Sẽ xử phạt doanh nghiệp bán bảo hiểm xe máy bắt buộc không đúng giá
Sớm lập đoàn liên ngành để kiểm tra việc bán bảo hiểm
Theo quy định của Bộ Tài chính, giá bảo hiểm gốc là 66.000 đồng/thẻ/năm. Nhưng gần đây dư luận xôn xao về hiện tượng các doanh nghiệp bán bảo hiểm không tuân thủ đúng quy định pháp luật, thi nhau giảm giá từ 50.000 đồng, rồi 35.000 đồng, thậm chí 20.000 đồng/thẻ bảo hiểm xe máy/năm.
Tình trạng này xuất hiện từ khi có thông tin từ ngày 15/5/2020 đến ngày 14/6/2020, cảnh sát giao thông tổng kiểm soát, được phép dừng tất cả các xe để kiểm tra giấy tờ, trong đó có Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới.
Bảo hiểm xe máy được bày bán tràn lan trên một số tuyến đường với nhiều các mệnh giá khác nhau. Nguồn internet |
Tại cuộc hợp báo, Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, theo quy định của pháp luật kinh doanh bảo hiểm doanh nghiệp, bảo hiểm được quyền chủ động bán sản phẩm bảo hiểm dưới các hình thức trực tiếp hoặc thông qua đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, hay bán thông qua đấu thầu, thông qua giao dịch điện tử... Như vậy, việc người dân có thể mua bảo hiểm từ công ty tới "vỉa hè" là phụ thuộc vào hình thức bán sản phẩm bảo hiểm của từng doanh nghiệp bảo hiểm.
Trên thực tế, ngoài việc tham gia hợp đồng bảo hiểm TNDS bắt buộc, chủ xe cơ giới có thể thỏa thuận với doanh nghiệp bảo hiểm để tham gia hợp đồng bảo hiểm tự nguyện về trách nhiệm đối với người ngồi trên xe (không phải lái xe). Phí bảo hiểm đối với bảo hiểm tự nguyện này là 10.000 đồng/người/năm, xe máy được chở tối đa 2 người có giá 20.000 đồng/2 người/năm, tương ứng với mức trách nhiệm bảo hiểm là 10 triệu đồng/người/vụ. Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp bảo hiểm được chủ động xây dựng, triển khai các sản phẩm bảo hiểm tự nguyện phù hợp với quy định pháp luật kinh doanh bảo hiểm và quy định pháp luật có liên quan.
“Trường hợp có bằng chứng chứng minh doanh nghiệp bảo hiểm cho phép đại lý giảm giá các sản phẩm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bị xem xét, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 33 Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngày 16/9/2008 của Chính phủ”, lãnh đạo Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm khẳng định.
Ngay khi nhận được phản ánh của một số cơ quan báo chí, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm rà soát việc triển khai bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới trong toàn hệ thống, đảm bảo thực hiện đúng theo quy định pháp luật. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm tiến hành chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Với doanh nghiệp vi phạm, Cục quản lý bảo hiểm sẽ xem xét, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Bộ Tài chính sẽ giám sát theo dõi, cập nhật tình hình triển khai bán bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới để kịp thời có các công văn hướng dẫn, chỉ đạo các doanh nghiệp. Đồng thời, sớm phối hợp với Bộ Công an, Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, Ủy ban Quốc gia về an toàn giao thông và các cơ quan báo chí thành lập các đoàn liên ngành để kiểm tra tình hình triển khai bán bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới, kịp thời phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính các doanh nghiệp vi phạm quy định.
Sẽ bổ sung quy định về hồ sơ bồi thường bảo hiểm
Trước phản ánh của dư luận về việc rất khó khăn để nhận bồi thường bảo hiểm, hồ sơ bồi thường bảo hiểm phức tạp, một số quy định hiện hành về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới không còn phù hợp, đại diện Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cho biết trong tháng 5/2020, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến đối với hồ sơ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP. Nghị định thay thế sẽ giải quyết cơ bản, căn cơ mang tính lâu dài, hạn chế tối đa việc bán bảo hiểm như báo chí đã phản ánh.
Nghị định thay thế Nghị định 103 được dự thảo theo hướng sửa đổi, bổ sung quy định về hồ sơ bồi thường bảo hiểm theo hướng giảm nhẹ gánh nặng thủ tục cho chủ xe, lái xe, tăng tính chủ động và trách nhiệm của các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc thu thập hồ sơ bồi thường, rút ngắn thời gian tạm ứng bồi thường; mở rộng phạm vi và mức chi hỗ trợ bồi thường nhân đạo từ Quỹ bảo hiểm xe cơ giới…
Nghị định sửa đổi sẽ đưa ra mức phí bảo hiểm tương ứng với rủi ro của xe cơ giới (bao gồm xe máy), chủ xe và người lái xe; tăng mức trách nhiệm bảo hiểm cơ bản đảm bảo chi phí thực tế về giá dịch vụ khám, điều trị, chăm sóc y tế và chi phí khắc phục thiệt hại đối với tài sản.
Thời hạn bảo hiểm cũng sẽ linh hoạt hơn theo hướng tối thiểu là 1 năm và tối đa là 3 năm đối với xe máy và tối thiểu là 1 năm và tối đa tương ứng với thời hạn kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe ô tô.
Dự thảo Nghị định này do Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp, Ủy ban Quốc gia về an toàn giao thông, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng.
Với vai trò, ý nghĩa xã hội và tính chất nhân đạo của bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, từ năm 1998, Chính phủ đã quy định loại hình bảo hiểm này là loại hình bảo hiểm bắt buộc. Trong 10 năm qua, đã có 110,3 triệu lượt xe cơ giới tham gia bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới. Đã giải quyết bồi thường bảo hiểm cho 593.658 vụ tai nạn giao thông, trung bình 9 triệu đồng/vụ (101.214 vụ tai nạn xe máy, trung bình 5 triệu đồng/vụ). Về mức trách nhiệm bảo hiểm hiện nay với thiệt hại về người là 100 triệu đồng/người/vụ tai nạn; đối với thiệt hại về tài sản là 100 triệu đồng/vụ tai nạn do xe ô tô gây ra, 50 triệu đồng/vụ tai nạn do xe máy gây ra. Mức hỗ trợ nhân đạo: 20 triệu đồng/người/vụ. |