Sở hữu ôtô khi chưa đủ khả năng tài chính
Vay tiền ngân hàng mua ôtô khi chưa đủ khả năng tài chính |
Mua ôtô dễ dàng từ vốn vay
Nam A Bank đã liên kết cùng Công ty cổ phần ôtô Kim Thanh triển khai chính sách vay dành cho các khách hàng mua xe ôtô hãng Honda với hạn mức cho vay lên đến 100% nhu cầu vốn, lãi suất hấp dẫn chỉ từ 9,5%/năm cố định trong 12 tháng đầu, thời hạn cho vay linh hoạt lên đến 84 tháng, tài sản đảm bảo chính xe mua hoặc tài sản khác của khách hàng. Chính sách này cũng áp dụng cho các doanh nghiệp.
Tìm hiểu về chính sách vay tại Nam A Bank, anh Nguyễn Vĩnh Tình (TP.HCM) cho hay: “Tôi dự định chọn mua cho gia đình mình một chiếc xe ôtô Honda trị giá 750 triệu đồng tại CTCP ôtô Kim Thanh, nếu vay Nam A Bank 500 triệu đồng và trả nợ trong 84 tháng, tính ra mỗi tháng tôi trả lãi khoảng 4 triệu đồng, phần chi phí này trả được”.
Theo ông Hoàng Việt Cường - Giám đốc Khối kinh doanh Nam A Bank, khi chuẩn bị tung ra thị trường, cung ứng đến khách hàng bất kỳ sản phẩm, chính sách ưu đãi nào, Nam A Bank luôn nghiên cứu, tìm hiểu kỹ nhu cầu của khách hàng hiện nay để từ đó, tìm ra các giải pháp phù hợp, tối ưu hóa kế hoạch tài chính cho khách hàng.
Lãi suất cho vay mua ôtô hiện nay phổ biến các ngân hàng đang áp dụng mức lãi suất ưu đãi cố định trong thời gian đầu. Sau đó, lãi suất sẽ được thả nổi theo quy định của từng ngân hàng. Lãi suất ưu đãi cố định trong thời gian đầu hiện nay đang dao động trong khoảng 6,9 – 9,49%/năm trong 6 tháng đầu, 12 tháng đầu và nhiều nhất là 3 năm đầu. Đối với lãi suất của các kỳ tiếp theo, lãi suất thả nổi thường chênh lệch với lãi suất cơ sở (thường là lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của chính ngân hàng đó hoặc bình quân 4 ngân hàng thương mại lớn nhất) trong khoảng từ 1,6 – 4,19%/năm. BIDV hiện đang cho vay với lãi suất ưu đãi 7,8% trong 12 tháng đầu, 8,8%/năm trong 2 năm đầu tiên. Khách hàng cá nhân sẽ được hưởng mức lãi suất rất cạnh tranh khi vay tại VIB, như vay mua ôtô với lãi suất chỉ từ 7,4%/năm.
VIB cho biết, ngân hàng quyết định mức lãi suất cho vay dựa trên cơ sở các loại chi phí hợp lý, bao gồm cả chi phí huy động vốn trung dài hạn, tuy nhiên luôn đảm bảo tính cạnh tranh hợp lý về mặt bằng lãi suất cho vay dành cho khách hàng. Không chỉ đẩy mạnh tín dụng ôtô, lãi suất cho vay mua nhà VIB hiện ưu đãi chỉ từ 7,5%/năm, giảm 0,4% so với thời điểm cuối 2018.
VIB từ một ngân hàng có cấu trúc thiên về khách hàng doanh nghiệp thì đến 2018 tỷ trọng về dư nợ và huy động của hoạt động ngân hàng bán lẻ đã chiếm phần lớn. Việc chuyển đổi này đã đưa Khối Ngân hàng Bán lẻ trở thành nơi đóng góp nguồn lợi nhuận trọng yếu cho VIB trong năm 2018, tiếp tục khẳng định vị thế của mảng bán lẻ khi liên tục dẫn đầu thị trường về tăng trưởng tín dụng bán lẻ và là ngân hàng số 1 về cho vay ôtô trong 2 năm qua.
Phân khúc tín dụng tiềm năng
Ông Nguyễn Lê Quốc Anh - CEO Techcombank cho hay, trong năm nay, ngân hàng sẽ đẩy mạnh vào sản phẩm cho vay mua ôtô. Đây được xem là phân khúc tín dụng tiềm năng để khai thác.
