Số hoá ngân hàng thúc đẩy tài chính toàn diện
Ngân hàng số nhộn nhịp hút khách Ngân hàng số: Hạt nhân của kinh tế số Mô hình nào cho ngân hàng số Việt? |
Theo Phó Thống đốc, sự phát triển, quá trình chuyển đổi số và những tiến bộ của công nghệ từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang có những tác động không nhỏ tới lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Các công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 cho phép tùy biến sản phẩm để phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng, giúp tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính theo những cách thức sâu sắc, toàn diện hơn.
Cả lý luận và thực tiễn cho thấy công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo là một trong những nền tảng để phát triển tài chính số; đồng thời, tài chính số lại đóng vai trò hết sức quan trọng trong thúc đẩy khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính tới người dân, doanh nghiệp trong xã hội.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh; Hoàng Giáp |
Cụ thể, ở phương diện vi mô, tài chính số giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính với chi phí hợp lý, thuận tiện và an toàn hơn so với các sản phẩm, dịch vụ tài chính truyền thống. Bên cạnh đó, tài chính số còn giúp các nhà cung cấp dịch vụ tài chính tiết giảm chi phí, tùy biến hơn trong thiết kế sản phẩm, dịch vụ, từ đó, mở ra tiềm năng lớn trong việc nâng cao khả năng tiếp cận tài chính.
Nhiều tính toán cho thấy, chi phí cho mỗi giao dịch thực hiện trên kênh kỹ thuật số giảm đến 80-90% so với các giao dịch truyền thống.
Các mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số như ngân hàng di động, đại lý ngân hàng, cùng với các sản phẩm, dịch vụ như ví điện tử, tiền di động tạo ra các phương thức giao dịch mới, dễ dàng tiếp cận hơn cho người dân, kể cả những người không có tài khoản ngân hàng sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, qua đó thúc đẩy mạnh mẽ hơn tài chính toàn diện.
Ở phương diện vĩ mô, theo Phó Thống đốc, tài chính số giúp nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cho người dân, doanh nghiệp, qua đó cải thiện đáng kể thu nhập và chất lượng cuộc sống của họ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số ngành Ngân hàng đã và đang diễn ra mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả khả quan. Những con số ấn tượng và chuyển đổi số mang lại có thể kể đến như: các ngân hàng, trung gian thanh toán được kết nối liên thông, với thời gian giao dịch tính bằng giây. Giá trị giao dịch qua ngân hàng trung bình lên tới 900.000 tỷ đồng (tương đương với hơn 40 tỷ USD) với khoảng hơn 8 triệu giao dịch/ngày. Đã có trên 70% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Thông qua chuyển đổi số, tỷ lệ chi phí/doanh thu của các ngân hàng đã giảm 30-40%, giúp tiết giảm đáng kể chi phí hoạt động.
Toàn cảnh Tọa đàm. |
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận của các dịch vụ tài chính số, người tiêu dùng cũng đã và đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, đặc biệt là liên quan tới quyền riêng tư và mất an toàn dữ liệu. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của người tiêu dùng vào hệ thống tài chính và hoạt động đổi mới công nghệ.
Theo đó, Phó Thống đốc cho rằng việc tổ chức Tọa đàm “Niềm tin của người tiêu dùng với các dịch vụ tài chính số” có ý nghĩa thực tiễn cao, là diễn đàn để trao đổi, thảo luận, đề xuất các giải pháp nâng cao niềm tin của người tiêu dùng đối với hệ thống tài chính nói chung và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính nói riêng.
Tại tọa đàm khoa học này, Phó Thống đốc mong muốn các nhà khoa học, các nhà quản lý, các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính đi sâu, tập trung thảo luận, giải quyết 3 nhóm vấn đề sau:
Thứ nhất, phân tích, nhận định các yếu tố tác động tới niềm tin người tiêu dùng đối với các dịch vụ tài chính số tại Việt Nam.
Thứ hai, đánh giá thực trạng chuyển đổi số ngành Ngân hàng, các kết quả đạt được và những định hướng chính sách trong thời gian tới.
Thứ ba, đề xuất các giải pháp, kiến nghị chính sách nhằm nâng cao niềm tin của người tiêu dùng đối với các dịch vụ tài chính trong tiến trình chuyển số ngành Ngân hàng.