Sắp diễn ra Tọa đàm "Tiếp sức sản phẩm OCOP vươn xa"
Kết nối cung - cầu, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP Nâng tầm sản phẩm OCOP theo chiều sâu |
Ngày 07/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020, mở ra một trang mới cho ngành nghề nông thôn Việt Nam. Chương trình không chỉ tập trung vào việc phát triển các sản phẩm độc đáo của từng địa phương mà còn thúc đẩy việc xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm. Tiếp nối thành công này, ngày 01/8/2022, Thủ tướng tiếp tục phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 qua Quyết định số 919/QĐ-TTg, với mục tiêu phát triển bền vững và toàn diện.
Sau thời gian dài kiên trì triển khai, các chuyên gia đều nhấn mạnh rằng chương trình OCOP đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Đến tháng 5/2024, cả nước có 12.758 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên và 6.957 chủ thể OCOP. Những con số này không chỉ phản ánh sự phát triển của các sản phẩm nông thôn mà còn cho thấy sự khơi dậy tiềm năng vùng miền, biến những đặc sản địa phương thành các sản phẩm có giá trị cao, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của người dân nông thôn.
Ngành Ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các sản phẩm OCOP vươn xa. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là các sản phẩm OCOP. Các ngân hàng thương mại đã triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi, giúp thay đổi tư duy sản xuất của người dân, hợp tác xã, từ quy mô nhỏ lẻ sang sản xuất theo chuỗi giá trị, truy xuất nguồn gốc và đáp ứng nhu cầu thị trường. Điều này đã tạo ra cú hích lớn, giúp các sản phẩm OCOP không chỉ nâng cao chất lượng mà còn mở rộng thị trường tiêu thụ.
Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, chương trình OCOP vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Các sản phẩm OCOP vẫn đối mặt với vấn đề về chất lượng, và cơ chế chính sách chưa đồng bộ. Một số địa phương chưa thực sự chủ động trong việc hỗ trợ chủ thể OCOP, đặc biệt là về nâng cao năng lực tổ chức, quản trị, chế biến và thương mại sản phẩm. Việc chỉ chú trọng vào mẫu mã, bao bì mà chưa thực sự quan tâm đến chất lượng cũng là một điểm yếu cần cải thiện.
Tại Tọa đàm "TIẾP SỨC SẢN PHẨM OCOP VƯƠN XA", các chuyên gia, diễn giả sẽ thảo luận về những bước tiến, những thành công đã đạt được và những hạn chế còn tồn tại trong chương trình OCOP. Đồng thời, họ sẽ đề xuất các giải pháp sáng tạo, đột phá để các sản phẩm OCOP không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế. Những ý kiến đóng góp này sẽ là cơ sở để nâng cao chất lượng cung ứng nguồn vốn, hỗ trợ kịp thời và hiệu quả cho các chủ thể OCOP.
Để chương trình OCOP đạt hiệu quả và phát triển bền vững, các chuyên gia khẳng định cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Hành lang pháp lý cần được xây dựng vững chắc, ngân hàng và tổ chức tín dụng cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất ưu đãi. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ từ hoạt động truyền thông - báo chí cũng rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của chương trình OCOP, góp phần phát triển kinh tế nông thôn bền vững và bảo vệ môi trường.
Tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia và diễn giả:
1. Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy
2. PGS.TS Mai Quang Vinh - Chủ tịch Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam – Viện trưởng Viện Công nghệ xanh
3. Ông Đào Đức Huấn – Trưởng phòng OCOP Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
4. Ông Phạm Trường Giang - Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Phú Thọ
5. Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank)
6. Ông Hoàng Minh Tiến - Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Thanh Ba, Phú Thọ
7. Bà Bùi Thị Mão - Giám đốc Công ty TNHH Chè Hoài Trung
8. Bà Nậm Trà - Chủ tịch - Tổng giám đốc Tập đoàn Phát triển thịnh vượng Việt Nam
Tọa đàm "TIẾP SỨC SẢN PHẨM OCOP VƯƠN XA" hứa hẹn sẽ mang đến mang đến nhiều góc nhìn mới mẻ và các giải pháp sáng tạo từ các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, đại diện các bộ, ngành, ngân hàng thương mại. Từ đó, đưa ra được những giải pháp sáng tạo, đột phá, giúp các chủ thể OCOP kết nối, học hỏi và phát triển bền vững.