Do khá nhiều ngân hàng cũng có chung hướng đi như Techcombank nên mảng kinh doanh cho vay mua ôtô vẫn được coi là tiềm năng và có sự tranh giành thị phần quyết liệt giữa các nhà băng. Cùng với tiến trình phát triển của nền kinh tế, Việt Nam đang bước vào giai đoạn xã hội hóa xe hơi với sự tăng trưởng nhanh chóng của phân khúc khách hàng cá nhân.
Nửa cuối năm 2018, nguồn ôtô nhập khẩu đã được lưu thông khi các khó khăn trong việc thực hiện Nghị định 116 đã được giải quyết. Sang năm 2019, lượng xe ôtô nhập khẩu nguyên chiếc nhập khẩu vào Việt Nam gia tăng nhanh chóng. Đặc biệt từ hai nước láng giềng Thái Lan, Indonesia chiếm hơn 95% lượng ôtô du lịch nhập khẩu trong 6 tháng qua.
Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 15 ngày đầu tháng 6 cả nước nhập 6.019 ôtô nguyên chiếc các loại, tổng kim ngạch 135,4 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm đến 15/6, tổng lượng ôtô nguyên chiếc nhập về Việt Nam nâng lên 70.918 xe, tổng kim ngạch gần 1,56 tỷ USD. Trong đó ôtô 9 chỗ ngồi trở xuống 52.348 xe, gấp khoảng 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái, giá trị ước đạt gần 1 tỷ USD.
Thị trường ôtô những tháng đầu năm nay cho thấy xu thế giảm giá mạnh đến từ nhiều dòng xe, mà nguyên nhân chính là nhờ nguồn cung dồi dào đến từ việc nhập khẩu cũng như sản xuất trong nước.
Số liệu cập nhật nhất đến 30/8/2019, lượng ôtô nhập khẩu vào Việt Nam đạt 95.929 chiếc, với giá trị 2,14 tỷ USD, tăng 232,9% về số lượng và 213,4% về kim ngạch so với cùng kỳ 2018. Ôtô nguyên chiếc nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ 5 thị trường chính là: Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Đánh giá được đưa ra từ các chuyên gia vận tải, nhu cầu đi lại tại nước ta trên đà tăng trưởng cao, ôtô ngày càng trở thành phương tiện phổ biến của người dân hiện nay cũng như thời gian tới. Ngoài mục đích cá nhân, đảm bảo an toàn cho gia đình trong mỗi chuyến đi, người dân hiện nay còn có xu hướng mua ôtô để phục vụ cho việc kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng có nhu cầu đầu tư các loại xe tải, xe khách hay xe chuyên dụng… để vận chuyển, mở rộng và thúc đẩy hoạt động kinh doanh.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, thu nhập khả dụng bình quân đầu người của Việt Nam đã cải thiện nhanh chóng trong 5 năm qua và không ngừng tăng lên. Do đó, nhu cầu sở hữu ôtô được dự báo sẽ vẫn duy trì ở mức cao trong năm 2019 và sắp tới. Tuy nhiên, để chi một lúc khoản tiền lớn mua xe hay nhu cầu đã có nhưng tiền tích lũy vẫn chưa đủ thì làm thế nào đang là vấn đề quan ngại của nhiều người dân. Đây cũng chính là cơ hội cho các ngân hàng đẩy mạnh vốn tín dụng ở phân khúc màu mỡ này.
Tuy nhiên, ngân hàng cũng cần chú trọng kiểm soát rủi ro nợ xấu khi tín dụng tăng. Vì theo báo cáo của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), cho vay ôtô hiện do 5 nhà băng giữ thị phần lớn nhất là VIB, Shinhan Bank, Techcombank, VPBank và TPBank.
Tuy nhiên, sau thời gian phình to về quy mô dư nợ cho vay, phân khúc này bắt đầu bộc lộ nhiều vấn đề, đặc biệt ở khâu xử lý nợ quá hạn. Trong khi đó, theo đánh giá đưa ra từ VCSC, áp lực cạnh tranh cao buộc ngân hàng hạ lãi suất, tăng tỷ lệ giải ngân trên giá trị xe, giảm thời gian thẩm định, kéo theo nhiều hệ lụy sau đó…