với đó, để kịp chuẩn bị nguồn hàng cho cuối năm, ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội cũng cho biết, thành phố đã tổ chức đưa đoàn doanh nghiệp đến Tây Ninh làm việc để kết nối sản phẩm của địa phương vào thị trường Hà Nội; mở thêm 2 điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP và sẽ kết nối 52 sản phẩm OCOP của các tỉnh thành phố vào các điểm bán này. Trong tháng 10, đơn vị sẽ triển khai kế hoạch liên kết các chương trình về khai thác hàng hoá địa phương vào Hà Nội để đảm bảo nguồn cung tiêu dùng cho người dân thủ đô, đồng thời triển khai chương trình bình ổn thị trường phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Doanh nghiệp đang lên kế hoạch tập trung cho việc sản xuất hàng Tết |
Tích cực phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại
Đánh giá cao công tác chuẩn bị từ rất sớm của doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, hàng hóa sản xuất hiện nay khá dồi dào, chất lượng được nâng cao, song sự gắn kết giữa sản xuất phân phối còn lỏng lẻo; việc kiểm soát hàng hóa buôn lậu, gian lận thương mại tuy có cố gắng nhưng chưa đạt hiệu quả cao; cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại nội địa còn thiếu bình đẳng, minh bạch, công khai; giá cả hàng hoá thiết yếu trong những đợt cao điểm thường bị đẩy lên cao, nên cần chú trọng các đợt kích cầu đã, đang và sẽ diễn ra từ nay trở đi, góp phần tạo sức mua xã hội một cách bền vững.
Về vấn đề này, Bộ Công thương vừa có chỉ đạo tới Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Theo đó, Bộ tiếp tục yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phục vụ tết, chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng và các phương án cung ứng hàng hóa. Cùng với đó là triển khai chương trình bình ổn thị trường, chú trọng bảo đảm nguồn cung thực phẩm thiết yếu với giá cả ổn định; thực hiện chương trình kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm… Ngoài ra, vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, Bộ Công thương thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm hàng hóa, niêm yết giá bán…
Để nâng cao hiệu quả hoạt động đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu các đơn vị phải tích cực bồi dưỡng, nâng cao trình độ năng lực của các cán bộ; tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa các lực lượng, nhất là trong việc trao đổi thông tin vừa đảm bảo kịp thời vừa đảm bảo bí mật. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương tổng hợp phương thức, thủ đoạn mới, nhận diện những vấn đề phức tạp, nổi cộm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, kịp thời tham mưu Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo xử lý; đồng thời, tham mưu Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ban hành và chỉ đạo các bộ, ngành, tỉnh, thành phố thực hiện Kế hoạch cao điểm công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.