Sơ kết 3 năm Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại Hội nghị |
Sau gần 3 năm thực hiện đã có 12/14 cơ quan Trung ương tổ chức thi tuyển đối với 29 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ và cấp phòng, có 42 ứng viên trúng tuyển (cấp vụ có 32 ứng viên; cấp phòng có 10 ứng viên). Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đã có 17/22 địa phương tổ chức thi tuyển 86 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở và cấp phòng, có 368 ứng viên trúng tuyển (cấp sở có 33 ứng viên; cấp phòng có 335 ứng viên).
Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, việc thí điểm chọn, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị thông qua thi tuyển là chủ trương đúng đắn của Đảng cần tiếp tục được thực hiện thí điểm, đúc rút kinh nghiệm và chuẩn bị những điều kiện cần thiết để thực hiện ở các địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị trong cả nước.
Việc tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý thông qua thi tuyển góp phần quan trọng vào việc tăng cường dân chủ và sự lãnh đạo tập trung thống nhất của cấp ủy trong công tác cán bộ, để công tác cán bộ có chất lượng, hiệu quả hơn xứng đáng là khâu then chốt của nhiệm vụ then chốt - xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay; củng cố và nâng cao lòng tin của nhân dân đối với Đảng, trước hết đối với cấp ủy, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị.
Cán bộ tham gia thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý có cơ hội thử thách, tự đánh giá, sát hạch bản thân mình, thấy được mặt mạnh, điểm yếu, hạn chế. Qua đó, có kế hoạch phát huy và tăng cường những điểm mạnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém, vươn lên đáp ứng yêu cầu của chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý mà cán bộ tham gia thi tuyển và thi tuyển đạt kết quả.
Mặc dù vậy, qua tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương thí điểm thực hiện Đề án, nổi lên những vướng mắc cần tháo gỡ để tiếp tục thực hiện Đề án đạt kết quả lớn hơn.
Thứ nhất, quy định về thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý: không thực hiện thi tuyển đối với chức danh được xác định là cán bộ theo quy định của Luật Cán bộ, công chức. Vì vậy, xảy ra vướng mắc đối với những người là ủy viên Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; đồng thời là thủ trưởng các cơ quan chuyên môn trực thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.
Đối với trường hợp viên chức đăng ký thi tuyển vào vị trí việc làm công chức nếu trúng tuyển, trước khi bổ nhiệm phải được xét chuyển từ viên chức sang công chức và phải thông qua kiểm tra, sát hạch theo quy định. Nếu không đủ điều kiện xét chuyển từ viên chức sang công chức thì không thể bổ nhiệm được.
Thứ hai, về quy định khi tổ chức thi tuyển phải có từ 02 người trở lên tham gia dự tuyển vào 01 chức danh tuyển chọn. Trong văn bản hướng dẫn việc tổ chức thi tuyển, chưa đưa hướng dẫn và phương án xử lý một số tình huống nảy sinh trong quá trình tổ chức thi tuyển liên quan đến nguyên tắc cạnh tranh trong thi tuyển. Ví dụ như, đến ngày tổ chức thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, phần lớn ứng viên đã đăng ký thi tuyển xin rút không tham gia thi tuyển chỉ còn một ứng viên.
Về đối tượng đăng ký tham dự thi tuyển: sự bất hợp lý giữa những người đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý so với những người không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý khi đăng ký tham dự thi tuyển ở những đơn vị có cơ cấu tổ chức khác nhau. Ví dụ như đối với Vụ có cấp phòng thì Phó phòng chỉ có thể đăng ký thi tuyển vào chức danh Phó Vụ trưởng; nhưng đối với đơn vị không có cấp phòng thì chuyên viên có thể đăng ký thi tuyển vào chức danh Vụ trưởng...
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân kết luận: Trong thời gian tới, nếu được Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho phép thì tiếp tục thực hiện đề án thí điểm đến năm 2022. Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, lựa chọn số lượng vị trí lãnh đạo, quản lý, loại hình cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý phải thực hiện tuyển chọn thông qua thi tuyển để tổ chức thực hiện theo hướn dẫn của Bộ Nội vụ và Ban Tổ chức Trung ương; hàng năm có báo cáo kết quả về Bộ Nội vụ và Ban Tổ chức Trung ương để theo dõi.
Cùng với đó, trên cơ sở kết quả sơ kết 3 năm thực hiện Đề án này tiến hành rà soát, sửa chữa, bổ sung những nội dung cần thiết theo thẩm quyền của các cơ quan chỉ đạo thực hiện Đề án (Ban Cán sự đảng Chính phủ, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ); đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến về những vấn đề cần sửa chữa, bổ sung, tháo gỡ vượt quá thẩm quyền của các cơ quan chỉ đạo thực hiện Đề án.
Phát huy mạnh mẽ những kinh nghiệm thực hiện Đề án đã rút ra qua sơ kết 3 năm thực hiện Đề án; có giải pháp khắc phục tốt những hạn chế đã được chỉ ra qua sơ kết 3 năm, thực hiện Đề án.
Cuối cùng, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị phải làm tốt việc tổng kết việc thực hiện Đề án vào Qúy IV năm 2022, rút ra những kết luận thỏa đáng và đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư có chủ trương thực hiện việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống chính trị trong cả nước./.