Sách và… rượu bia!
Ngày nay, ra ngoài đường không khó để thấy cảnh thanh niên tụ tập, “chén chú chén anh”, bởi lẽ các quán nhậu mọc lên như nấm, san sát nhau. Người ngồi nhậu chật kín các quán, tràn ra cả vỉa hè, có chỗ nếu không đặt bàn trước chắc chắn bạn sẽ phải “ngậm ngùi” quay về. Tuy nhiên, lại phải tìm “đỏ mắt” để có thể thấy cảnh người Việt đọc sách trong nhà ga, công viên, hành lang bệnh viện… như một số nước phương Tây!
Theo số liệu do Cục Xuất bản Việt Nam thống kê trong ba năm gần đây, bình quân mỗi năm Việt Nam xuất bản khoảng 400 triệu bản sách. Điều đáng nói là trong số này có trên 300 triệu bản là sách giáo khoa, giáo trình phục vụ cho nhu cầu học tập, nghiên cứu, tham khảo kiến thức cho 2,2 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước. Như vậy, chỉ còn khoảng gần 100 triệu bản sách các loại khác chia trên 90 triệu dân. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi năm một người Việt đọc chừng 1 quyển sách.
Nhiều bạn trẻ thay vì bồi bổ tri thức, thì chỉ thích tụ tập rượu bia |
Trong khi đó, theo nghiên cứu mới công bố của Tạp chí y khoa Lancet (Anh) về tình trạng sử dụng đồ uống có cồn thì tại khu vực Đông Nam Á, lượng tiêu thụ rượu đã tăng 34% trong vòng 7 năm (2010 - 2017). Đáng chú ý, ở giai đoạn này, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng tiêu thụ rượu lớn nhất thế giới, gần 90% kể từ năm 2010, gấp khoảng 2,5 lần tốc độ tiêu thụ của Ấn Độ (37,2%). Năm 2017, bình quân mỗi người Việt uống gần 9 lít đồ uống có cồn, con số này tại Ấn Độ là 5,9 lít; Nhật Bản là 7,9 lít...
Tình trạng tiêu thụ rượu bia tại Việt Nam đang ở mức báo động. Một điều đáng buồn là người sử dụng bia rượu hiện nay có xu hướng trẻ hóa. Các bạn trẻ chừng 14 tuổi đã biết vào quán xá, tụ tập “chém gió”… Điều này dẫn tới nhiều hệ quả khôn lường cho sức khỏe, làm tăng nguy cơ mất an toàn giao thông. Thay vì tập trung trí tuệ, tinh thần, tuổi trẻ để theo đuổi đam mê, làm những việc thực sự có giá trị thì một số bộ phận giới trẻ lại chọn cho mình lối sống học đòi, hưởng thụ, tiêu tốn thời gian, tiền bạc. Trong khi đó, những cuốn sách trên kệ vẫn nằm nguyên, hằng năm chưa được đọc hết chương đầu, tương lai không xa sẽ bị xếp xó và bán cân.
Người Việt chưa có thói quen đọc sách trong sinh hoạt, và chỉ tìm đến sách như một công cụ tìm kiếm thông tin mỗi khi cần. Tôi có quen một cậu bạn, vừa tốt nghiệp cao đẳng, hiện đang là nhân viên bán hàng trong một siêu thị điện máy nhỏ. Mặc dù đồng lương eo hẹp nhưng mỗi giờ tan làm, cậu vẫn thường rủ anh em đi nhậu nhẹt, quán xá vỉa hè. Đối với việc đọc sách để tích lũy tri thức, cậu lại cho rằng: “Đọc sách đâu có kiếm ra tiền”, “thời gian đâu mà ngồi đọc” hay “không đọc sách vẫn sống như thường”. Nếu ai cũng giữ lối suy nghĩ như vậy thì số phận của những cuốn sách sẽ đi về đâu? Sứ mệnh của sách sẽ được thực hiện như thế nào? Đã đến lúc chúng ta phải tự hỏi một cách bức xúc và đầy ái ngại rằng: “Làm sao để xây dựng được nền tảng văn hóa đọc vững chắc như “văn hóa bia rượu?”.