Sẵn sàng xem xét tăng chỉ tiêu tín dụng nhưng phải đảm bảo chất lượng
Tăng trưởng tín dụng Chưa phải thời điểm thích hợp bỏ room tín dụng Dòng chảy tín dụng cho tam nông đang phát huy hiệu quả |
Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng 2024
Có một điểm khác biệt so với năm trước, NHNN đã giao cho các TCTD kế hoạch tăng trưởng tín dụng là 15% ngay từ đầu năm 2024. Chia sẻ lý do đưa ra quyết định trên, tại buổi Họp báo triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2024, ông Phạm Chí Quang – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, khó khăn đối với nền kinh tế vẫn rất rõ ràng, các NHTW trên thế giới vẫn duy trì lãi suất cao, chưa hạ lãi suất nên khả năng suy thoái nhẹ có thể xảy ra. Điều này sẽ tác động đến nền kinh tế Việt Nam vốn có độ mở lớn. Trước tình hình tổng cầu có nguy cơ giảm trong năm 2024, NHNN chủ động, quyết liệt, sáng tạo trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện cho các TCTD cung cấp lượng vốn đầy đủ, kịp thời để có thể đáp ứng nhu cầu hợp pháp của nền kinh tế ngay từ đầu năm.
Dựa trên một số cơ sở quan trọng NHNN đã quyết định giao tăng trưởng tín dụng 15%. Cụ thể, hiện nay các tổ chức quốc tế đều cảnh báo tỷ lệ tín dụng/GDP đang rất cao rủi ro, tiềm ẩn rủi ro an toàn, an ninh tài chính của nước ta. Đơn cử, WB đánh giá Việt Nam có tỷ lệ tín dụng/GDP ở mức cao nhất trong các nước có thu nhập trung bình thấp; hay theo đánh giá của Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s, tỷ lệ này của Việt Nam đang cao nhất của các quốc gia xếp hạng tín nhiệm Ba và Baa.
Ông Phạm Chí Quang – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ trả lời câu hỏi của phóng viên tại Họp báo |
Bên cạnh đó, theo ông Quang, mặc dù thời gian qua, NHNN đã có nhiều giải pháp đồng bộ, chấn chỉnh, nhưng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đến nay đã gần 5%. Lý do người dân, doanh nghiệp không có khả năng trả nợ dưới tác động của đại dịch và nhiều yếu tố khác. Điều này ảnh hưởng rất nhiều tới an toàn hệ thống. Đó là một trong những cơ sở để NHNN báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu tín dụng cho các NHTM từ đầu năm.
Tiếp tục đảm bảo chất lượng tín dụng
Chia sẻ quan điểm về điều hành tín dụng, Phó Thống đốc cho biết, thời gian tới, NHNN sẽ hết sức nỗ lực triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp. Nhưng để sức hấp thụ vốn tốt phải phụ thuộc vào cả yếu tố chủ quan và khách quan, chứ riêng ngành Ngân hàng không thể làm cầu tín dụng tăng. Yếu tố khách quan, từ môi trường kinh tế cải thiện mới kích cầu đầu tư, cầu tiêu dùng tăng. Còn yếu tố chủ quan, về phía doanh nghiệp cần nâng cao sức khoẻ, năng lực của mình. Ngân hàng phải tạo điều kiện thuận lợi hơn, thông qua cắt giảm thủ tục không cần thiết và mạnh dạn hơn trong cho vay.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Họp báo |
Phó Thống đốc yêu cầu, NHTM cần tiếp tục thể hiện trách nhiệm hơn trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Về phía NHNN sẵn sàng xem xét tăng chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng nhưng trong điều kiện vĩ mô của nền kinh tế cho phép và quan trọng nhất là phải đảm bảo chất lượng tín dụng, dòng vốn hiệu quả, đúng mục đích.
Thời gian tới, Phó Thống đốc cho biết, NHNN sẽ điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Toàn cảnh Họp báo |
Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ được giao của ngành ngân hàng tại các Chương trình mục tiêu quốc gia; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, tháo gỡ và thúc đẩy mở rộng tín dụng tiêu dùng đi đôi với an toàn, lành mạnh, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.
Đối với việc gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, đại diện NHNN cho biết, Thông tư này sẽ hết hiệu lực vào ngày 30/6 tới. "Trước 3 tháng Thông tư hết hiệu lực, nếu thấy cần thiết, NHNN sẽ xem xét gia hạn để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp", Phó Thống đốc thông tin thêm.
Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng tính đến cuối năm 2023 đạt 13,5%, tăng 15% so với cuối năm 2022; Tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế trong năm 2023 đạt gần 13,6 triệu tỷ đồng. Theo đó ước tính 1,3 triệu tỷ đồng đã được bơm ra. Năm 2024, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%, ước tính khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế. |