Sau 4 tỷ lít bia tiêu thụ
Bất chấp lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lên 60% từ năm 2017, tiếp tục tăng lên 65% từ đầu năm 2018, tiêu thụ bia và tỷ lệ bình quân trên đầu người của Việt Nam vẫn đang theo chiều tăng “thẳng đứng”.
Ảnh minh họa |
Chỉ mất khoảng 4 năm, từ năm 2013, lượng bia tiêu thụ trên cả nước đã tăng thêm khoảng 1 tỷ lít, lên mức hơn 4 tỷ lít bia cho cả năm 2017, theo báo cáo mới công bố của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát (VBA). Với đà này, có lẽ mục tiêu đạt 5,5 tỷ lít bia vào năm 2035, theo quy hoạch định hướng của Bộ Công thương, sẽ đạt được sớm hơn nhiều.
Tiêu dùng bia và cả rượu, giờ đây như thể một nhu cầu không thể thiếu với đa số người Việt, điều đã “định danh” một thị trường đầy tiềm năng. Bởi tính trung bình, hiện tại người Việt tiêu dùng khoảng 43 lít bia/người/năm. Con số này, nếu theo tiến trình như quy hoạch của Bộ Công thương, sẽ đạt 52 lít bia/người/năm vào năm 2035. Và tất nhiên, như nói ở trên, quy hoạch này đang cho thấy rất dễ bị phá vỡ.
Tiêu thụ bia tăng liên tục đang khiến cho nhiều DN trong ngành này “ăn nên làm ra”. Vào năm ngoái, Habeco vượt nhiều chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, như sản lượng bia các loại đạt 675,7 triệu lít. Và cùng với sản lượng rượu 4,5 triệu lít, tổng doanh thu (tách thuế tiêu thụ đặc biệt) của DN này đạt 7.781,7 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 952,2 tỷ đồng...
Nhưng, kết quả kinh doanh của Sabeco còn “khủng” hơn thế nhiều. Năm ngoái, DN này đã bán ra thị trường gần 1,73 tỷ lít bia, tăng trưởng 8%; lợi nhuận sau thuế đạt 4.824 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2016. Nộp ngân sách nhà nước của các DN ngành bia cũng lên đến hàng chục nghìn tỷ mỗi năm.
Triển vọng thị trường và đà kinh doanh phát đạt của các DN bia đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Trong nhóm “Big 4” gồm Sabeco, Habeco, Hue Brewery và Heineken, đương nhiên loại trừ các DN nước ngoài và nước ngoài đã thâu tóm thì Sabeco và Habeco là những cái tên được quan tâm đặc biệt.
Ngay những thời khắc cuối năm dương lịch 2017, thương vụ chuyển nhượng 54% cổ phần Sabeco nổi lên là một sự kiện đáng chú ý. Thaibev - một DN xuất xứ Thái Lan - đã bỏ tới 1/3 vốn hóa của mình, tương đương khoảng 5 tỷ USD để mua cổ phần Sabeco, hình thành thế lực của mình tại thị trường bia Việt.
Nhà nước thoái vốn khỏi các DN không cần sự can thiệp của nhà nước là đúng. Và vòng xoáy tiếp theo của câu chuyện thu hút vốn ngoại qua bán vốn DN bia như trên là tăng tiềm lực tài chính nhà nước. Nhưng, nhiều tỷ đô đổ vào kênh nào còn rất nhiều trăn trở: Đầu tư vào hạ tầng liệu có thất thoát như nhiều dự án đang “đau đáu” nỗi niềm hiện nay, đặc biệt là những “đại án” đang xét xử? Hay, đưa vào DNNN có làm mất tính thị trường của nền kinh tế?...
Trong khi đó, mặt trái của tiêu dùng nhiều bia và rượu, chứa đựng nhiều đau xót. Giờ đây, đó không chỉ là chuyện vợ giận chồng bỏ bê con cái vì nhậu nhẹt, mà còn liên quan đến tính mạng con người. Mới đầu tuần này, tại Kiến Thụy, Hải Phòng, một lái xe trong tình trạng uống rượu bia đã tông và làm tử vong 2 nữ sinh. Trước đó, 2 nhóm đối tượng đi đám cưới và có va chạm đã mang hung khí để “tính toán” với nhau gây náo loạn tại khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh.
Không thể kể siết những vụ việc thương tâm do bia rượu gây ra, suốt năm này đến năm khác. Đó thậm chí đang là chuyện “thường ngày ở huyện”, vẫn đang bị xã hội lên án nhưng không bao giờ thiếu ở đời sống người dân.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia từng cho biết những con số đau lòng, mỗi ngày trên địa bàn cả nước có trung bình 24 người chết và 60 người bị thương vì tai nạn giao thông. Trong đó, khảo sát sơ bộ cho thấy tỷ lệ các vụ tai nạn do rượu bia chiếm khoảng 39,6%, hay xấp xỉ 9.000 vụ. Và cũng theo ông Hùng, kết quả trên chưa phản ánh đúng thực tế, mà con số có thể cao hơn nhiều và vẫn gia tăng theo các năm.
Trong khi đó, nhiều nghiên cứu y học cũng chỉ ra rằng, uống nhiều rượu bia có thể gây thiếu máu, ung thư, bệnh tim mạch, xơ gan, mất trí nhớ, gout, huyết áp cao, bệnh phổi, viêm loét dạ dày - tá tràng, viêm tụy…
Cho nên, chẳng vẻ vang gì khi Việt Nam thăng hạng vượt bậc trong các nước tiêu thụ nhiều bia, từ vị trí thứ 8 châu Á năm 2008 đến vị trí thứ 3 trong năm 2017, chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc. Ngay cả khi Sabeco đặt mục tiêu bán được hơn 1,8 tỷ lít bia trong năm 2018 và có khả năng lên mức 2 tỷ lít bia từ năm 2019, thì đằng sau hàng tỷ lít bia tiêu thụ tại Việt Nam mỗi năm, sau câu chuyện bán vốn cải thiện tài chính quốc gia, vẫn còn nhiều chuyện đáng trăn trở.