Sản xuất công nghiệp của tỉnh Bình Dương khởi sắc
Theo UBND tỉnh Bình Dương, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh dần phục hồi. Trong 7 tháng, các khu công nghiệp đã cho thuê 79,22 ha đất, thu hút đầu tư nước ngoài 944 triệu USD (chiếm 88,64% cả tỉnh). Tỉnh Bình Dương đã tổ chức động thổ xây dựng cụm công nghiệp An Lập (75 ha); đang nghiên cứu đầu tư khu công nghiệp cơ khí, khu công nghệ thông tin tập trung..., phục vụ thu hút các ngành cơ khí ô tô và phát triển công nghiệp công nghệ cao...
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương đánh giá hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn trong thời gian qua có nhiều khởi sắc |
Những tháng đầu năm 2024, tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên các ngành, lĩnh vực. UBND tỉnh tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và các dự án bất động sản, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh; nhiều sự kiện, hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư được tổ chức thành công; việc giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án quan trọng của tỉnh, công trình giao thông trọng điểm quốc gia được khẩn trương thực hiện.
UBND tỉnh cũng nhận định, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong 7 tháng trên địa bàn tỉnh đã hồi phục, đơn hàng ngày càng nhiều hơn, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động để mở rộng dây chuyền sản xuất, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc, giày da...
Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương thời gian qua đã khởi sắc với nhiều ngành phục hồi tăng trưởng. |
Để thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 202, UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu các đơn vị phối hợp chặt chẽ, phát huy những kết quả đạt được, tranh thủ mọi nguồn lực, cơ hội, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hi. Các đơn vị phải nắm chắc tình hình, phân tích, dự báo, xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế quý III và cả năm 2024 để có giải pháp phù hợp, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng kinh tế: sản xuất công nghiệp, tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu; phấn đấu hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ, kế hoạch đã đề ra. Song song đó, các ngành phải đăng ký làm việc với các Bộ, ngành Trung ương để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của địa phương.
“Các đơn vị liên quan phải thường xuyên tổ chức tiếp xúc, làm việc trực tiếp với từng hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Đẩy nhanh tiến độ mở rộng các Khu công nghiệp và đầu tư mới các Cụm công nghiệp theo quy hoạch; xây dựng tiêu chí phát triển công nghiệp sinh thái, công nghệ cao; hoàn thiện chính sách di dời doanh nghiệp từ phía Nam lên các khu, cụm công nghiệp phía Bắc”, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương nói.