Rừng tiếp tục chảy máu
Trong đó, Đăk Lăk luôn là điểm nóng diễn ra các vụ phá rừng lấy gỗ, xâm chiếm đất để làm nương rẫy. Mặc dù, các cơ quan chức năng của địa phương này luôn rất nỗ lực trong việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát bảo vệ rừng. Song do điều kiện lực lượng mỏng, địa bàn rộng, cùng với đó các đối tượng phá rừng luôn rình rập sẵn sàng phá rừng để lấy gỗ, xâm chiếm rừng lấy đất phục vụ sản xuất nông nghiệp mọi lúc mọi nơi, khiến địa phương này đau đầu tìm giải pháp ứng phó.
Đăk Lăk luôn đối mặt với vấn nạn xâm hại rừng |
Việc bảo vệ rừng của địa phương đối mặt với nhiều thách thức nên vấn đề này luôn là nội dung nóng trong các kỳ tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đăk Lăk.
Đơn cử mới đây, cơ quan chức năng tỉnh Đăk Lăk phát hiện các đối tượng dùng cả phương tiện cơ giới để phá hàng hecta rừng tại huyện Krông Ana (Đăk Lăk). Liên quan đến vụ việc này, theo Hạt Kiểm lâm huyện Krông Ana, đơn vị đang vận chuyển gỗ tang vật tại buôn Dur Kmăl (xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana) về địa điểm tập kết để cũng cố hồ sơ điều tra vụ việc. Đồng thời, cơ quan cũng đang hoàn tất hồ sơ chuyển cho cơ quan điều tra khởi tố vụ án để điều tra theo quy định pháp luật.
Không riêng tại huyện Krông Ana, nhiều địa phương khác của Đăk Lăk cũng đặt trong tình trạng báo động về vấn nạn phá rừng. Điển hình, theo Hạt Kiểm lâm huyện Ea H’leo, từ đầu năm 2018 đến nay, các lực lượng chức năng của huyện Ea H’leo đã phát hiện và xử lý 67 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu 153,3 m3 các loại, thu nộp ngân sách Nhà nước 178 triệu đồng. Trong đó, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng để làm nương rẫy vẫn diễn biến phức tạp với 8 vụ, diện tích khoảng 5,5 ha.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Ea H’leo, các đối tượng phá rừng làm nương rẫy thường tụ tập đông người, chặt hạ rừng cả vào ban đêm. Điều đáng quan ngại, các đối tượng này sẵn sàng chống đối lại lực lượng chức năng khi bị phát hiện.
Cụ thể, như ngày 12/4/2018, các đối tượng phá rừng tại tiểu khu 119 thuộc lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Thuần Mẫn khi bị lực lượng chức năng phát hiện đã dùng súng bắn vào nhân viên bảo vệ rừng. Vụ nổ súng tuy không gây thương tích, song cho thấy sự manh động, hung hãn của các lâm tặc, gây nguy hiểm và khó khăn cho lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của địa phương.
Cũng trên địa bàn huyện Ea Súp, vào ngày 14/5/2018, lực lượng chức năng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê vừa phát hiện nhóm đối tượng phá rừng tại Tiểu khu 238, xã Ea Bung. Tại đây, các chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê phát hiện một nhóm đối tượng dùng cưa máy chặt phá rừng để làm rẫy tại khu vực này, gồm: Nguyễn Văn Chung, xã Ea Lê; Phan Văn Dương, thị trấn Ea Súp và Lê Văn Dương, xã Ea Lê.
Qua kiểm tra thực trạng tại hiện trường, đơn vị phát hiện có hơn 18ha rừng bị phá, trong đó 10ha đã bị đốn hạ đã lâu, vết cắt cũ; hơn 8ha vừa mới bị đốn hạ, vết cắt còn mới. Hiện Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê đang phối hợp, bàn giao các đối tượng phá rừng cùng tang vật vi phạm cho Công an huyện Ea Súp điều tra, xác minh, xử lý theo quy định.
Không những rừng tự nhiên bị các đối tượng lâm tặc rình rập phá hại, các khu rừng đặc dụng tại Đăk Lăk như Nam Ka, Buôn Đôn… cũng luôn nằm trong tình trạng báo động đỏ về vấn nạn phá rừng lấy gỗ, xâm chiếm lấy đất sản xuất.
Mới đây, hơn 10ha rừng Nam Ka tại tiểu khu 1023 bị phá để làm nương rẫy mà nguyên nhân được xác định là do Trạm kiểm lâm số 8 thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng, không ngăn chặn xử lý kịp thời.
Sau vụ việc, đơn vị chủ rừng kỷ luật 4 cán bộ, nhân viên kiểm lâm của trạm này từ mức cách chức đến cảnh cáo, khiển trách. Cạnh đó, Ban quản lý cũng tổ chức họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh công tác lãnh đạo, quản lý; tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, tổ chức chốt chặn những đường mòn vào rừng, kiểm soát chặt chẽ các đối tượng ra vào rừng để ngăn chặn việc đưa các phương tiện cơ giới vào rừng và xử lý nghiêm các vụ xâm hại về rừng.
Hiện Đăk Lăk đang đối mặt với áp lực rất lớn trong công tác bảo vệ rừng, bởi tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng để canh tác diễn ra phổ biến tại nhiều nơi. Cùng đó, vì sinh kế, người dân thường xuyên vào rừng lấy củi, hái măng, hay chặt cây dựng nhà, bất chấp quy định quản lý của nhà nước, gây ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rừng.
Trước thực trạng này, Đăk Lăk cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng. Mặt khác, chính quyền địa phương cần có giải pháp trong việc ổn định công tác di cư tự do, nâng cao đời sống của người dân, nhất là người dân bản địa. Có như thế mới mong giảm thiểu nạn phá rừng tại địa phương này.