Sớm hoàn thiện khung pháp lý cho tín dụng xanh
Thúc đẩy tín dụng xanh là vấn đề cấp bách Ngân hàng dành nguồn lực đặc biệt cho dự án nông nghiệp xanh Xanh hóa ngành ngân hàng cho mục tiêu phát triển bền vững |
Cùng với cả nước, ngành Ngân hàng đã tích cực, chủ động và sáng tạo hướng đến các mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, với vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng, ngành Ngân hàng đã hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. NHNN đã triển khai nhiều giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD tăng cường cho vay các dự án xanh, góp phần thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
Ở góc độ ngân hàng, ông Phan Thanh Hải, Phó tổng giám đốc BIDV cho biết, việc triển khai cho vay các dự án xanh tại BIDV diễn ra từ khá sớm, đặc biệt là các dự án liên quan đến năng lượng tái tạo. Nhiều năm qua BIDV luôn là ngân hàng đi đầu trong việc phát triển các dự án xanh, nhất là đầu tư vào các dự án điện gió và điện mặt trời. Để đạt được kết quả tốt, BIDV đã đưa chiến lược tăng trưởng xanh vào chiến lược kinh doanh. Bên cạnh đó, ngân hàng đã xây dựng quy trình tương đối riêng biệt đối với các dự án xanh, ban hành một số chính sách riêng đối với từng dự án như các dự án điện gió, điện mặt trời... Chính vì vậy, những năm gần đây BIDV luôn là ngân hàng đứng đầu về việc tài trợ cho các dự án xanh. Đến thời điểm 30/6/2023, BIDV đang cấp tín dụng lĩnh vực xanh cho hàng nghìn dự án với dư nợ trên 66 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng gần 2,81 tỷ USD), chiếm tỷ trọng khoảng 4,1% trên tổng dư nợ của BIDV. Danh mục cho vay của BIDV cho các lĩnh vực xanh và phát triển bền vững đến năm 2025 dự kiến đạt 3 tỷ USD, chiếm khoảng 5% tổng dư nợ của BIDV.
BIDV tại Lễ Ký kết hợp đồng tín dụng cho Dự án Nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp, Bình Định với hạn mức tín dụng lên tới 37 triệu USD, ngày 07/03/2019 |
Trên thực tế, các ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc tài trợ cho nền kinh tế, các dự án nói chung trong đó có các dự án xanh. Như tại VPBank, nguồn vốn xanh của ngân hàng đang tập trung vào các doanh nghiệp có dự án tiết kiệm năng lượng. Tổng vốn tài trợ cho các dự án xanh tại ngân hàng đạt khoảng 500 triệu USD.
Hay như tại ACB, ông Nguyễn Hiểu Nhân, Giám đốc khối Khách hàng doanh nghiệp cho biết, đến nay ACB đã xây dựng 3 trụ cột chính để thực hiện xanh hóa ngân hàng. Đó là tài trợ vốn, hỗ trợ cho dự án xanh; tài trợ cho tất cả các hoạt động tiết kiệm năng lượng; phát triển các dự án chống biến đổi khí hậu. Hiện nay, ACB đang hợp tác với một số đối tác quan trọng nhằm thiết kế các sản phẩm dịch vụ tài trợ xanh. Dự kiến trong năm 2024, ACB sẽ công bố các khoản cho vay xanh.
Mặc dù các ngân hàng tích cực triển khai tài trợ cho các dự án xanh, tuy nhiên việc triển khai đang gặp không ít khó khăn do cơ chế, chính sách liên quan đến tài trợ dự án xanh. Ông Phan Thanh Hải, Phó tổng giám đốc BIDV cho rằng, hiện nay chưa có tiêu chí rõ ràng về xanh và phát triển bền vững, nhất là tiêu chí về các danh mục tín dụng tài trợ cho dự án xanh và phát triển bền vững. Vấn đề này ngân hàng đang chờ các cơ quan quản lý nhà nước sớm ban hành các danh mục xanh. Có hai nguồn vốn tài trợ cho các dự án xanh là từ nguồn vốn huy động hoặc hợp tác với các TCTD trong và ngoài nước. Đặc biệt là các TCTD quốc tế tài trợ cho các dự án xanh đó. BIDV cũng như phần lớn các ngân hàng khác có nguồn vốn ngắn hạn chiếm tỷ lệ lớn, trong khi đó các dự án xanh cần nguồn vốn lớn, dài hạn, lãi suất ưu đãi... Bên cạnh đó, NHNN chủ trương giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Đây là khó khăn rất lớn đối với ngân hàng khi phải đảm bảo tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo quy định.
Từ thực tế triển khai tài trợ cho nhiều dự án xanh, nhất là các doanh nghiệp có dự án tiết kiệm năng lượng, các ngân hàng đã gặp nhiều khó khăn khi cho vay do các quy định hành lang pháp lý đối với tín dụng xanh vẫn còn thiếu. Theo bà Võ Hằng Phương, Giám đốc khối Thị trường Tài chính và Ngân hàng giao dịch VPBank, vì chưa có tiêu chí dự án xanh rõ ràng nên khó áp dụng theo quy tắc để cấp tín dụng cho các dự án xanh. Một vấn đề khác trong việc giải ngân cho các dự án xanh mà VPBank gặp phải là thủ tục cấp phép. Hiện nay VPBank đang nhận được sự ủy thác tài trợ xanh từ nhiều tổ chức phát triển cho các dự án đạt tiêu chuẩn xanh. Khi ngân hàng tìm ra dự án xanh mà các tổ chức quốc tế có nhu cầu đầu tư thì ngân hàng hoặc chính các tổ chức này phải đi xin thư không phản đối từ các bộ, ban, ngành. Việc hoàn tất các thủ tục này mất rất nhiều thời gian, đồng thời đội thêm nhiều chi phí của doanh nghiệp đối với dự án xanh. Để tháo gỡ khó khăn, qua đó giúp VPBank cũng như các ngân hàng khác phát triển mạnh mẽ tín dụng xanh, bà Võ Hằng Phương đề nghị, Chính phủ, NHNN, các cơ quan quản lý tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cũng như ban hành "Khung định nghĩa thế nào là xanh" để các ngân hàng có thể áp dụng cho vay các dự án xanh.