Sớm luật hóa quy định về xử lý nợ xấu
Hài hòa lợi ích các bên trong xử lý nợ xấu Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho các TCTD và xử lý nợ xấu |
Ông đánh giá thế nào về “sức khoẻ” của các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay?
Trải qua đại dịch Covid-19, “sức khoẻ” của cộng đồng doanh nghiệp đã bị bào mòn, chưa kịp hồi phục thì liên tiếp chịu những cú sốc cả bên trong lẫn bên ngoài. Cụ thể, tình hình kinh tế thế giới suy thoái, xung đột Nga - Ukraine diễn biến phức tạp, cầu tiêu dùng suy giảm, nhất là ở các thị trường vốn là đối tác xuất khẩu lớn của nước ta như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản EU… Trong nước, hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nhiều lĩnh vực gặp khó khăn, không đảm bảo được đầu ra của sản phẩm, một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng… Ngoài vấn đề thị trường, các thách thức khác như dòng tiền và thủ tục hành chính trong giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp vẫn là những nút thắt kéo dài từ lâu.
Khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp càng được phản ánh rõ nét qua con số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Theo báo cáo mới công bố của Tổng cục Thống kê, tính chung 7 tháng năm 2023, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 7 tháng năm 2023 là 131.900 doanh nghiệp, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 113.200, tăng 19,8%, trung bình một tháng có hơn 16.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Thực trạng trên sẽ ảnh hưởng thế nào tới hoạt động kinh doanh của các ngân hàng, thưa ông?
Ngân hàng và doanh nghiệp có mối liên hệ chặt chẽ. Bởi vậy rất dễ hiểu khi doanh nghiệp gặp khó khăn thì tình hình kinh doanh của các nhà băng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Một trong những yếu tố thể hiện rõ nét nhất đó là tỷ lệ nợ xấu đang có chiều hướng tăng. Minh chứng trong báo cáo tài chính quý II/2023 vừa được các ngân hàng công bố cho thấy chất lượng tài sản của nhiều ngân hàng đang suy giảm do nợ xấu tăng cao, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm. Thời điểm này bức tranh nợ xấu có thể vẫn chưa được phản ánh thực chất, bởi nhiều khoản nợ dù đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhưng chưa được chuyển nhóm do chính sách cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN.
Có thể thấy, tình hình nợ xấu sẽ còn gia tăng trong thời gian tới và sang cả năm sau. Gần đây, quan sát trên trang web của nhiều ngân hàng, các thông báo bán nợ, đấu giá tài sản đảm bảo xuất hiện dày đặc, tuy nhiên ngân hàng vẫn khó bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, dù đã giảm giá rất thấp so giá trị khoản vay. Ngoài lý do thị trường trầm lắng, thì hàng loạt vướng mắc về pháp lý chưa được tháo gỡ triệt để cũng là nguyên nhân khiến ngân hàng rất khó khăn trong xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi vốn.
Để hỗ trợ các ngân hàng trong việc giải quyết nợ xấu, nhiều ý kiến đề xuất sớm “luật hoá” Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
Nghị quyết 42 ra đời với mục tiêu là để tạo một cơ sở pháp lý, tức là thông qua cơ chế thí điểm để giải quyết nợ xấu khi nợ xấu ở mức cao vào năm 2017. Việc triển khai Nghị quyết số 42 thời gian qua đã mang lại những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu, góp phần thay đổi ý thức trách nhiệm của toàn xã hội với việc trả nợ ngân hàng… Tuy nhiên, sau hơn 6 năm thí điểm việc áp dụng Nghị quyết 42 cũng có nhiều khó khăn, vướng mắc, phát sinh cần được rà soát để hoàn thiện thêm.
Để đáp ứng yêu cầu xử lý nợ xấu và không tạo khoảng trống pháp lý khi Nghị quyết 42 của Quốc hội hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023, NHNN đã dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến. Theo đó, dự thảo Luật đã bổ sung thêm 1 chương quy định về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm. Việc bổ sung các quy định này là vô cùng cần thiết và phải nhanh chóng được thông qua càng nhanh càng tốt. Qua đó có thể tạo điều kiện cho công tác xử lý nợ xấu được nhanh hơn, hiệu quả hơn, giúp tiền của ngân hàng không bị “chôn chân”. Khi dòng tiền chảy thông suốt sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế.
Xin cảm ơn ông!