Sản xuất thép hướng tới mục tiêu xanh
Mới đây, Hội nghị và Triển lãm Thép Đông Nam Á 2024 (2024 SEAISI Conference & Exhibition), được tổ chức tại TP. Đà Nẵng đã quy tụ hơn 400 “ông lớn” trong ngành thép khu vực châu Á cùng các chuyên gia đầu ngành. Hội nghị có chủ đề Surviving and Thriving in the Decarbonized World (Tồn tại và phát triển trong kỷ nguyên trung hòa các-bon).
Theo TS. Edwin Basson, Tổng Giám đốc Hiệp hội Thép Thế giới, ngành thép đang chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi bốn xu hướng lớn bùng nổ đặc biệt sau đại dịch Covid-19, mang đến những thay đổi to lớn: Tiến bộ công nghệ, biến đổi kinh tế xã hội, địa chính trị và đặc biệt là biến đổi khí hậu. Để thích ứng, ngành thép cần thiết trải qua các giai đoạn cải cách và dự kiến đến năm 2050 sẽ đạt được nền kinh tế tuần hoàn dựa trên ngành thép xanh…
Hội nghị và Triển lãm Thép Đông Nam Á 2024 tổ chức tại TP. Đà Nẵng đã quy tụ hơn 400 “ông lớn” ngành thép khu vực. |
Nằm trong xu hướng chung của thế giới, công nghiệp thép Việt Nam trong thời gian qua đã từng bước phát triển và có đóng góp lớn vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như sự tăng trưởng kinh tế của các địa phương. Đặc biệt, tại Việt Nam từ năm 2015, ngành công nghiệp thép đã phát triển và trở thành một trong những quốc gia sản xuất hàng đầu trong khu vực ASEAN về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thép thành phẩm và xếp thứ 12 trên thế giới về sản xuất thép thô vào năm 2023, với sản lượng đạt 20 triệu tấn.
Tuy nhiên, sản xuất thép vẫn là một ngành có phát thải khí nhà kính lớn và tác động tới môi trường, chịu trách nhiệm cho 7% tổng lượng phát thải quốc gia. Tại Hội nghị và Triển lãm Thép Đông Nam Á 2024, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam chia sẻ, việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh là xu hướng tất yếu để đáp ứng nhu cầu của thị trường, ứng dụng công nghệ một cách nhanh chóng để giảm phát thải khí các-bon. Hội nghị và Triển lãm Thép Đông Nam Á 2024 là tiền đề để các nước cùng nhau hành động, trong bối cảnh Việt Nam và nhiều quốc gia Đông Nam Á đang cùng nỗ lực giảm phát thải trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Cũng theo ông Nghiêm Xuân Đa: Các quốc gia cần phối hợp với nhau để đảm bảo sự phát triển đồng đều, đồng thời có sự cam kết về biến đổi khí hậu trong nhiều bối cảnh khác nhau. Trong năm 2024, Chính phủ đã có những chính sách quản lý tốt hơn đối với các bên, đây là tín hiệu tích cực để ngành thép có thể phục hồi trong thời gian tới. Các doanh nghiệp thép tại Việt Nam phải nỗ lực hết mình để có thể giảm phát thải cacbon, tiết kiệm năng lượng trong thời gian tới.
Ngành thép Việt Nam trong thời gian qua đã từng bước phát triển và có đóng góp lớn vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. |
Trên thực tế, việc phát triển ngành công nghiệp thép Đông Nam Á nói chung và ngành thép Việt Nam nói riêng hướng tới Chiến lược tăng trưởng xanh có ý nghĩa rất quan trọng trong thực hiện các định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và chỉ đạo của Chính phủ thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu - COP26… Trong xu hướng xanh hóa toàn cầu hiện nay, các nỗ lực cam kết đạt được phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) của các quốc gia và sự hợp tác quốc tế đang đem lại sự chuyển đổi lớn trong các ngành có sử dụng thép.
Để đáp ứng nhu cầu này, ngành thép phải nhanh chóng chuyển đổi bằng cách áp dụng các công nghệ luyện kim mới nhất để giảm phát thải các-bon. Đồng thời, áp dụng tiến bộ của công nghệ thông tin để chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào nhà máy thông minh để tối ưu hóa sản xuất và giảm phát thải… Ngành thép Việt Nam đang từng bước nỗ lực chuyển đổi, tối ưu hóa công nghệ, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, tận dụng nhiệt thừa trong quá trình sản xuất để phát điện…
Ông Nguyễn Minh Tú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Kim loại Công nghiệp Stavian (Stavian Industrial Metal) chia sẻ: Chúng tôi luôn chủ động xúc tiến các cơ hội hợp tác về thương mại, đầu tư, sản xuất, chuyển giao công nghệ, dữ liệu lớn liên quan tới thép xanh nói riêng và kim loại xanh nói chung. Chúng tôi cũng sẵn sàng tham gia vào các hoạt động đào tạo, chia sẻ để nâng cao kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng, năng lực chuyên môn, quản lý lãnh đạo nhằm xây dựng nền tảng cốt lõi cho một nền công nghiệp sản xuất kim loại xanh và bền vững hơn.
Ngành thép phải nhanh chóng chuyển đổi bằng cách áp dụng các công nghệ luyện kim mới nhất để giảm phát thải các-bon. |
Cũng tại Hội nghị và Triển lãm Thép Đông Nam Á 2024, ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã đề nghị các cấp quản lý nhà nước Trung ương và địa phương quan tâm đến việc tạo điều kiện cho Hiệp hội Thép Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp sản xuất thép đủ điều kiện thực hiện chuyển đổi xanh, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu - COP26; các chuyên gia và tổ chức quốc tế quan tâm và hỗ trợ ngành thép Việt Nam, cùng chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ, kỹ thuật, hỗ trợ tài chính, nguồn nhân lực và các giải pháp quản lý để xây dựng, phát triển và triển khai lộ trình trung hòa các-bon.
"TP. Đà Nẵng cũng đã và đang không ngừng đưa ra những biện pháp quyết liệt để giảm phát thải các-bon, tăng cường sử dụng nguồn năng lượng tái tạo bảo vệ môi trường và tin rằng việc áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới, sáng tạo trong ngành công nghiệp thép cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu…", ông Trần Chí Cường nói.