Số hóa để lan tỏa những giá trị văn hóa
Xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam thời 4.0 Tôn vinh giá trị văn hóa ẩm thực địa phương |
Làm sống lại giá trị văn hóa, lịch sử
Có thể kể đến như chương trình Phục dựng Hoàng thành Huế bằng công nghệ kỹ thuật số được Viện Khoa học công nghệ kỹ thuật cao Hàn Quốc phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện. Trong đó, các di tích trong Hoàng thành Huế, đặc biệt là điện Thái Hòa, đã được scan bằng công nghệ kỹ thuật số, kết hợp với những hình ảnh động và phim tư liệu để thể hiện một cách sinh động hình ảnh tổng thể khu vực Hoàng thành Huế...
Trước đó, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã hợp tác với Trường đại học La Rochelle (Pháp) thực hiện không gian diễn giải của Hiển Lâm Các. Đây là một trong những hoạt động khởi đầu cho việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác trưng bày, quảng bá thông tin cho du khách tại khu di sản Huế thử nghiệm theo phong cách của Pháp, kết hợp giữa thiết bị hiện đại và thiết kế mỹ thuật dựa trên chất liệu truyền thống của di tích Huế. Đặc biệt vào năm 2018, dự án "Đi tìm Hoàng cung đã mất" là trải nghiệm thực tế ảo VR sử dụng công nghệ 3D do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Công ty IV COM (Liên doanh cùng Công ty UnderDog Studio - Hàn Quốc) đầu tư với tổng mức kinh phí khoảng 2 triệu USD đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách tại Quần thể di tích Cố đô Huế.
Dự án "Đi tìm Hoàng cung đã mất" là trải nghiệm thực tế ảo VR với tổng mức kinh phí 2 triệu USD |
Cũng trong thời gian này, chương trình Việt Nam Giude về trải nghiệm tham quan bảo tàng bằng kỹ thuật số được vận hành thí điểm tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế. Đồng thời, bảo tàng cũng gắn QR code tại các khu vực có bảo vật quốc gia để du khách có thể tiếp cận thông tin đầy đủ và nhanh chóng. Hiện Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế tiếp tục ứng dụng công nghệ trong giới thiệu cổ vật, sử dụng hình ảnh kỹ thuật số kết hợp giới thiệu hiện vật thật, thông qua giải pháp dùng sách tương tác - đọc sách cổ bằng thiết bị kỹ thuật số thay vì tác động trực tiếp lên hiện vật. Với mục tiêu áp dụng công nghệ số để bảo tồn di sản văn hóa, số hóa và lưu trữ dữ liệu các công trình kiến trúc phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu và bảo tồn, trùng tu di tích Huế bằng công nghệ số hóa.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung chia sẻ, Trung tâm đã phối hợp với nhiều tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước để thực hiện dự án số hóa một số di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế nhằm tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật trong công nghệ số để giúp nâng cao hiệu quả và độ chính xác của việc nghiên cứu, lưu trữ dữ liệu, bảo tồn và trùng tu các di tích kiến trúc bằng mô hình 3D... Hiệu quả của các dự án này không chỉ thể hiện trên khía cạnh về công nghệ lưu trữ tiên tiến giúp quản lý và bảo tồn di tích Huế bằng mô hình ảnh 3D, tuyên truyền, quảng bá về các giá trị văn hóa Huế, mà còn ứng dụng công nghệ hiện đại để phổ cập kiến thức về lịch sử, văn hóa, kiến trúc tới người dân, đặc biệt là lớp trẻ, những người đang bước vào tuổi trưởng thành, đánh thức nơi họ niềm yêu thích và ý thức bảo vệ di sản văn hóa của dân tộc.
Bảo tàng kỹ thuật số đầu tiên ở Việt Nam
Không gian trưng bày, trải nghiệm nghệ thuật kỹ thuật số đầu tiên của Việt Nam với cái tên Sống Lab được thiết kế như một bảo tàng sẽ ra mắt công chúng vào ngày 20/10/2023 tại thành phố Huế. Bảo tàng là nơi triển khai chương trình giáo dục lịch sử, văn hóa cho người dân gồm các chủ đề: Những kỷ vật đằng sau cánh cửa. Bàn luận về văn hóa và kiến trúc từ góc nhìn di sản.
Không gian Sống Lab có diện tích hơn 1.000m2 gồm 5 phòng tham quan, trưng bày với tổng mức đầu tư khoảng 50 tỷ đồng. Mỗi căn phòng được trang bị hệ thống đèn lazer, màn hình, loa… hiện đại để phù hợp với mục đích trưng bày, trình diễn khác nhau như: có phòng trình chiếu trên màn hình, có phòng kết hợp với nghệ thuật sắp đặt, có phòng trải nghiệm nghệ thuật nhập vai… Sống Lab hiện đang trưng bày 5 tác phẩm kỹ thuật số: Đâm chồi nảy lộc, Hồng Sắc Long, Mọi miền tiềm thức, Một trăm và Như một dòng chảy. 5 tác phẩm trên đều là tác phẩm nghệ thuật được thể hiện dưới dạng phim đồ họa 3D kết hợp âm thanh và nghệ thuật trình chiếu ánh sáng lên không gian (3D Mapping).
Để thưởng thức tác phẩm, người xem sẽ được đưa vào một phòng kín đầy màu sắc với âm thanh sống động. Tùy vào từng gian phòng, người xem có thể tự chạm vào các màn hình, bức tường hoặc chỉ đơn giản là ngồi xuống thưởng thức, suy ngẫm về dụng ý nghệ thuật của tác giả.
Ông Dương Đỗ - nhà sáng lập Sống Lab cho biết: Không gian trải nghiệm nghệ thuật kỹ thuật số không phải mới xuất hiện. Ở trên thế giới tại nhiều đô thị của nhiều quốc gia như : Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… đều có cho mình những bảo tàng nghệ thuật kỹ thuật số hiện đại và thu hút rất đông lượng khách du lịch đến tham quan. Không gian trải nghiệm nghệ thuật kỹ thuật số ở Huế được đầu tư xây dựng theo phong cách như một số bảo tàng kỹ thuật số trên thế giới. Ngoài trưng bày nghệ thuật trình chiếu, nơi đây hứa hẹn sẽ là nơi trưng bày, trình diễn những loại hình nghệ thuật khác như ca nhạc, điêu khắc, tranh, nghệ thuật sắp đặt…
Cũng theo nhà sáng lập Bảo tàng kỹ thuật số đầu tiên tại Việt Nam này, việc chọn Huế bởi vì vùng đất này có rất nhiều bảo tàng và ngồn ngộn cảm xúc nghệ thuật. Các tác phẩm tại Sống Lab cũng được lấy cảm hứng từ văn hóa của vùng đất này. “Hy vọng sau khi đưa vào hoạt động, Sống Lab sẽ là một trung tâm nghệ thuật sáng tạo, một điểm đến thú vị với những du khách muốn trải nghiệm nghệ thuật hoàn toàn mới lạ khi đến Huế”, ông Đỗ nói.
Không thể phủ nhận, nhờ ứng dụng công nghệ mà di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã và đang ngày càng tăng khả năng kết nối, phát triển du lịch, bắt kịp xu thế. Ứng dụng công nghệ, số hóa di sản không chỉ giải quyết vấn đề trải nghiệm từ xa cho người dân mà còn nâng cao giá trị của điểm đến. Việc ứng dụng công nghệ là giải pháp hữu hiệu để đưa các di sản đang được trưng bày tại các bảo tàng, di tích đến gần hơn với công chúng.